“Ki” trong Aikido

Hai lễ đăng quang

Tháng 4 năm 1969, vị sáng lập môn phái Aikido – Morihei Ueshiba – từ trần. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, ông đã chu đáo chuẩn bị hậu sự cho mình và hậu vận cho Aikido. Để tránh tập trung quyền lực vào một người, ông đã trao việc lãnh đạo tinh thần của môn phái cho con trai duy nhất còn lại là Kisshomaru Ueshiba, vị võ sư độc nhất mang 9 đẳng Aikido vào lúc đó. Một năm sau, theo đúng di chúc của Tổ sư môn phái, Kisshomaru được tôn vinh lên địa vị Doshu (Đạo chủ) và ngày 16 tháng 10 năm đó (1970) đến lượt Tohei Koichi được chính thức trao tặng đệ thập đẳng huyền đai Aikido tại cung điện của Hoàng tử Akasaka trong tiếng đàn koto của đoàn rước gồm 200 nữ nhạc sinh Hombu Dojo trình diễn. Cả hai buổi lễ diễn ra thật long trọng và uy nghi, với sự hiện diện của hàng ngàn quan khách.

aikido
Kisshomaru, Morihei và Tohei (theo thứ tự từ trái sang phải)

Cuộc tranh luận giữa HLV trưởng và các trưởng lão

Những tưởng đây là bước khởi sắc của phong trào Aikido Nhật Bản và thế giới. Đó là chưa kể, giữa hai vị lãnh đạo lừng lẫy của Aikido còn có một mối thâm tình gắn chặt, vì họ cùng là con rể trong một gia đình danh gia vọng tộc.

Nhưng chẳng bao lâu, quan hệ giữa đạo chủ Kisshomaru và Tohei – HLV trưởng của Hombu Dojo (Bản bộ đạo trường) đã có sự rạn nứt mà cả tình cảm gia đình lẫn tình bạn cố tri trên 20 năm đã không hàn gắn nổi.

Ngay khi vừa mới được phong nhậm, võ sư Tohei đã chủ xướng việc tăng cường các bài tập về Ki (khí) trong các giờ tập tại Hombu Dojo. Theo Tohei, Ki là ý niệm trung tâm của Aikido. Trong một bài phỏng vấn nổi tiếng trên báo Black Belt (Đai đen), nhân dịp phát hành cuốn “Hiệp Khí đạo trong đời sống hàng ngày”, Tohei đã tóm gọn ý mình trong một câu bất hủ “No Ki no Aikido” (Không có Ki thì không có Hiệp Khí đạo).

vo su tohei
Võ sư Tohei từng đánh bại nhiều người to lớn hơn ông nhờ Ki

Võ sư Tohei quả quyết: “Người tôi nhỏ bế thế nhưng tôi đã dạy Aikido cho những gã to lớn gấp đôi mình. Tôi vẫn thường để cho bốn năm người tấn công tôi cùng một lúc. Nếu chỉ với sức mạnh thể xác thì tôi đã không bao giờ làm được điều đó. Nhưng tôi không hề quên là tinh thần vận động thể xác… Tại Nhật, khi Tổ sư Ueshiba Morihei còn sống, người ta vẫn thường nói về Ki và mọi người nghĩ đến Ki. Nhưng sau khi Người quá vãng, người ta chẵng những không còn hiểu được Ki mà thậm chí ngưng sử dụng từ ngữ đó. Các kỹ thuật trở nên lệch lạc và nếu cứ để tình trạng đó tiếp diễn thì Aikido của Tổ sư Ueshiba sẽ trở thành một mớ chiêu thức hữu danh vô thực”.

Một số lớn các trưởng lão trong ban huấn luyện của Hombu Dojo, và cả Đạo chủ Kishomaru cũng không mấy thích thú với việc huấn luyện viên trưởng Tohei đề nghị đưa các bài tập về Ki vào chương trình huấn luyện, thậm chí lập ra các lớp dạy Ki song song với các lớp Aikido.

