Hai trường phái trái ngược của Taekwondo

Taekwondo bước vào thế kỷ 21 như một môn thể thao trọn vẹn, người ta có khuynh hướng tập trung vào tính thể thao hơn là phương diện tự vệ của môn võ này.

Niềm đam mê võ thuật của 3 vị lãnh đạo tài ba trên thế giới.
Bí quyết để có body “chuẩn không cần chỉnh” như Chris Evans.

Một số HLV Taekwondo thích sử dụng “Huyng” đối luyện trong các kỳ thi lên đai, hoặc cho các võ sinh mới bắt đầu luyện tập làm quen với những đòn thế chiến đấu. Tuy nhiên, cũng có một số võ sư vẫn còn theo một chương trình huấn luyện truyền thống khi áp dụng các bài quyền.

Một trong những võ sư đó là Bob Smith. Ông giải thích: “Các bài quyền rất quan trọng vì nó phát triển kỹ năng vận động, sự cân bằng và phối hợp. Việc luyện tập các bài quyền giúp các võ sinh rèn luyện sự kiên nhẫn và tự chủ”. Đối với Smith, các bài quyền không chỉ để vượt qua các kỳ thi lên đai. Ông khuyến khích võ sinh tập quyền với ý tưởng sẽ có ngày họ dùng những đòn thế này để cứu lấy họ.

Smith cũng lưu ý rằng 2 tổ chức Taekwondo lớn nhất thế giới là Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) và Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) đều có những hệ thống quyền khác nhau. ITF thích các hệ thống quyền cổ hơn, như Odokwan Huyng, trong khi WTF lại ủng hộ các hệ thống quyền hiện đại như Jidokwan hay Taegeuk poomse. Smith giải thích thêm: “Các bài quyền Odokwan nhằm vào mục tiêu tự vệ rất rõ ràng. Mọi đòn thế Odokwan đều được thực hiện với chủ đích triệt hạ địch thủ. Mỗi chuyển động là một đòn chân hay tấn công rất thực tế, trong khi các bài quyền Taegeuk được thực hiện với sức mạnh thư giản hơn”.

taekwondo2

Những khác biệt giữa 2 hệ thống này cũng dễ dàng nhận ra. Ví dụ: đòn gạt của Odokwan quét ngang từ hông bên này sang hông bên kia để phát huy được lực cực đại; trong khi các đòn gạt Taegeuk bắt đầu từ phần giữa cơ thể. Các đòn đá và đấm của Odokwan sử dụng lực xoắn hông hơn là các đòn phản công Taegeuk trong một nổ lực nhằm phát huy sức công phá. Các đòn thế Taegeuk có đặc điểm đột ngột và bất ngờ, ít xoay người hơn so với các đòn thế Odokwan. Cước pháp Taegeuk thích hợp hơn trong các kỳ thi Olympic vì dễ thích ứng với sự kết hợp đòn thế. Cước pháp Odokwan chú trọng các chuyển động hông và xoay tròn buộc các võ sĩ Taekwondo phải tung toàn bộ trọng lượng cơ thể vào mục tiêu. Cú đá móc xoay người là một ví dụ điển hình cho sự khác biệt giữa hai trường phái.

Odokwan thích gần địch thủ hơn để có thể sử dụng cả 2 tay và chân. Phần trên cơ thể giữ thẳng trong lúc xoay người để có thể nhìn rõ địch thủ trước khi tung cú đá móc. Ngược lại, Taegeuk thích giữ khoảng cách với địch thủ hơn vì dễ dàng trong các kỹ thuật cước pháp khác. Khi võ sinh Taegeuk bắt đầu xoay người, anh ta sẽ nhanh chóng thu ngắn khoảng cách và khởi động đòn đá móc bằng cách giãn phần lưng, cúi gập đến ngang eo để tránh đòn phản công có thể có từ địch thủ và tung toàn bộ mặt bàn chân vào đối thủ. Đòn thế Taegeuk giống ballet hơn, có tính thẩm mỹ hơn và nhanh hơn các cú đá Odokwan. Hầu hết các cú đá Taegeuk đều bắt đầu bằng chuyển động xoắn để tạo lực, trong khi các cước pháp Odokwan ngắm vào mục tiêu công phá và triệt hạ từ lực xoắn hông và động năng của cơ thể hơn là vận tốc và sự phối hợp.

taekwondo3-362x480

Kỹ thuật đòn tay của Taegeuk và Odokwan khá giống nhau. Cả hai đều dùng các cú đấm, chận nhắm vào những mục tiêu thượng, hạ và trung đẳng. Có lẽ một khuyết điểm của Taegeuk là không nhấn mạnh đến việc tung cú đấm xuyên qua mục tiêu. Kỹ thuật đòn tay của Odokwan trái lại tận dụng lực xoắn hông và vai để cộng hưởng lực và đặt trọng tâm vào việc công phá xuyên qua mục tiêu. Đòn đấm Odokwan được tung ra và giật lại rất giống đòn đá giật phía trước. Ngược lại, kỹ thuật tay của Taegeuk giương dài hơn, tương tự như kỹ thuật của cú đá duỗi. Võ sinh Taegeuk thực hiện cú đấm từ vùng mang đai sau đó tung thẳng ra. Trái lại, võ sinh Odokwan xoay người nhiều hơn, kéo quả đấm về phía sau từ 3 đến 6 phân giống như cái giảm sóc nhấn mạnh đến lực xoắn hông. Taegeuk quan tâm đến quá trình chuẩn xác hình thành quả đấm hơn là huy động một lực cực đại đằng sau quả đấm.

Bộ pháp giữa Taegeuk và Odokwan hoàn toàn khác hẳn nhau. Theo Odokwan, võ sinh trụ người thấp hơn và đặt nặng vào việc phát huy sức mạnh. Thế tấn Ahp Gubi sâu và vững chắc được ưa thích nhất trong các đòn chân và gạt của Odokwan. Trái lại, Taegeuk thích một thế tấn đẹp hơn và thân vươn thẳng cao hơn vì nó cho phép họ có thời gian phản đòn và di chuyển nhanh hơn. Ưu điểm của Odokwan khi nặng vào việc huy động sức mạnh là nó chỉ cần 1 hay 2 đòn Odokwan thay vì 5 hay 6 đòn Taegeuk để kết thúc trận đấu. Tuy nhiên, một khuyết điểm của trường phái này là sự thiếu linh động. Bộ pháp của Taegeuk trái lại giống như chuyển động của một con mèo. Nó cho phép võ sinh di chuyển nhanh hơn và đứng trên mũi bàn chân.

Về mặt lợi ích tự vệ, cả 2 đều có điểm mạnh. Khi bạn muốn chiến đấu bằng chân thôi thì trường phái Taegeuk vượt hẳn Odokwan, đặc biệt khi bạn muốn kết hợp các cú đá liên hoàn. Tuy nhiên, khi bạn đã nhập nội vào địch thủ và phải sử dụng các kỹ thuật tay, Odokwan lại hiệu quả hơn vào lúc này. Cước pháp Odokwan đặc biệt nhằm vào phần thân trong khi Taegeuk thường tung cước pháp vào phần đầu địch thủ. Nói chung, Taegeuk thích hợp cho chiến đấu tầm xa trong khi Odokwan được dùng cho cận chiến.

Theo Nguyên Chi/Sổ tay Võ thuật