Hồng Gia Quyền – Võ cước trong phim và ngoài thực tế

Qua tiểu thuyết và phim ảnh, chúng ta được biết tới Hoàng Phi Hồng và môn Hồng Gia Quyền. Phim đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1949 với Quan Đức Hưng thủ vai chính. Từ 1991 đến 1993, một phim nhiều kỳ thực hiện tại Trung Quốc đã làm sống lại nhân vật này trong ký ức giới hâm mộ võ thuật.

Hồng Gia Quyền – Điện ảnh và thực tế
Hồng Gia Quyền – môn quyền cận chiến và cương ngạnh (kì 1)

Tại Hương Cảng, vào cuối thập niên 1970, đạo diễn kiêm võ sư Hồng Gia Quyền, Lưu Gia Lương (sanh năm 1936) đã thực hiện nhiều phim lấy chủ đề Thiếu Lâm tự, Hồng Gia Quyền và Hoàng Phi Hồng. Trước đó Lưu Gia Lương đã làm cố vấn võ thuật cho đạo diễn Trương Triệt trong khá nhiều phim võ thuật, trong đó phim “Phương Thế Ngọc và Hồng Hy Quan” được biết hơn hết…

Lưu Gia Lương đã dựa vào môn Hồng Gia để sáng tác nhiều thế ngoạn mục dùng trong những phim do ông đạo diễn (Thiếu Lâm tam thập lục phòng, Lục A Thải và Hoàng Phi Hồng, Thần đả…). Nhưng khán giả chăm chú có thể thấy vài chiêu thuộc Thập hình quyền của Hồng Gia chánh tông. Vậy nên, môn võ này không thoát thai từ trí tưởng tượng của một nhà văn hào mà chính là một võ phái bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, mà tục lệ thường xếp trong năm môn phái lớn tỉnh Quảng Đông (Hồng Gia, Lý Gia, Lưu Gia, Mộc Gia, Thái Gia).Fong1

Theo truyền thuyết, Hồng Gia Quyền xuất từ Hồng Hy Quan, một nhân vật trong Thiếu Lâm thập hổ, đệ tử của Chí Thiện thiền sư. Vết tích duy nhất và xưa nhất về Hồng Hy Quan được tìm thấy trong truyện “Càn Long tuần hạnh Giang Nam ký” (tại Việt Nam, có tên là “Càn Long hạ Giang Nam”) xuất bản vào cuối thế kỷ thứ 19. Như vậy Hồng Hy Quan chỉ là một nhân vật tiểu thuyết mà tác giả đặt vào thời Càn Long (1736-1796)!

Trở lại truyền thuyết, sau khi chùa Thiếu Lâm bị hỏa thiêu, Hồng Hy Quan trốn tránh tại tỉnh Quảng Đông và truyền môn võ cho Lục A Thải. Lục A Thải dạy cho Hoàng Thái. Sau Hoàng Thái, người lãnh hội môn Hồng Gia Quyền là Hoàng Kỳ Anh (thế kỷ thứ 19), thuộc Quảng Đông thập hổ, cùng một thời với Thiết Kiều Tam. Đệ tử đắc ý của Hoàng Kỳ Anh là người con trai, Hoàng Phi Hồng (1847-1924), một danh sư tỉnh Quảng Đông vào cuối thế kỷ thứ 19.

Theo chúng tôi nghĩ, môn Hồng Gia bắt nguồn từ ba nhân vật Lục A Thải, Hoàng Kỳ Anh và Lương Khôn (1813-1886) tự Thiết Kiều Tam (xem phả hệ). Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này.

Theo như sách ghi lại, sau đó Hoàng Phi Hồng có thọ giáo với Lục A Thải, chuyện này được kể lại trong phim “Lục A Thải và Hoàng Phi Hồng” thực hiện bởi Lưu Gia Lương vào năm 1976.

hunggar22
Hoàng Phi Hồng dạy tại Quảng Đông khá nhiều học trò, trong đó có Lâm Thế Vinh là trình độ võ công cao, ông đã soạn ba quyển sách: “Công tự phục hổ quyền”, “Hổ hạc song hình quyền” và “Thiết tuyến quyền” xuất bản vào thập niên 1920.

