Nhắc đến võ phái Nam Tông, giới võ thuật ngày nay vẫn còn trầm trồ thán phục bởi tuyệt kỹ “hạc quyền” vô đối một thời. Lấy hình tượng cánh hạc vừa mềm dẻo vừa ẩn chứa nội lực ghê gớm, môn phái Bạch Hạc đã tạo nên tiếng tăm vang dội, hợp nên một trong tứ đại môn phái lẫy lừng của Trung Hoa thời ấy.
Qua đến Việt Nam, lão võ sư Tám Kiển đã khéo léo biến hóa những tinh hoa tuyệt kỹ ấy để sáng lập ra môn phái Nam Tông lừng danh khắp bốn phương.
Người đưa giai thoại “hạc quyền” về đất Việt
Tương truyền, môn phái Bạch Hạc được hình thành trên ngọn núi hùng vĩ có tên là Bạch Hạc Sơn, quanh năm tuyết phủ với cảnh mây ngàn hạc nội, vừa hùng tráng vừa thơ mộng. Nơi đây, Ngũ Mai Lão Ni thuộc dòng dõi hoàng tộc Trung Hoa đã lui về ở ẩn để vui thú với cuộc sống an nhàn, thanh tịnh chốn thâm sơn cùng cốc.
Một hôm, đang ngồi thưởng ngoạn gần đỉnh núi, bà chợt nhìn thấy một con chim hạc với bộ lông trắng muốt, thân hình mảnh dẻ đậu trên tảng đá. Dù gió đang thổi mạnh, con chim vẫn vỗ cánh cố trụ vững ở đó mà không chịu bay đi. Bất chợt, một luồng gió mạnh hơn và đổi hướng ngược lại mà con hạc vẫn tự điều khiển thân mình và đôi cánh để giữ cho cơ thể được thăng bằng. Từ đó, bà trở về ghi nhớ lại bằng cách vẽ lại hình ảnh cánh hạc với nhiều tư thế khác nhau trong khi “đối địch” với làn gió lớn trước biển. Học theo sự uyển chuyển của cánh chim, bà đã sáng tạo nên bài quyền với các đường quyền mềm dẻo nhưng vô cùng linh hoạt theo nguyên tắc lấy nhu chế cương và “âm trung hữu dương”. Từ lần “ngộ võ” đó, Ngũ Mai Lão Ni đã lập ra môn phái Bạch Hạc, đào tạo được nhiều nhân tài tinh thông võ thuật bao trùm khắp miền nam Trung Hoa.
Bạch Hạc quyền là môn võ mang tính nghệ thuật cao, nếu không cẩn trọng thì dễ dàng gây chết người trong tích tắc. Thủ pháp đặc trưng của Bạch Hạc được gọi đơn giản là cánh hạc. Trong đó, sử dụng tối đa sự lợi hại của mu bàn tay và cùi chỏ để chiến đấu như sự tài tình của cánh hạc vẫn giữ được thăng bằng trong mọi tình huống nguy hiểm nhất. Điểm đặc biệt trong Hạc quyền là dùng ngay nội lực của địch để đánh địch, không bắt trói vật mà đối thủ vẫn té nhào và hóa giải lực đối kháng bằng nghệ thuật âm dương. Thời bấy giờ, với tuyệt kỹ lừng lẫy trong những cuộc tỉ thí võ đài, nó đã trở thành một trong tứ đại môn phái nổi danh ngang dọc võ lâm là Bạch Hạc – Thiếu Lâm – Nga Mi – Bạch Mi.
Khi lưu truyền qua đất Việt, môn Bạch Hạc đã thay đổi diện mạo mới với nhiều tuyệt kỹ đa dạng dựa trên thế hạc quyền được vận dụng vào các lối đánh của võ phái Nam Tông, do võ sư Lê Văn Kiển sáng lập (còn gọi là Tám Kiển). Ông sinh ra tại vùng sông nước Sóc Trăng trong một gia đình có truyền thống võ học. Từ nhỏ ông đã được học quyền cước từ thân phụ của mình sau những lần tan học “kinh văn” ở trường. Lớn lên một chút, niềm đam mê võ thuật trong người trỗi dậy, chàng trai từ giã cha để hành tẩu lên đất Chợ Lớn tìm thầy bái sư. May mắn thay, ông gặp được vị võ sư gốc Hoa tên là Lai Quý, một trong những đệ tử của môn phái Bạch Hạc và được truyền dạy tuyệt kỹ “Hạc quyền” lẫy lừng ở Trung Hoa.
Sau khi thành thạo và tinh thông “Bạch hạc quyền”, võ sư Tám Kiển vẫn không ngừng mong muốn học hỏi thêm nhiều môn phái khác nhau. Bôn ba khắp nơi, ông được thọ giáo Thiếu Lâm Nam Phái của bậc cao thủ Lưu Phú, cũng là một võ sư người Hoa. Rồi cơ duyên cho ông gặp gỡ vị thiền sư trên núi Thất Sơn (An Giang, cũng là sư phụ của đại sư Mai Văn Phát) và được truyền dạy kỹ thuật khinh công Thủy thượng phiêu (thuật phi đại trên mặt nước). Với những tuyệt kỹ võ thuật được học, đặc biệt là hấp thụ tinh hoa của nền võ học Bạch Hạc chính tông, năm 1950, võ sư Tám Kiển đã chính thức sáng lập môn phái Nam Tông tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Thời kỳ ấy, võ đường Nam Tông thu hút hàng vạn thanh thiếu niên theo học với tiêu chí không thu tiền học phí môn sinh. Võ sư Tám Kiển luôn gắt gao trong việc cấm môn đồ võ phái thượng đài mà học võ trên tinh thần rèn luyện sức khỏe và tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ thời chiến tranh loạn lạc ngày ấy. Với mong muốn ổn định và phát triển võ cổ truyền dân tộc, năm 1969, ông đã vận động thành lập Tổng hội võ học Việt Nam và được giới võ lâm tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch hội đồng đầu tiên.
