(VoThuat.vn) – Với những bạn nào có đam mê tìm hiểu văn hóa Nhật Bản chắc hẳn đã nghe nói đến những môn võ của đất nước này trong vô vàn những quyển truyện tranh hay phim hoạt hình. Nổi bật trên hết phải là Judo và Karate, đã được phê duyệt thành những môn thi đấu chính thức tại Olympic, nhưng không vì thế mà võ thuật đất nước mặt trời mọc đơn điệu. Hãy cùng VoThuat.vn tìm hiểu 4 môn võ nổi tiếng nhất trên quốc đảo này nhé!
Aikido
Aikido là một môn võ Nhật Bản hiện đại được phát triển bởi Ueshiba Morihei như một sự tổng hợp các nghiên cứu võ học, triết học và tín ngưỡng tôn giáo của ông. Aikido thường được dịch là “con đường hợp thông năng lượng cuộc sống” hay “con đường của tinh thần hài hòa”. Mục tiêu là tạo ra một nghệ thuật mà các môn sinh có thể sử dụng để tự bảo vệ mình trong khi vẫn bảo vệ người tấn công khỏi bị thương. Các kĩ thuật của Aikido bao gồm: irimi (nhập thân), chuyển động xoay hướng (tenkan – chuyển hướng đà tấn công của đối phương), các loại động tác ném và khóa khớp.
Ngày nay, Aikido đã có mặt trên khắp thế giới và có nhiều các nhánh khác nhau được phát triển vi rộng rãi. Tuy nhiên, tất cả các nhánh này đều có nguồn gốc từ các kỹ thuật do Ueshiba xây dựng và hầu hết đều quan tâm đến sự an toàn của người tấn công.
Trong Aikido, khía cạnh tinh thần và linh hồn cũng rất được chú trọng, bởi nó dựa trên triết lý và thực hành của Tân Thần đạo Nhật Bản.
Iaido
Khoảng năm 1546 đến 1621, một người đàn ông tên Hayashizaki Jinsuke Shigenobu đã sống ở nơi mà nay là quận Kanagawa của Nhật Bản. Shigenobu là người có công với việc xây dựng và thiết lập bộ môn nghệ thuật đấu kiếm độc quyền của Nhật Bản, được gọi là Iaido.
Iaido là nghệ thuật rút kiếm, chém địch thủ, lau kiếm và tra kiếm lại vỏ. Một bài quyền của Iaido thường có những động tác trên, được thiết kế từ những hoàn cảnh đời sống hàng ngày của xã hội Nhật Bản xưa, chứ không để áp dụng trong trận chiến. Có một số bài quyền được tạo ra để ứng phó những tình thế cụ thể. Chủ ý là lúc nào kiếm sỹ cũng phải sẵn sàng đối phó với mọi trường hợp, ví dụ như việc bị tấn công bởi 1 hay nhiều địch thủ khi:
1. Đang cúi đầu chào,
2. Đang ngồi nghỉ,
3. Đang hộ tống 1 nhân vật quan trọng,
4. Kẻ thù núp sau dân thường,
5. v..v…
Tất cả tình huống xảy ra trong đời sống hàng ngày đều có thể thành một bài quyền trong Iaido.
Iaido không có thi đấu, không có đồ bảo vệ cơ thể và dùng kiếm thật chứ không dùng kiếm gỗ, kiếm của Iaido còn được gọi là Katana hay Iaito. Khi tập Iaido, võ sinh chỉ tập một mình và tưởng tượng là có địch thủ tấn công. Bởi khả năng chấn thương khá cao nên Iaido thường chỉ được thể hiện trong các màn biểu diễn. Và giống như hầu hết các môn võ thuật của Nhật Bản, Iaido cũng tuân theo những triết lý tôn giáo, trong trường hợp này là Nho giáo, Thiền và Đạo giáo. Iaido đôi khi còn được gọi là “Thiền động”.
Judo
Judo là môn võ của người Nhật Bản do võ sư đồng thời là giáo sư môn thể chất Kano Jigoro sáng lập năm 1882 trên nền tảng môn võ cổ truyền Jūjitsu của Nhật Bản. Ju có nghĩa là khéo léo, uyển chuyển còn do là đạo với mục đích “lấy nhu thắng cương”. Jūjitsu là một môn võ chiến đấu, với những đòn mạnh mẽ như bẻ tay, bẻ cổ,… dễ gây tổn thương cho võ sinh, nên Kano đã bỏ bớt các yếu tố bạo lực đó và làm cho Judo mang tinh thần thể thao nhiều hơn. Judo không dùng binh khí mà các đòn tấn công chủ yếu là quật ngã, đè, siết cổ và khóa tay, chân, những đòn chém và đâm thường rất ít dùng.
Đây là môn võ tương tự Thái cực quyền với phương châm “lấy nhu thắng cương”, “tá lực đả lực” (mượn sức đánh sức), “tứ lạng bạt thiên cân” (bốn lạng đẩy ngàn cân) v.v. Ứng dụng chủ yếu vào việc tự vệ, rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo và tinh thần dẻo dai.
Jūdō nhanh chóng được chính phủ Nhật Bản xem như quốc võ và phổ biến trên khắp thế giới, có mặt tại Olympic Tokyo từ năm 1964. Năm 1956, Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF) được thành lập và hiện đang có 112 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy Karate được phát triển trên cơ sở tổng hợp các môn võ thuật ở phía Nam Trung Quốc nhằm chống lại ách đô hộ hà khắc mà giới cai trị Nhật Bản áp đặt lên người dân bản xứ bấy giờ. Tuy nhiên, xuất xứ chính xác của môn võ này còn chưa được xác định, bởi không tìm được thư tịch cổ nào ghi chép về những thông tin liên quan.
Việc tập luyện Karate hiện đại được chia làm ba phần chính: kỹ thuật cơ bản (Kihon), bài quyền (Kata) và tập luyện giao đấu (Kumite). Bởi việc có rất nhiều nhánh cũng như biến thể trên toàn thế giới, khiến Karate trở thành một trong những môn võ phổ biến nhất ở thời điểm này.
Như Trúc