Hơn 17 năm qua, Taekwondo Việt Nam vẫn chưa thể một lần chạm đến tấm HCV danh giá ở các sân chơi ASIAD và Olympic. Việc làm sao để tái lập lại thành tích cao ở các đấu trường lớn là bài toán mà bộ môn và BCH Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đang quyết tâm tìm ra lời đáp.
Từ sau thành tích của những VĐV như Trần Hiếu Ngân (HCB Olympic Sydney 2000), Trần Quang Hạ (HCV ASIAD 1994), Hồ Nhất Thống (HCV ASIAD 1998)… Taekwondo Việt Nam chững lại về mặt thành tích ở nội dung đối kháng, dù sau đó xuất hiện những võ sĩ mới có tài năng như: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Duy Khương, , Nguyễn Văn Duy, Hà Thị Nguyên, Trương Thị Kim Tuyền, Phạm Thị Thu Hiền…. Lứa võ sĩ mới này tuy vẫn giữ vững thành tích cho Taekwondo VN ở đấu trường SEA Games nhưng tất cả đều không thể lặp lại thành tích của đàn anh, đàn chị ở các đấu trường ASIAD và Olympic.
Ở các kỳ ASIAD 2002, 2006, 2010 thành tích cao nhất cũng chỉ là tấm HCB. Tại ASIAD 2017, Taekwondo Việt Nam thậm chí chỉ giành được 2 HCĐ. Tương tự, các võ sĩ Việt Nam tiếp tục đoạt vé dự các kỳ Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012 nhưng cho đến nay vẫn không ai có thể khoác lá cờ Việt Nam bước lên bục huy chương như Trần Hiếu Ngân tại Sydney đã làm được năm 2000. Đỉnh điểm là thất bại nặng nề: không đoạt được vé đến Olympic Rio 2016.
Khi thành tích nội dung thi đấu đối kháng đi xuống thì các VĐV quyền Việt Nam đã lấy lại uy danh cho Taekwondo VN ở các nội dung đấu quyền. Sau khi Liên đoàn Taekwondo Thế giới hình thành riêng biệt giải thi đấu đối kháng và giải vô địch thế giới đấu quyền, VĐV chúng ta luôn đạt thành tích cao nội dung đấu quyền. Không kể đến những chiếc huy chương vàng tại các kỳ SEA Games và giải Vô địch châu Á, đội tuyển VN đã 3 lần liên tiếp xếp hạng nhì toàn đoàn tại các Giải Vô địch thế giới Quyền vào các năm 2009, 2010, 2011 với những chiếc HCV của Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Minh Tú. Lê Trung Anh, Nguyễn Thị Thu Ngân, Nguyễn Thi Lệ Kim, Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thùy Xuân Linh, Lê Thanh Trung, Nguyễn Thiên Phụng, Lê Hiếu Nghĩa, Nguyễn Quốc Minh, Liên Thị Tuyết Mai.
Mặc dù vậy, làm sao để Taekwondo Việt Nam tiếp nối được thành tích của Quang Hạ, Nhất Thống, Hiếu Ngân… ở nội dung đối kháng vẫn luôn là nỗi niềm của những người có trách nhiệm với phong trào Taekwondo nước nhà.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trương Ngọc Để – Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam để lắng nghe ông chia sẻ về những vấn đề này.
PV: Thưa ông, tính đến nay chúng ta đã có hơn 17 năm chưa có huy chương đối kháng tại các kỳ Olympic. Riêng ở sân chơi châu lục, thành tích tốt nhất của Taekwondo Việt Nam chỉ dừng lại ở tấm HCB ASIAD. Trong khi nội dung quyền luôn gặt hái được thành công thì đối kháng có phần thụt lùi. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Đó là một thực tế hiện nay của nội dung đối kháng Taekwondo Việt Nam. Những thành viên trong Ban huấn luyện cũng nhìn thấy điều này. Xét về nhiều góc độ khác nhau, tôi xin nói ra một số nguyên nhân của việc này.