Lưu truyền và phát triển tuyệt kỹ võ phái Nam Tông
Thấp thoáng thấy bóng dáng một người thầy trong bộ áo quần thể dục cùng các em học sinh trường tiểu học Mê Linh (quận 1, TP.HCM), không ai nghĩ đó lại là một vị võ sư truyền nhân của võ đường nức danh một thời. Ngồi trò chuyện với võ sư Quan Vân Triều về người thầy lỗi lạc Tám Kiển, bản chất con nhà võ mới lộ ra trong từng cử chỉ khẳng khái, nét mặt cương nghị của ông. Khi lão võ sư qua đời, ông và những đệ tử võ phái Nam Tông vẫn tiếp bước sư phụ để rèn luyện võ thuật và sức khỏe tinh thần cho các lớp lớp đi sau.
Nói đến tuyệt kỹ của môn phái, võ sư Quan Vân Triều nhấn mạnh: “Quyền cước trong võ phái Nam Tông vận hành theo nguyên lý âm dương, tức lấy nhu khắc cương trong mọi hoàn cảnh. Không cần tiêu hao nội lực, từ lối đánh phòng thủ “đánh lừa” đối phương tấn công kết hợp với các đòn thế hiểm hóc, khôn khéo để lấy gậy ông đạp lưng ông, tức mượn lực đối phương để đánh trả chính họ. Lối đánh này gọn, nhanh nhưng muốn đạt hiệu quả thật sự yêu cầu người học phải khổ luyện”. Đặc biệt, võ thuật môn phái luôn dựa trên kỹ thuật hạc quyền làm lối đánh sở trường. Các thế luồn lách, né đòn nhanh, phản công chính xác mục tiêu và giữ thăng bằng cơ thể như cánh chim hạc đã hạ gục đối thủ chỉ trong tích tắc.
Nam Tông võ phái có tất cả 7 bài quyền gồm: Tam môn quyền, Tứ môn quyền, Thập bát liên châu, Ngũ linh quyền, Thần Kim Qui, … trong đó, bài “Lão hổ quyền” được xem là đặc sắc nhất, từng gắn liền với danh tiếng lão võ sư Tám Kiển một thời. Nương theo thế đánh của con hổ bằng những thế hiểm, bài quyền này có sức công phá phi thường. Đó là kỹ thuật đánh vào những thế tấn thấp và phá những thế đá bằng đòn chân, làm đối thủ ngã ngửa trong phút chốc. Cốt yếu sử dụng đòn tay như những móng vuốt của hổ để đánh vào những yếu huyệt gây chết người trên cơ thể: yết hầu, “nhân trung”, hạ đẳng,…
Bên cạnh những bài quyền biến hóa, phái Nam Tông còn có những môn binh khí đặc dị, điển hình là bài Song thiết. Nói về bộ môn sở trường của mình, võ sư Quan Vân Triều tiết lộ: “ Bài Song thiết chỉ được sư phụ truyền lại cho số ít đệ tử vì nghi ngại về độ sát thương rất cao. Song thiết gồm hai sợi dây xích, mỗi dây có 5 khúc, mỗi khúc là một lưỡi dao nhỏ bén hai cạnh dài 90cm, nối lại với nhau bởi cán dài 20cm và những khoen tròn, riêng lưỡi dao ở cuối sợi dây dày hơn và nhọn dùng để đâm. Binh khí này có thể xếp gọn bỏ vào túi quần, có thể đánh cận chiến hay tấn công đối phương ở tầm xa một cách dễ dàng và hiệu quả.” Về kỹ thuật, song thiết bao gồm các thế: loang, đâm, chụp dây, tung dây, chận dây, hất dây, vừa đánh vừa xoay người từ trước ra sau và ngược lại, vừa đánh vừa xoay người tiến dần lên phía trước, vừa lăn tròn thân người vừa đánh… đưa đối phương vào thế “cương tỏa”. Song thiết là bài tấn công khiến nhiều người phải khiếp sợ với nhiều thế như tung dây quấn lấy binh khí, hai tay song song đâm thẳng về phía trước theo bộ đinh tấn, dùng bộ xà tung dây chém ống chân đối phương hoặc kết hợp với đá bay để thu dây về.
Ngoài binh khí Song thiết, võ phái Nam Tông còn nổi danh với các loại hình binh khí khác như: Ngũ mã nhập thành côn, Thiết khúc, Âm dương kiếm pháp,… Tất cả những tuyệt kỹ của môn phái Nam Tông vẫn đang được những đệ tử thầy Tám Kiển lưu truyền cho những thế hệ trẻ hôm nay. Và trong một tiết học võ do võ sư Quan Vân Triều đứng lớp, tôi như trông thấy quá khứ tái hiện về một cánh hạc trên núi tuyết trắng năm nào với những bài múa võ Bạch hạc quyền mê hồn trong Nam Tông võ phái qua thân hình của những “võ sĩ nhí” hôm nay.