Nhắc đến Lý Tiểu Long người ta thường nghĩ đến ông là một “huyền thoại” võ thuật, một biểu tượng nổi tiếng của thế kỷ 20. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời ông còn rất nhiều điều thú vị khác, một võ sư mang trong mình tài hoa của một nghệ sĩ.
Võ sư mang trong mình dòng máu nghệ sĩ
Nhắc đến thân thế, bố của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) chính là ông Lee Hoi-chuen, một ca sĩ opera tại Mỹ. Trong khi đó, mẹ ông, bà Grace Ho lại là một tiểu thư đài các của một gia đình giàu nhất Hong Kong. Chính gốc gác của ông Lee đã đem đến cơ duyên nghệ thuật dành cho “huyền thoại” võ thuật.
Sự nghiệp nghệ thuật của Lee bắt đầu từ 3 tháng tuổi trong bộ phim Trung Quốc, quay tại San Francisco có tên “Cô gái cổng vàng”. Đến tuổi 18, ông đã xuất hiện trong 20 bộ phim truyện ở các thể loại nhưng không phải võ thuật.
Điều đặc biệt, trong thời thơ ấu của “huyền thoại” võ thuật, ông đã chiến thắng và giành chức vô địch tại một cuộc thi Cha-cha sau nhiều năm tham gia các lớp học vũ đạo. Năm đó ông vừa tròn 18 tuổi. Ở Đại học Washington, Bruce Lee còn dạy cha-cha và võ thuật cho bạn bè của mình.
Có thể thấy trong suốt những năm tháng của tuổi trẻ, Lý Tiểu Long đã có một cuộc sống phong phú đậm chất nghệ sĩ khi không chỉ tham gia điện ảnh mà còn thành công trong bộ môn Khiêu vũ.
Tiệt quyền đạo xuất phát từ bộ môn khiêu vũ
“Tầm sư học đạo” từ năm 13 tuổi, đến những năm 60, Lý Tiểu Long đã trở thành một “kiệt xuất” về võ thuật. Ông đã tạo ra trường phái đầu tiên và cũng là một trong những phái võ tốt nhất của Mỹ mang tên Tiệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do). Trường phái này kết hợp các môn võ Trung Hoa, trong đó có Vịnh Xuân Quyền cùng với các môn thể thao như Quyền Anh, Thể dục thể hình, Đấu kiếm và Khiêu vũ. Nhưng người yêu võ thường nhận định trong môn võ do ông sáng tạo có một số chuyển động hông theo bản năng đã thành thạo từ khi còn theo đuổi Cha-cha.
Nhờ võ thuật, năm 1966, ông đã có loạt phim “The Green Hornet” để trở nên nổi tiếng hơn trên màn ảnh. Sau “cú hích” của bộ phim “Enter the Dragon”, năm 1973, Lý Tiểu Long đã ra đi đột ngột vì chứng phù não để lại biết bao tiếc nuối cho làng Võ thuật và Điện ảnh Võ thuật thế giới. Hơn thế, nếu không có những sự chuyển hướng sang Kung Fu có lẽ thế giới giờ đây sẽ nhớ đến ông với tư cách “bậc thầy” của bộ môn khiêu vũ.
Đinh Phúc – Ảnh: Wingchunnews – CurioSips