Tại Trung Quốc, vào thập niên 1960, võ phái này là một trong những tiêu chuẩn cho sự sáng tạo môn Nam Quyền (Nan Quan) tân thời. Hiện nay, Hồng Gia thịnh hành tại Trung Quốc, Hương Cảng, Đài Loan, Mỹ Châu và Âu Châu.

Đặc điểm của môn phái

Hồng Gia có đòn thế đơn giản và phát lực hùng mạnh, phong cách đánh rộng và tấn thấp (trường kiều đại mã). Chiêu thế bắt chước điệu bộ của năm con thú : long, hổ, báo, xà và hạc.

Phần đông học giả đều ghi lại là thời Hoàng Phi Hồng, chương trình môn Hồng Gia có năm bài quyền chánh : Công tự phục hổ quyền, Hổ hạc song hình quyền, Ngũ hình quyền, Thập hình quyền và Thiết tuyến quyền.

Chính Lâm Thế Vinh thêm những bài như Mai hoa quyền, Lưu gia quyền, Xuyên tâm chưởng, Hồ điệp chưởng…

Xin lược trình sau đây năm bài quyền chánh của môn Hồng Gia. Lúc nhập đề phim “Phương Thế Ngọc và Hồng Hy Quan”, hai bài mang tên “Công tự phục hổ quyền” và “Hổ hạc song hình quyền” chế bởi Lưu Gia Lương, được biểu diễn bởi Phó Thanh và Trần Quang Thái, cho nên hai bài này được biết hơn những bài khác.

Công tự phục hổ quyền:

Toàn bài đi theo hình chữ Công (工), và hàm chứa thế căn bản của môn phái như Mỹ nhân chiếu kính, Bàng thủ, Hồ điệp chưởng, Bạch xà thổ tín, Hổ trảo pháp, Hổ vĩ cước… Bài dẫn nhập những thế hổ trảo, chụp tay địch rồi phản công trên trung tâm tuyến. Môn sinh đã bắt đầu luyện lực qua những thế gồng gân hợp với hơi thở. Như bốn bài sau, Công tự phục hổ quyền rất dài nên luyện cho người tập có một phong độ tốt.

Đơn bộ nội công Hồng Gia Quyền liên tiếp:

[jwplayer player=”1″ mediaid=”94335″]

Hổ hạc song hình quyền:

Bài này, mà phần đông học giả cho là sáng tác bởi Hoàng Phi Hồng, chú trọng tới Hổ quyền và Hạc quyền. Tất cả các bài Hồng Gia đều có những thế vận lực, bài Hổ hạc song hình không vượt lệ đó, nhưng có thêm chiêu thế có tính đàn hồi thuộc Hạc quyền như Hạc chủy trầm tranh (thế hạc mổ), Độc cước phi hạc (hạc xòe cánh, một chân đá), vân vân. Phần Hổ quyền bao gồm các thế đánh hổ trảo theo Cung tiển mã và Tý ngọ mã, di chuyển theo tám hướng. Bộ pháp Túy quyền thể hiện qua thế “Túy tửu bát tiên”. Như vậy bài kết hợp sự dũng mãnh của con hổ với sự nhanh nhẹn của con hạc!

Ngũ hình quyền:

Bài chia thành năm phần, theo thứ tự là : Long quyền, Xà quyền, Hổ quyền, Báo quyền và Hạc quyền.

Không như phim ảnh cho ta thấy, Long quyền không có áp dụng chiến đấu, toàn bộ là các thế vận gân chuyển cốt hợp với vận khí xuống Đan Điền và cột xương sống di động, tất cả đều đánh trong ba thế tấn “Nhị tự kiềm dương mã”, “Tứ bình mã” và “Cung tiễn mã”. Nghịch lại với Vịnh Xuân Quyền, tấn “Nhị tự kiềm dương mã” không được sử dụng trong lúc giao đấu.

