Võ sĩ Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền không phải thi đấu ở vòng 1 và sẽ gặp võ sĩ Canada Yvette Yong ở vòng 1/16 hạng cân – 49 kg nữ, tuy nhiên Tuyền vẫn rơi vào nhánh thi đấu “tử thần” khi có sự góp mặt của đại diện số 1 Thế giới người Thái và đại diện đến từ Hàn Quốc. Trong khi đó, bên chiến tuyến của bộ môn Judo, nữ võ sĩ Judo Nguyễn Thanh Thủy lại đối diện với cựu á quân thế giới. Thế nhưng, trận đấu chưa diễn ra chúng ta vẫn chưa nói được điều gì, hãy theo dõi và ủng hộ những VĐV của chúng ta.
Với tấm HCV châu Á mới đây, Trương Thị Kim Tuyền đã thắp lên hy vọng giành một tấm huy chương Olympic sau 21 năm chờ đợi (kể từ lần đầu tiên và duy nhất của Trần Hiếu Ngân với tấm HCB năm 2000). Nhưng thử thách của Tuyền là cực lớn khi trong danh sách các VĐV dự giải dự kiến có mặt nhiều võ sĩ cực mạnh như: Wu Jinyu (Trung Quốc, 2 lần vô địch Olympic và thế giới), Sim Jae-young (Hàn Quốc, VĐTG 2017), Panipak (Thái Lan, 2 lần VĐTG 2015 và 2019, HCĐ Olympic 2016), Tomic (Croatia, HCĐ thế giới)…
Sáng 24-7, Trương Thị Kim Tuyền sẽ gặp lại Yvette Yong – người từng bị Tuyền đánh bại tại Muju World Taekwondo Championships năm 2017. Nếu vượt qua Yvette, Tuyền nhiều khả năng sẽ gặp võ sĩ cực mạnh hạt giống số 1, người Thái Lan Panipak Wongpattanakit ở tứ kết. Vào năm 2018, Wongpattanakit từng đánh bại Kim Tuyền với tỉ số áp đảo tại Fujairah World Taekwondo Grand Prix Final.
Nhánh đấu này còn có sự góp mặt của một tên tuổi khác là Sim Jaeyoung – VĐV đến từ đất nước đã khai sinh ra môn võ này Hàn Quốc và cả VĐV đến từ Đài Loan. Nhưng chớ thất vọng, hi vọng cho chiếc HCĐ tại thế vận hội vẫn có thể thực hiện được với Teakwondo Việt Nam. Tại Olympic, nếu thất bại trong trận tứ kết, Kim Tuyền vẫn có khả năng tranh 2 chiếc huy chương Đồng còn lại tại hạng cân ở nhánh thua.
Trong khi đó, sau khi đoạt được tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 ở hạng cân – 52 kg Judo vào giờ cuối, Nguyễn Thị Thanh Thủy sẽ gặp nữ võ sĩ giàu thành tích đến từ Romania, Chitu Andreea, 33 tuổi. Chitu Andreea đã 3 lần tham dự Olympic, tham gia thi đấu 71 giải Judo cấp châu lục và thế giới.
Nhận xét về Chitu, Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, Phó chủ tịch thường trực LĐ Judo Việt Nam, cho biết: Với thành tích 2 lần vô địch châu Âu, 4 HCV các giải châu Âu mở rộng và 5 HCV tại các giải Grand Prix. Thành tích cao nhất của Chitu là 2 lần Á quân Giải Vô địch thế giới và sẽ là đối thủ đáng gờm cho Thanh Thủy.
Kỹ thuật sở trường của Chitu là các biến thế đòn chân linh hoạt (kuzure ashi waza), hướng phòng thủ trụ phải, tấn thấp trung bình, xu hướng nắm áo (kumikata) trên cao. Tuy nhiên, Chitu cũng có hạn chế kỹ thuật dưới thảm, thể lực giảm sút ở nửa sau thời gian trận đấu, nắm áo cao nên khó phòng thủ các kỹ thuật soei toshi (dạng quỳ), tai totoshi…
Còn Thanh Thủy thành tích qua các năm gần đây trên đấu trường châu lục: hạng 7 Giải Oceania Open Wollongong 2015, hạng 5 Giải Vô địch châu Á 2017, HCĐ Giải châu Á Taipei mở rộng 2018 và hạng 5 Giải châu Á Taipei mở rộng 2019.