Cờ người Võ thuật: Độc đáo môn thể thao cổ truyền

Là sự kết hợp giữa cờ tướng và võ thuật, Cờ người Võ thuật từ lâu đã trở một nét văn hóa độc đáo trong các bộ môn thể thao cổ truyền ở Việt Nam.

Biểu diễn cờ người võ thuật độc đáo tại TP.HCM
Đâu là trận đại chiến “Xích Bích” bi tráng của người Việt?

Cờ người Võ thuật chinh phục thị hiếu của người xem nhờ kết hợp được tính quyết liệt của võ thuật và những nước đi tinh tế trên bàn cờ tướng.

VÕ ĐÀI TRÊN BÀN CỜ TƯỚNG

Cờ người Võ thuật ra đời tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào năm 1989 do 2 võ sư Lê Văn Vân (đã qua đời) và Hồ Văn Tường (Hồ Tường) phối hợp tạo thành. Tiến sĩ văn hóa – Võ sư Hồ Tường (Chưởng môn phái võ lâm Tân Khánh – Bà Trà) cho biết: Cờ người Võ thuật ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của thanh niên sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Thanh niên nói riêng và khách hâm mộ hai bộ môn cờ tướng và võ thuật nói chung.

Cờ người Võ thuật: Bộ môn thể thao độc đáo.
Cờ người Võ thuật: Bộ môn thể thao độc đáo.

Thực tế, Cờ người đã xuất hiện trong các lễ hội văn hóa ở các tỉnh miền Bắc từ thời xa xưa. Nhưng không khí cờ người truyền thống khá vắng lặng và ít được chú ý. Dựa trên nền tảng đó, hai võ sư Lê Văn Vân và Hồ Tường đã cùng nhau phối hợp nghiên cứu để cải tiến thành Cờ người Võ thuật. Từ những ngày đầu thành lập, Cờ người Võ thuật đã trở thành môn thể thao biểu diễn rất đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thích võ thuật và cờ tướng.

Trong Cờ người Võ thuật, các quân cờ được chia làm hai bên mặc trang phục xanh – đỏ. Giữa ngực và sau lưng áo của mỗi thành viên đều có một miếng vải trắng để ghi tên quân cờ tướng. Mở đầu một ván cờ, quân của hai bên chạy từ hai góc sân vào tạo thành vòng tròn bao quanh bàn cờ, sau đó chạy vào vị trí của mình đứng cúi đầu chào nhau. Tiếp theo 32 quân cờ cùng dạo một bài quyền đặc trưng của bổn phái, vừa để chào khán giả vừa khởi động, làm nóng cơ thể. Một người ngồi ngoài, thường là một kỳ thủ có tiếng được mời đến tham dự trò chơi, sẽ đọc từng nước đi của ván cờ để các quân cờ người trong sân thực hiện theo.

Những màn đối luyện võ thuật được xem là nét đặc sắc nhất trong cờ người võ thuật.
Những màn đối luyện võ thuật được xem là nét đặc sắc nhất trong cờ người võ thuật.

Các quân cờ sẽ di chuyển bằng cách biểu diễn quyền cước hoặc binh khí. Khi một bên cờ bị ăn quân, hai quân cờ người sẽ ra khu vực rộng ở giữa bàn cờ (gọi là sông) để đánh nhau bằng cách biểu diễn những miếng võ độc đáo của võ cổ truyền. Khi kết thúc ván cờ, tướng của hai bên sẽ ra quyết đấu với nhau, bên nào bị chiếu tướng bí thì bên đó thua cuộc. Mỗi ván Cờ người Võ thuật thường kéo dài khoảng một giờ vì thế các quân cờ đòi hỏi phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn và tinh thần tập trung cao độ.

Tiến sĩ – Võ sư Hồ Tường cho biết: “Cờ người Võ thuật tạo được sự sống động hơn cờ người truyền thống. Chính những màn giao đấu võ kịch tính đã giúp cho bộ môn này hấp dẫn người xem cả về cờ tướng lẫn võ thuật”.

ĐỘC ĐÁO MÔN THỂ THAO CỔ TRUYỀN

Trong những năm gần đây, Cờ người Võ thuật đã được nhiều người biết đến. Tại TP.HCM hiện có 3 đội Cờ người đang tập luyện và thường xuyên được mời đi biểu diễn. Bộ môn này thu hút được nhiều thành phần khán giả. Những người lớn tuổi thì thích xem những nước đi của quân cờ tướng, các khán giả trẻ tuổi thì thích sự hấp dẫn trong các pha đấu võ thuật.

pv_0219

Trong các dịp lễ lớn hoặc Tết cổ truyền dân tộc, Cờ gười Võ thuật trở thành một trò chơi độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của võ cổ truyền Việt Nam. Theo võ sư Hồ Tường thì một võ sinh muốn đứng ở vị trí quân chốt trong bàn cờ phải có ít nhất 6 tháng tập luyện võ cổ truyền. Những quân cờ càng lớn thì thâm niên luyện võ càng cao. Bộ môn này rèn luyện cho các võ sinh có được kỹ năng chiến đấu võ thuật tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn khi biểu diễn trước quần chúng.

Cờ người Võ thuật thu hút thị hiếu của người xem.
Cờ người Võ thuật thu hút thị hiếu của người xem.

Ngoài sự lôi cuốn người xem thì giá trị của Cờ người Võ thuật còn nằm ở chính sự hứng khởi của những người trong cuộc. Ngày nay, nhiều bạn trẻ tìm đến các lò võ cổ truyền với mong muốn được mặc lên người những bộ trang  phục Cờ người được mô phỏng theo nghĩa quân Tây Sơn và tham gia vào các trận chiến trong sự hò reo, cổ vũ của khán giả. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị văn hóa lịch sử mà bộ môn thể thao độc đáo này mang lại.

Từ mục đích giải trí ban đầu, Cờ người Võ thuật dần dần đi vào đời sống tinh thần của một bộ phận những người yêu thích võ thuật và cờ tướng. Đây là một bộ môn thể thao độc đáo và thú vị, góp phần gìn giữ và phát huy những tinh hoa, vẻ đẹp của võ cổ truyền Việt Nam./.

Bài – ảnh: Võ Đạt