Trong kỹ thuật vẫn có khí công

aikido

Thái độ hoài nghi và phản bác của các trưởng lão và của đạo chủ Kisshumaru phát xuất từ hai luận điểm quan trọng. Thứ nhất, quan niệm về khí của võ sư Tohei và các bài tập do ông đề xuất không nằm trong di sản của Tổ sư môn phái Aikido. Thực vậy, các nguyên lý hợp nhất tinh thần và thể xác, cũng như 6 bài tập liên quan khởi nguyên từ Đại sư Tempu Nakamura – chưởng môn của phái Shin Shin Toitsudo (Thân Tâm đồng nhất đạo) mà Tohei đã từng theo học và chịu ảnh hưởng sâu đậm (sau này võ sư Tohei gọi phái võ của mình là Shin Shin Toitsu Aikido). Thứ hai, mặc dù chính võ sư Tohei được nhiều người trong (và ngoài) môn phái công nhận là một bậc kỳ tài trong thiên hạ và một đại cao thủ, nhưng các môn sinh của ông đã không chứng tỏ được là họ cũng thủ đắc được những khả năng phi phàm qua luyện tập, như vị thầy của họ.

Theo các trưởng lão Aikido thời bấy giờ mà phần lớn đã có một quá trình hiển hách như các đại sư Osawa, Shirata, Tadashi Abe, Tada, … [đại sư Tada, hiện nay là một trong những vị 9 đẳng hiếm hoi còn lại tại Aikikai, theo dự kiến, sẽ viếng thăm Việt Nam trong năm 2001 theo lời mời của võ sư Horizoe Katsumi, 6 đẳng Aikikai, (hiện nay 7 đẳng – Aiki-viet), đang sống tại thủ đô Hà Nội], việc luyện tập kỹ thuật Aikido do Tổ sư truyền lại là đủ để phát triển khí trong mỗi người. Là vì trong Aikido, ngoài những chiêu thức cầm nã như Shiho nage, Kote gaeshi, Ikkyu,… còn có những bài tập về khí (Aikitaiso), và các đòn thế trong đó khí là chủ yếu, gọi là Kokyu nage (ném bằng khí). Các bài Aikitaiso giúp phát triển các cơ quan nội tạng, làm công năng của lục phủ ngũ tạng được gia tăng, là nguồn phát sinh khí lực. Trong khi đó, việc luyện Kokyu nage giúp biến tinh thành khí và đưa khí tới mọi nơi trong châu thân qua sự dẫn đạo của ý và các động tác toàn thân phối hợp.

Hiện nay, có nhiều đạo đường Aikido trên thế giới giảm tối đa các chiêu thức cầm nã và chủ yếu phát triển các bài tập Aikitaiso và các đòn Kokyu nage . Bên cạnh đó là kiếm pháp (Aikiken) và côn thuật Aikido (Aikijo) được dùng để tăng cường và nâng cao khía cạnh chiến đấu trong Aikido.

Aikido trên toàn thế giới

Cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng khí công và kỹ thuật đã dẫn tới việc đại sư Tohei Koichi rời khỏi Aikikai so Hombu, và đây quả thật là một tổn thất lớn cho Aikido. Khoảng 50 đạo trường trên toàn nước Nhật đã theo chân ông và 80 đạo trường trên toàn thế giới cũng tách rời khỏi Aikikai.

aikido ngay nay da pho bien tren toan the gioi
Aikido ngày nay đã phổ biến trên toàn thế giới

Mặc dù có những phản ứng quyết liệt chống lại công cuộc cải tổ chương trình huấn luyện (hạn chế các đòn sát thủ , giản lược chương trình, thích ứng việc tập luyện với điều kiện hiện đại…) Đạo chủ Kishomaru vẫn kiên quyết tiến hành đường lối của ông, vừa bảo vệ giá trị truyền thống của môn phái vừa canh tân mở cửa, và ông đã được đền bù xứng đáng: Hiện nay Aikido có mặt trên toàn thế giới và càng ngày càng thu hút giới trẻ trí thức vào các đạo đường của mình.

Vothuat.info (sưu tầm)