Hai phần Hổ và Hạc quyền giống như trong bài trước.

Xà quyền chú trọng tới những thế xỉa liên hoàn vào thượng, trung và hạ bộ, các thế gạt trên và dưới với bàn tay.

Báo quyền chủ luyện đòn đấm đặc biệt dùng đốt thứ nhứt năm ngón tay, và đòn đánh bạt lưng quyền từ trên xuống dưới (quải trùy).

Thập hình quyền:

Bài này là Ngũ hình quyền thêm vào Ngũ hành quyền, ngũ hành trong dịch lý Trung Hoa là : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Chiêu thế theo Kim quyền chủ đánh chậm, bắp thịt gồng, chủ ý luyện lực. Mộc quyền gồm đòn thế ngắn và hai tay cùng lúc đánh đỡ. Phần Thủy quyền thì hai tay nhu nhuyễn, một tay đánh tới một tay rút về như những làn sóng. Hỏa quyền lấy đặc tính của lửa nên đòn thế liên hoàn, hai tay đấm liên tiếp, một tay có thể đánh liên tục hai đòn. Thổ quyền dùng tấn thấp, đòn đánh rộng, và từ dưới đánh lên.

Thiết tuyến quyền:

Bài dung hợp thế gồng gân, trầm khí Đan Điền và vận động cột xương sống trong tư thế bất động và chuyển động. Là bài luyện lực và phát kình của môn phái, chứa đựng phần Long quyền trong bài Ngũ hình quyền bổ túc thêm nhiều động tác khác. Môn sinh luyện hít thở thành tiếng (ha ha, tích, xì, hu..). Luyện toàn bài đòi hỏi hơn nữa tiếng đồng hồ.SapYiKiuSau

Trong các bài quyền khác do Lâm Thế Vinh sáng tạo, ta có thể thấy sự ảnh hưởng của quyền thuật Bắc Phái : hướng đi qua bên trái sau khi chào, các thế Tuyền phong cước và Giao tiển cước.

Môn phái có những bài binh khí như sau : Hầu côn, Lưu gia côn, Ngũ lang bát quái côn, Ngũ lang bát quái đối đả côn, Tử mẫu song đao, Phách quải đao, Mai hoa thập tự thương, Xuân thu đại đao, Mai hoa thất tiết tiên, Mai hoa song tam tiết tiên…

Riêng bài Ngũ lang bát quái côn, tương truyền có tên như vậy vì xuất từ người anh thứ năm (Ngũ lang) trong gia đình họ Dương danh tiếng về thương, nhưng vì xuất gia nên phải sử dụng côn, và đánh theo tám hướng (Bát quái); đây cũng là đề tài của một phim của Lưu Gia Lương ra mắt khán giả vào năm 1984. Trên thực tế, bài sử dụng trường côn và dẫn nhập những thế tuy đơn giản nhưng bao bộc tám hướng và vận dụng bộ pháp, eo, thân và cổ tay để tránh và phá thế côn địch. Trong bài đặc biệt ba thế luyện lực cho đôi tay được lập đi lập lại hơn chín lần.SupJueSao
Thương pháp bị ảnh hưởng bởi võ thuật miền Bắc nên hướng đi của bài, cách cầm thương tay trái trước và đường nét kỹ thuật đều theo Bắc Phái. Theo vài học giả, đây là công của Lâm Thế Vinh.

Những phim thời trước Lưu Gia Lương chỉ chú tâm đến Hoàng Phi Hồng. Lưu Gia Lương đã khai thác tất cả những nhân vật trong phả hệ của Hồng Gia. Hoàng Phi Hồng là khuôn mặt biểu hiệu của môn phái. Lâm Thế Vinh là người có công truyền bá môn võ : sách ông soạn đã giới thiệu võ phái và phần đông những bậc thầy hiện nay đang dạy Hồng Gia ngoài Trung Quốc là đệ tử đời thứ hai của ông.

Đình Tuấn (Sưu tầm)