(VoThuat.vn) – Olympic Tokyo 2020 vừa khởi tranh được một ngày. Tuy nhiên, đã không ít những điều ấn tượng đậm nét để lại với người xem. Trong đó, Kosovo – một quốc gia nhỏ bé đã để lại dấu ấn khó quên ở môn Judo.
Hết ngày mở màn của môn Judo ở Thế Vận Hội, điều ấn tượng đầu tiên chính là đội Kosovo. Chỉ riêng việc có vận động viên dành huy chương vàng trước một đối thủ người Nhật ở chung kết, ngay tại “đấu trường huyền thoại” Nippon Budokan ở Tokyo, ở hạng cân nhẹ -48kg vốn cũng là sở trường của người Nhật, đã là “oai” lắm rồi. Nhưng với Kosovo thì điều đó không chỉ là “oai”, mà còn khiến cho những ai hâm mộ Judo khắp thế giới ngưỡng mộ.
Kosovo – bé tẹo, chỉ khoảng 1,9 triệu dân, bằng vài ba quận của Sài Gòn cộng lại. Kosovo – trẻ măng, đến năm 2008 mới tuyên bố độc lập, và hiện vẫn còn bị hơn bốn chục quốc gia không công nhận. Vận động viên nước nào thì mang bảng tên nước đó trên lưng khi thi đấu quốc tế, chuyện rất bình thường. Nhưng cái bảng tên có chữ KOS mà nhà vô địch hạng cân -48kg môn Judo ở Olympic Tokyo Distria Krasniqi mang trên lưng vào hôm nay, thì trước năm 2013, vận động viên Kosovo không được quyền mang vì nước của họ không được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF) công nhận. Họ phải đấu cho Albania, hoặc thi đấu với bảng tên IJF.
Judo đã làm thay đổi tất cả. Chính Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani đã nhìn nhận: “Các vận động viên Judo đã giương cao quốc kỳ ở những nơi nằm ngoài tầm với của cả chính trị và ngoại giao”. Tất cả những điều đó đều khởi đầu từ huấn luyện viên Driton “Toni” Kuka – 50 tuổi, cùng với võ đường vừa nhỏ vừa hay dột của ông ở thành phố Peja. Trước Olympic Barcelona 1992, ông là một trong những tên tuổi sáng giá nhất ở hạng cân -71kg, không chỉ của Nam Tư mà còn của thế giới. Nhưng những biến động chính trị đã làm ông Kuka không thể đến với đấu trường Olympic, một giấc mơ dang dở.
Sau khi chiến tranh (1998-1999) kết thúc, ông Kuka viết tiếp giấc mơ của mình, lần này là với những đứa trẻ của Asllan Çeshme, khu phố hoang tàn vì bom đạn của xung đột: mở võ đường nhỏ, đặt tên là “Ippon”. Ông nhớ về giai đoạn vừa là tiếp nối, vừa là khởi đầu ấy: “Những đứa bé bị tổn thương, giữa một Kosovo đổ nát”. Một trong những học trò lứa đầu của huấn luyện viên Kuka chính là Majlinda Kelmendi. Cô bé sống cách sân Ippon chỉ 100m khi đó “không biết Judo là gì”, nhưng rồi “rất hạnh phúc khi được chơi Judo”. Ở khu phố tồi tàn này, sau giờ học, trẻ con cũng chẳng có gì chơi nên sân võ nhỏ trở nên rất hấp dẫn. 10 năm sau, Kelmendi vô địch giải trẻ thế giới, rồi sau đó, cô trở thành một tượng đài trong nhiều năm liền ở hạng cân -52kg, với 2 lần vô địch thế giới (2013, 2014), và vô địch Olympic (Rio 2016).
Chính Kelmendi là người đã mang về bảng tên “KOS” cho các vận động viên Kosovo, nhờ cô, Kosovo đã được các tổ chức thể thao quốc tế – gồm IOC và IJF – công nhận. Cũng nhờ chiếc huy chương vàng ở Rio – cũng là huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử nước này, sân võ nhỏ hay dột ngày nào của thầy cô đã được nâng cấp thành một trung tâm đào tạo khang trang, với thảm “xịn”. Và hơn hết, nhờ “đầu tàu” cực kỳ chất lượng như Kelmendi, huấn luyện viên Kuka đã xây dựng được một tập thể đồng đều. Hiện nay, ở mỗi lứa tuổi thi đấu, “lò” Ippon đều có khoảng 15 vận động viên “xịn”, và đỉnh cao chính là 5 tuyển thủ dự Olympic Tokyo, gồm Kelmendi (-52kg), tân vô địch hạng cân -48kg Distria Krasniqi, Nora Djakova (-57kg), Akil Djakova (-73kg), Loriana Kuka (-78kg). Tổng thống Kosovo đã đến Nhật để cổ vũ cho đội Judo và ngay ngày thi đấu đầu tiên, học trò của ông Kuka đã mang về chiếc huy chương vàng quý giá.
