Nhiều chuyên gia võ thuật nhận định BJJ (Brazilian Jiu-Jitsu) là môn võ rất lợi hại khi đánh nhau 1 vs 1. Điều này ít nhiều đã được kiểm chứng qua các cuộc chiến đường phố.
- Brazilian Jiujitsu – “kẻ đến sau” đang tung hoành làng võ hiện đại
- Nữ võ sĩ Jiu-Jitsu dùng đòn RNC hạ nam thủy quân lục chiến
Brazilian Jiu-Jitsu (BJJ) ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20 thông qua một bậc thầy môn Judo là Mitsuyo Maeda. Điều này phần nào lý giải những đòn thế có phần giống nhau giữa hai môn võ. Tuy nhiên, Judo chú trọng vào đòn quật trong khi BJJ sử dụng những chiêu thức chủ yếu khi nằm trên mặt đất và triệt hạ đối phương với đòn siết, khóa và bẻ khớp.
Mitsuyo Maeda là một trong 5 học trò xuất sắc của Kano Jigoro, người sáng lập môn Judo. Theo quan niệm của Jigoro, Judo là một môn võ thể thao không nhằm tổn thương đối thủ. Do đó, trong các đòn thế của Judo bị hạn chế những chiêu thức nguy hiểm (đòn sát thủ). Năm 1904, Jigoro quyết định gửi Maeda ra nước ngoài để truyền bá môn Judo cũng như tư tưởng võ thuật của mình. Maeda đã chu du tới nhiều nước, bao gồm cả Mỹ và nhận lời thách đấu từ đối thủ ở những môn phái khác nhau như boxing, vật… trước khi đặt chân tới Brazil năm 1914.
Tại Brazil, cơ duyên giúp Maeda làm quen với Gastao Gracie, một doanh nhân địa phương. Đổi lại sự giúp đỡ trong công việc làm ăn, Maeda nhận lời dạy võ cho con của Gastao là Carlos. Sau khi thụ giáo từ Maeda, Carlos đã truyền dạy lại cho các em của mình và BJJ dần hình thành thông qua sự nhào nặn của gia đình Gracie.
Một trong những người em của Carlos là Helio góp công lớn trong việc hoàn thiện các đòn đánh của BJJ. Do nhỏ tuổi nhất nên Helio không có thể hình to lớn như các anh, điều này khiến ông phải tìm cách đưa đối thủ xuống sàn và triệt hạ bằng những đòn khóa và siết. Sau này, khi trở thành một đại võ sư, Helio nói “Jiu Jitsu là biện pháp phòng vệ của những người đơn độc, yếu đuối, người già, trẻ em, phụ nữ và bất cứ ai không đủ sức mạnh thể chất”.
Khác những môn võ sử dụng các chiêu thức liên quan tới quyền và cước, BJJ không đòi hỏi tốc độ ra đòn mà sự tư duy trong chiến đấu. Người sử dụng BJJ cần tận dụng các sơ hở của đối phương để giành lợi thế và hiệu quả nhất khi tấn công vào sau lưng.
Bốn tư thế kiểm soát của BJJ bao gồm đè người từ phía bên cạnh, kiểm soát hoàn toàn khi đè trước mặt, đè từ sau lưng và phòng vệ bằng cách kẹp chân vào hông đối phương. Hai phương pháp tấn công bao gồm khóa một bộ phận cơ thể của đối thủ và siết cổ làm nghẹt thở.
Trong các đòn khóa, BJJ có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các khớp như đầu gối, khuỷu tay, cột sống và mắt cá chân. Tùy vào cấp độ của võ sinh mà họ được sử dụng những đòn thế nguy hiểm tăng dần. Hiện BJJ có 8 cấp độ tăng dần theo các đai sau: trắng (nhập môn), xanh nước biển, tím, nâu, đen, đỏ đen, đỏ trắng và cuối cùng là đỏ.
Sự hữu dụng của các đòn BJJ trong cận chiến giúp môn võ này được đưa vào luyện tập trong chương trình huấn luyện võ thuật lính thủy đánh bộ Mỹ (MCMAP).
Dưới đây là video ghi lại những lần BJJ sử dụng trong các cuộc chiến đường phố:
Võ Đạt