Tại ASIAD Incheon 2014 (Hàn Quốc) vừa rồi, trong số những huy chương mà đoàn TTVN có được có những tấm huy chương được cho là “đi vào lịch sử” bởi lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được ở đấu trường ASIAD. Lừu Thị Duyên – cô gái người dân tộc Mông – đã có tấm huy chương như vậy, lại ở môn thể thao tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông: Boxing.
Người nổi tiếng nhất… Phố Lu
Có chữ Phố trong cái tên nhưng Phố Lu chỉ là một thị trấn nhỏ miền núi thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Người ta nói, ai muốn hỏi nhà con bé Duyên “đánh bốc” thì chỉ cần đứng đầu huyện hỏi là người ta chỉ tới tận nhà. Nằm sâu trong thôn Phú Cường 2, căn nhà của gia đình Duyên chỉ có bố mẹ và các em (Duyên là chị cả).
Nói Lừu Thị Duyên nổi tiếng nhất thị trấn Phố Lu là thừa vì Duyên còn là VĐV nổi tiếng nhất Lào Cai. Trong “lịch sử” Lào Cai, có một năm, việc sắp xếp “5 sự kiện VH-TT nổi bật của tỉnh trong năm” lại xuất hiện một cô gái chưa đến 20 tuổi. Đó là năm 2011, khi Lừu Thị Duyên đoạt HCB SEA Games (vì bị xử ép), song chiếc HCB này được coi là “kỳ tích” của thể thao Lào Cai vốn… chẳng mạnh ở môn nào. Năm ấy, chuyện Lừu Thị Duyên đoạt HCB SEA Games được xếp vào vị trí thứ 2 trong 5 sự kiện tiêu biểu nhất Lào Cai năm 2011, chỉ đứng sau cột mốc doanh thu 1.000 tỉ đồng đạt từ ngành du lịch.
Đến năm 2013, khi Duyên chính thức đoạt HCV môn boxing thì lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã tổ chức hẳn một “hội nghị” để vinh danh cô gái 20 tuổi này. Tham dự lễ vinh danh ấy có những lãnh đạo cao nhất tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng cùng nhiều lãnh đạo ngành của tỉnh.
Cũng dễ hiểu vì chiếc huy chương ấy là chiếc HCV đầu tiên của lịch sử thể thao Lào Cai.
Thế nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà Lào Cai có được “cô gái vàng”. Chuyện Lừu Thị Duyên đến với boxing có nhiều điều kỳ lạ.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Duyên được cho là cô con gái ngoan ngoãn, xinh xắn, học giỏi nhưng cũng rất hiếu động. Một trong những “món” mà Lừu Thị Duyên rất giỏi là… vật tay. Không hiểu sao cánh tay của Duyên rất chắc, khỏe tới mức ngay cả các bạn trai cũng lắc đầu lè lưỡi. Năm Duyên 14 tuổi, cũng là một cái “duyên” khi người của Sở TDTT đi chọn “nhân tài” gây dựng một số môn thể thao, trong đó có boxing. Thật ra, Lào Cai chọn đầu tư phát triển boxing nữ là “bị dụ” – theo cách nói vui của một số lãnh đạo ngành thể thao bởi đây là môn mới, có “cửa” HCV SEA Games và huy chương Châu Á. Hơn nữa, đầu tư cho boxing nữ là khá rẻ, vấn đề chỉ là chọn đúng người.
Trong lần tuyển trạch ấy, những cán bộ làm thể thao Lào Cai rất ấn tượng với cơ thể của cô gái mới lớn Lừu Thị Duyên và đã mời cô đi tập… đấm bốc. Thật tình thì lúc ấy, Duyên chẳng biết đấm bốc là môn gì. Thấy được lên Lào Cai luyện tập, có lương, thế là đồng ý.