Nói một chút về Krasniqi, nhà vô địch 25 tuổi này trước đây vốn đấu ở hạng cân -52kg và đã có những thành tích rất ấn tượng: vô địch trẻ thế giới 2015, vô địch U23 châu Âu 2016, 2017… Tuy nhiên, vì cùng hạng cân với đàn chị Kelmendi, không muốn “lại dự Olympic từ khán đài”, nên cô đã quyết định chuyển xuống hạng cân -48kg, và bắt đầu “bỏ túi” nhiều huy chương từ các giải Grand Prix, Grand Slam, Master đến Giải Vô địch thế giới. Rồi hôm nay, Krasniqi đã bước lên bục cao nhất của Olympic sau khi vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, như vận động viên kỳ cựu của Mông Cổ, từng vô địch thế giới năm 2013, Urantsetseg Munkhbat, và võ sĩ chủ nhà Tonaki Funa. Trận chung kết, Tonaki đang phong độ rất tốt, lại hưng phấn vì vừa thắng “ngôi sao” Daria Bilodid của Ukraine ở bán kết, đã chủ động tấn công hơn, và đặc biệt nguy hiểm với những pha “địa chiến” Ne Waza. Nhưng với sở trường về kumi kata (đổi tay nắm áo) đã thành thương hiệu của các vận động viên Kosovo, Krasniqi vẫn kiểm soát tốt được các tình huống. Khi trận đấu chỉ còn chừng 15 giây, Krasniqi tấn công bằng Uchi Mata, Waza Ari. Tonaki không thể làm gì hơn trong thời gian còn lại.
Chúc mừng Kosovo! Tuy rằng ở kỳ Olympic tại Nhật, Kelmendi ở tuổi 30 đã không còn được xem là sáng giá nhất ở hạng cân -52kg nhưng với chức vô địch hạng cân -48kg của Krasniqi, đất nước nhỏ bé này tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trong bản đồ của Judo thế giới.
Ở hạng cân -48kg, không thể không nhắc về Daria Bilodid. Cao 1m72, “tiểu thư nhu đạo” của Ukraine cao hơn hẳn hầu hết các đối thủ của cùng hạng cân. Chiều cao, tay dài, chân dài, cùng với hệ tấn công tấn công “đặc hiệu” Ouchi Gari – Uchi Mata, rồi Osoto Gari, xuống đất thì Sankaku Gatame (hoặc có khi siết cổ luôn thì Sankaku Jime), khi chưa tròn 18 tuổi, Bilodid đã giành chức vô địch thế giới vào năm 2018 một cách đầy thuyết phục. Năm sau đó, võ sĩ này bảo vệ thành công chức vô địch của mình, nhưng có phần vất vả hơn. Và càng lúc, Bilodid càng phải đối diện với một đối thủ rất khó chịu: cân nặng. Giữ hạng cân 48kg với chiều cao 1m72, bắt buộc phải ép cân rất nghiêm ngặt, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực. Một điều quan trọng khác là các đối thủ đã “mổ xẻ” lối đánh của võ sĩ này rất kỹ qua nhiều giải đấu, trong khi “người đẹp Judo” hầu như không hề làm đa dạng hơn hệ thống tấn công của mình. Những giải đấu gần đây, có giải Bilodid đánh ở hạng cân -52kg, có giải giữ hạng cân cũ -48kg, tần suất huy chương đồng đã bắt đầu nhiều hơn huy chương vàng.
Tại Olympic Tokyo cũng thế, những vòng đầu, Bilodid vượt qua được nhưng đều chỉ là suýt soát. Đòn Sankaku Gatame từng rất hiệu quả giờ hầu như đều bị các đối thủ thoát được. Lối nắm áo lên cổ để dằn đối phương xuống đã không còn uy lực như trước. Ở bán kết, Tonaki của Nhật đã có đối sách rất hợp lý, khi Bilodid vừa nắm lên cao thì Tonaki lập tức thực hiện các đòn chân, nhanh và liên tục, từ quét chân đến Ouchi Gari, để phá thế. Chiến thuật này đã phát huy hiệu quả, và sau cùng, Tonaki đã tận dụng được một cơ hội để vào đòn đè và kết thúc trận đấu. Bilodid rất thất vọng, dù giành được huy chương đồng. Sau giải lần này, nữ võ sĩ sẽ tính toán nghiêm túc đến việc chuyển hạng cân sang -52kg.
Hạng cân -60kg, Naohisa Takato đã mang về chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên cho judo Nhật Bản. Đây cũng là chiếc huy chương duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập thành tích của vận động viên đã 3 lần vô địch thế giới này. Đối thủ của Takato trong chung kết là vận động viên Đài Loan Yang Yung-Wei. Tuy chưa được nhiều người biết đến, nhưng từ năm 2019, võ sĩ 24 tuổi của xứ Đài đã giành được những thứ hạng cao trong nhiều giải quốc tế. Ngoài việc tập luyện ở “sân nhà” Cao Hùng, Yang cũng thường tập huấn dài hạn ở Nittai-Dai (Đại học Khoa học Thể thao Nhật Bản), cũng là một “lò” Judo danh tiếng của Nhật, với những cái tên nổi bật như Toshihiko Koga (2 cậu con trai của Koga là Hayato và Genki cũng học trường này), Hifumi Abe…
Nguyễn Ngọc Lan Chi