Thứ nhất, sau tấm HCV Olympic Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân, tính đến nay trong thành phần BHL đã có sự thay đổi đến bốn lần. Nói vậy để chúng ta thấy rằng, thực sự tính liên tục của kế hoạch rất bị hạn chế. Ví dụ: Một vị HLV đang ở trong giai đoạn này nhưng khi sang giai đoạn khác lại có sự thay thế thì sự tiếp nối hầu như là không có. Điều này dẫn đến rất nhiều bất cập trong công tác huấn luyện. Khi đó, cả đội ngũ HLV lẫn võ sĩ đều không có sự liên tục và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung.
Thứ hai, khi chúng ta xây dựng một đội tuyển thì phải xây dựng trên một chu kỳ mới nhất, nó là chu kỳ của Olympic. Nhưng hiện nay, chúng ta chỉ làm theo chu kỳ ngắn, theo từng giai đoạn. Tôi nói cụ thể như việc lấy mốc của SEA Games để chuẩn bị cho ASIAD; xong ASIAD thì tiếp tục lấy đó để chuẩn bị cho Olympic. Do đó, việc triển khai kế hoach dài hạn sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Chúng ta có thể thu được thành quả tức thời trong quãng thời gian ngắn nhưng về lâu dài thì không có sự liên tục.
Hơn nữa, thể thao Việt Nam đến nay đã có hơn 30 môn tham gia vào các đấu trường, riêng Olympic thì có hơn 15 môn. Vì thế, sự đầu tư đối với từng môn cũng có sự thay đổi so với trước. Thông thường, ban lãnh đạo sẽ nhìn vào thành tích thì mới đầu tư. Điều này rất khó đối với từng môn cần sự đầu tư dài hạn như Taekwondo.
Thứ ba, VĐV các môn hiện nay không chỉ có Taekwondo mà còn trải đều ở rất nhiều môn khác nhau. Do đó, việc tìm được những tài năng như Hiếu Ngân, Quang Hạ, Nhất Thống ngày xưa là đều vô cùng khó khăn. Chúng ta cũng đã có những lứa VĐV trẻ rất được kỳ vọng nhưng sau đó sự đầu tư không thích đáng nên thui chột tài năng.
PV: Trong những năm qua, chúng ta vẫn có huy chương ở những giải trẻ, như Hồ Thị Kim Ngân hay Trương Thị Kim Tuyền. Vậy tại sao khi bước vào những sân chơi lớn, chúng ta lại không có cơ hội để cạnh tranh huy chương?
Như tôi đã nói ở trên, chúng ta có nhiều võ sĩ trẻ rất tài năng nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức. Vì thế, khi bước ra đấu trường lớn, các em sẽ không có cơ hội để cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh trên thế giới.
Đối với VĐV Kim Ngân, đây là một trong những tài năng hiện tại của Taekwondo Việt Nam. Em đã 2 lần vô địch giải trẻ thế giới vào các năm 2016 và 2018. Tuy nhiên, tôi từng nhận xét rất rõ với em ấy là việc thi đấu vẫn còn nhiều hạn chế trong cách ra đòn. Tôi tin rằng HLV là người sẽ nhận ra và có sự điều chỉnh để em hoàn thiện kỹ thuật hơn nữa.
Ở lứa tuổi trẻ, các em có thể vô địch nhưng những đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic thì nó hoàn toàn khác nhau. Muốn làm tốt, chúng ta cần hiểu rõ về tâm lý, về khả năng của các em có sự tiến bộ như thế nào. Ngoài ra, chúng ta cũng phải theo dõi xem tình hình Taekwondo thế giới phát triển như thế nào. Từ đó, BHL sẽ có những phương án thích hợp để giúp các em tập luyện và phát huy hết khả năng của bản thân, bắt kịp với xu hướng chung của thế giới.
Cuối cùng, để đi đến đích, chúng ta cần phải có kế hoạch dài hạn thì những tài năng như Kim Ngân hay Kim Tuyền mới duy trì và giữ được thành tích tốt.
PV: Muốn tìm lại vinh quang đối kháng như ngày nào, chúng ta cần làm những gì để cụ thể hóa giấc mơ đó? Thưa ông!
Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay đó là mức đầu tư. Khi Trần Hiếu Ngân vô địch Olympic, mức đầu tư khi đó còn nhỏ nhưng so với hiện nay thì nó đã tăng lên 3-4 lần. Do đó, nếu không đáp ứng được mức đầu tư cần thiết thì chúng ta sẽ không theo kịp với nhiều nước trên thế giới.