Nhà trường ủng hộ, Duyên “ưng cái bụng”, nhưng về nhà thì gia đình phản đối kịch liệt. Bố mẹ cô muốn Duyên ở nhà, học xong và chờ được… “bắt”. Tục lệ người Mông có chuyện chàng trai Mông thích cô gái nào đó thì tìm cách “bắt” về. Bây giờ xã hội văn minh, “bắt vợ” chỉ là “hình thức” của đôi trẻ yêu nhau.
Phải mất cả tháng trời, người của sở thể thao xuống thuyết phục, bố mẹ Duy mới tạm… gật đầu. Và cũng bởi, những người của sở thể thao phải nói dối, boxing là môn thi biểu diễn cho đẹp thôi chứ không đấm đá gì hết…
Chấp nhận xấu để có HCV
Duyên không quá xinh đẹp, nhưng cô có duyên, cái duyên đằm thắm, khỏe mạnh của một cô gái Mông. Nhưng boxing đúng là không phải môn… biểu diễn mà là phải dùng nắm đấm thật sự. Lên trung tâm thể thao tỉnh, Duyên mới “đớ” người vì boxing… ghê quá. Môn gì mà đấm nhau uỳnh uỵnh, sưng mắt, chảy máu mũi máu mồm thế kia. Thế là Lừu Thị Duyên tìm cách trốn về, báo hại lãnh đạo trung tâm thể thao lại phải lặn lội xuống Bảo Thắng thuyết phục và cả… dọa nạt (vờ là đuổi học).
Duyên trở lại luyện tập, rồi không hiểu sao mê dần. Tố chất bẩm sinh cộng với sự chăm chỉ, Duyên tiến bộ không ngừng. Cô bảo: “Theo boxing thì đừng hy vọng… xinh. Ngày trước, em cứ hồn nhiên đưa mặt ra cho người ta đấm, sưng húp mặt mũi. Nhưng cũng vì thế mà tiến bộ nhanh.
Chỉ đúng một năm sau, Duyên có tấm HCV đầu tiên, đó là giải trẻ boxing toàn quốc, rồi vào ĐTQG.
Điều mà chính những người thầy của Duyên ngạc nhiên là sự tiến bộ không ngừng của cô. Chỉ 2-3 năm tập boxing, Duyên đã có ngay 1 HCB thế giới và sau đó là tấm HCB SEA Games – tấm huy chương đầu tiên của boxing nữ.
Thậm chí suýt chút nữa, cô gái Mông Lừu Thị Duyên đại diện cho boxing nữ Việt Nam dự Olympic, chỉ tiếc trong vòng tuyển chọn năm 2012, Duyên thua một võ sĩ người Mỹ từng 6 lần vô địch thế giới.
Nhưng để được vinh quang, cái giá phải trả là rất lớn. Không chỉ là những khoảng thời gian phải ép cân kinh hoàng, để có được thể lực tốt, các võ sĩ phải dùng thêm thuốc bổ trợ. Những loại thuốc này có tác dụng phụ là khiến cho da mặt trở nên sần sùi. Khi nhìn gần Duyên thì mới thấy cái giá cô trả cho môn thể thao này quá nhiều, đặc biệt là nhan sắc. Hôm rồi ở Incheon, Duyên đã nói với một phóng viên rằng: “Các anh đừng gọi em là người đẹp boxing nữa nhé, em giờ hết… xinh rồi”.
Chính nhờ sự hy sinh ấy người ta mới cảm nhận được những giọt nước mắt, những nụ cười của Duyên khi thắng võ sĩ người Tajikistan để vào bán kết boxing nữ ở ASIAD và sau đó đoạt huy chương đồng.
Giờ, nỗi lo của các thầy là chuyện Duyên bị “bắt vợ”, thỉnh thoảng gia đình bắn tin lên là “có mấy đám dạm hỏi rồi, có về không?”. Nhưng với Duyên, cô còn chặng đường dài trước mặt, là Olympic 2016, là SEA Games 2015, là ASIAD 2018… để tiếp tục là người Mông nổi tiếng nhất Phố Lu.
Theo Laodong