Buakaw Banchamek được cả thế giới biết đến như một huyền thoại Muay Thái, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng giữa khái niệm “được biết đến” và “đế vương”, “vô địch” thực sự liệu có điều gì khác biệt?
“Thánh Muay” Buakaw hạ knock-out võ sĩ người Pháp
5 sự thật về Muay Thai của “Thánh Muay” Buakaw
Trước hết, phải khẳng định lại về độ nổi tiếng của Buakaw. Anh được các ông bầu Muay Thái Lan chọn làm gương mặt chủ chốt để quảng bá ra nước ngoài khi mới hơn 20 tuổi, và cũng không có gì lạ lẫm khi anh là một trong những Nak Muay (võ sĩ Muay) có số trận đấu ở nước ngoài nhiều nhất. Năm 2004, Buakaw vô địch K-1 Max World Champion (giải Kickboxing danh giá nhất thế giới) sau khi liên tục đánh bại những tên tuổi lẫy lừng như Wayne Parr, Kohiruimaki và cựu vô địch Masato. Năm 2006, anh trở thành người đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Kickboxing 2 lần vô địch giải đấu này. Kể từ đó, Buakaw được xem như đại diện của Muay Thái trên đấu trường Kickboxing, nơi nhiều dòng phái lớn của thế giới như Kickboxing Hà Lan, Kickboxing Nhật Bản, Kyokushin Karate… tạo nên đấu trường va chạm khốc liệt hàng đầu thế giới. Không có gì để nghi ngờ, thông qua những “chiến tích” lẫy lừng trong sự nghiệp tại K1, Buakaw đã đem bộ môn Muay Thái đến với thế giới. Anh trở thành hình tượng của bộ môn này trong lòng khán giả thế giới.
Nhưng Buakaw có thực sự là “đế vương”, là “độc cô cầu bại” của làng Muay Thái? Câu trả lời có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Đối với người Thái, nhà thi đấu Lumpinee được xem là thánh địa, là “hoàng cung” của những bậc “đế vương” Muay Thái. Bất kể sự nghiệp của một võ sĩ Muay hiển hách đến mức nào, nếu anh ta chưa từng vô địch Lumpinee thì xem như sự nghiệp đó vẫn có một vết khuyết rất lớn và không đủ để được gọi là “huyền thoại” như những tên tuổi tầm cỡ Saenchai (vô địch Lumpinee ở 4 hạng cân khác nhau). Nếu có một chàng trai vô danh nào đó bất ngờ vô địch Lumpinee, anh ta sẽ chỉ cần một đêm để sáng hôm sau thức dậy nhìn thấy báo chí gọi tên mình như ngôi sao hàng đầu. Điều đó đôi khi cũng xảy ra, bởi lẽ cộng đồng Muay Thái Lan là mảnh đất đầy bất ngờ, nơi những nhà vô địch thứ thiệt có thể xuất phát từ bất cứ làng quê nghèo nàn vô danh nào đó (như Buakaw cũng lớn lên từ đất nghèo Surin). Nhưng dĩ nhiên Lumpinee không phải nơi để đùa. Đó là nơi tạo nên huyền thoại, nhưng cũng là nơi có thể vùi chết những tài năng, nơi người ta tìm mãi không thấy một chiến thắng. Nói về độ khắc nghiệt, Lumpinee có phần hơn K-1 một chút.
Trong một số tài liệu và bài báo, người ta viết “Buakaw – nhà cựu vô địch Lumpinee”. Nhưng đây là một sai lầm hết sức “dễ thương”. Thực ra, anh chỉ vô địch giải ở nhà thi đấu Omnoi (năm 2000 và 2002), một giải “Toyota Muay Thai Marathon Tournament” (giải sự kiện cho Toyota tổ chức tại nhà thi đấu Lumpinee). Tức là, anh từng cầm đai vô địch dưới mái nhà sLumpinee nhưng không phải một giải “thứ thiệt”.
Trước khi bắt đầu được các ông bầu để ý và cho thi đấu nước ngoài nhiều hơn, Buakaw cũng thua rất nhiều trận Muay Thái ngay trong thời điểm hoàng kim của mình. Xét về mặt kỹ thuật, Buakaw có đòn tay vượt trội hơn rất nhiều so với các võ sĩ Muay cùng thời, có lẽ đây là lý do anh chuyển hướng sang sự nghiệp Kickboxing nhiều hơn là Muay (Muay chấm điểm đòn tay rất thấp). Ngày nay, nhiều ông bầu Muay ở Thái Lan cũng khẳng định Buakaw thậm chí sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu đối đầu với các võ sĩ Muay trẻ mới nổi từ Lumpinee.
Buakaw là ngôi sao hàng đầu? Đúng. Chẳng ai phủ nhận được công lao của Buakaw với bộ môn Muay Thái khi quảng bá hình ảnh của nó với cộng đồng thế giới. Buakaw là huyền thoại? Đúng. Bất cứ ai vô địch K-1 cũng có quyền được gọi là “huyền thoại” cả. Nhưng đáng tiếc, trên chính “sân nhà” Muay Thái, nơi Buakaw sinh ra, lớn lên và thành danh, nơi anh vẫn có được sự tôn trọng và yêu mến của toàn thể cộng đồng (bao gồm cả những tên tuổi lẫy lừng khác như Saenchai hay Saiyok), anh vẫn chưa thực sự là một “đế vương”.