Một trong những điều kiện căn bản nhất là việc đầu tư phải đúng theo từng giai đoạn và đúng đối tượng mà chúng ta tìm ra được. Nếu làm được như vậy thì may ra chúng ta mới có thể hy vọng tái lập lại thành tích vinh quang như các thế hệ VĐV trước đã từng làm.
Chia sẻ thêm với VoThuat.vn, ÔNG NGUYỄN THANH HUY – HLV trưởng Đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam cho rằng:
“Có thể nói, việc Hiệp hội Taekwondo châu Á đưa nội dung thi quyền vào ASIAD là một cơ hội lớn đối Taekwondo Việt Nam trong việc tìm lại tấm HCV ở sân chơi này.
Thời gian qua, ban huấn luyện đã có sự chuẩn bị ráo riết, toàn đội được cử đi tập huấn tại Hàn Quốc để cập nhật những nội dung thi đấu mới nhất của ASIAD.
Với lực lượng hiện tại là những VĐV giàu kinh nghiệm, từng thi đấu ở các sân chơi thế giới, chúng tôi tin rằng đội tuyển quyền sẽ có khả năng đảm đương được nhiệm vụ. Tuy nhiên, thách thức của chúng ta tại giải lần này là rất lớn. Hầu hết những đội mạnh đều tập trung tại châu Á như Hàn Quốc, Iran, Đài Loan, Trung Quốc và cả chủ nhà Indonesia… Họ cũng thường xuyên tập huấn để nâng cao kỹ thuật và chuyên môn.
Đội tuyển quyền Taekwondo đứng trước cơ hội lớn để làm nên lịch sử khi chúng ta có sự chuẩn bị từ rất lâu rồi. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu trên thì chúng ta cần phải tập luyện ráo riết hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn từ nay đến khi diễn ra giải đấu”.
ÔNG VŨ ANH TUẤN – HLV đội tuyển đối kháng Taekwondo Việt Nam:
“Hiện nay, nội dung đối kháng của chúng ta đang có một thế hệ VĐV trẻ rất tài năng, tiêu biểu là những VĐV Trương Thị Kim Tuyền, Hồ Thị Kim Ngân… Những VĐV này đã gặt được thành tích cao ở các giải thế giới.
Mặc dù vậy, sân chơi ASIAD hay Olympic là nơi quy tụ hầu hết những võ sĩ mạnh nhất tranh tài. Mục tiêu của đội tuyển là phải quyết tâm thi đấu tốt nhất có thể. Chúng tôi hiểu rằng việc tái lập kỳ tích như những VĐV Quang Hạ, Nhất Thống, Hiếu Ngân từng làm là đều không hề dễ, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao, đội tuyển sẽ cố gắng không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ”.
Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng bộ môn Taekwondo Việt Nam:
“Nhìn chung, lượng lượng đội tuyển đối kháng của Taekwondo đang trẻ hóa và gặt hái được những thành tích khả quan ở các giải trẻ thế giới. Tuy nhiên, từ giải trẻ đến sân chơi châu lục hay Olympic vẫn là một khoảng cách lớn. Mục tiêu giành tìm lại tấm HCV đối kháng vì thế sẽ càng khó khăn hơn.
Về phía bộ môn, chúng tôi đã có định hướng mời những chuyên gia giỏi đến từ Hàn Quốc sang huấn luyện. Đồng thời, ở các giải quốc tế, các em đều được cho đi thi đấu, cọ xát liên tục để tích lũy kinh nghiệm. Trước mắt, ở ASIAD 2018 tại Indonesia, đội vẫn quyết tâm thi đấu với tinh thần cao nhất với hy vọng sẽ có thành tích tốt. Về lâu dài, mục tiêu chung là phải giành được vé dự Olympic Tokyo 2020. Việc giành HCV ở sân chơi châu lục và Olympic là cực kỳ khó khăn nhưng với lứa VĐV trẻ, các em đang được đầu tư kỹ và có định hướng cụ thể thì người hâm mộ vẫn có quyền kỳ vọng vào Taekwondo Việt Nam”.