Trước thềm sân chơi thể thao chung của cộng đồng các nước Đông Nam Á, SEA Games 30, diễn ra, hãy cùng VoThuat.vn tìm hiểu các thông tin về Muay Thái cũng như đội hình những tinh anh mà làng Muay Việt tin tưởng giao phó trọng trách mang vinh quang về cho đất nước nhé!

Tổng quan Lịch sử Muay Thái

Cũng giống với những môn võ trong khu vực Đông Nam Á như Pencak Silat hay Arnis, Muay cũng là hình thức chiến đấu cổ xưa của một dân tộc được đúc kết qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh được khởi nguyên Muay là từ đâu giữa 4 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Lào.

Thời xa xưa khi môn thể thao này chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn thi đấu, võ sĩ không được mang các vật dụng bảo vệ như găng tay. Các đấu sĩ sẽ dùng rượu pha nước nóng tẩm lên tay, giúp đôi tay trở nên chai lì, bởi lúc bấy giờ họ sử dụng áo quần bằng vải bạt nên cho dù mục tiêu bị lệch đi, sự tiếp xúc với vải bạt thô cứng cũng sẽ tạo ra sự ma sát và làm bỏng da.

Đến năm 1700, Muay Thái đã trở nên phổ biến trong hầu hết quần chúng, những trại huấn luyện được dựng lên khắp các vùng đất nước. Vào đầu thế kỷ 20, môn thể thao này được dân chúng công nhận là một hình thức nghệ thuật và thường được công diễn như tiết mục phục vụ giải trí tại các lễ hội, hay đền đài.

Muay Thái phát triển thành một môn thể thao chính thức, có tổ chức quy củ và những luật lệ là vào năm 1930, được dựa trên luật quốc tế của Quyền Anh. Các võ sĩ được chia ra thi đấu theo hạng cân và mỗi trận đấu chia làm 10 hiệp, kéo dài từ 5 đến 3 phút và có 2 phút nghỉ giữa mỗi hiệp đấu. Võ sĩ đều được yêu cầu phải mặc quần ngắn đặc thù màu xanh hoặc đỏ và mang găng tay.

Muay Thái là môn thể thao mang tính tâm linh và những nghi thức tôn giáo. Võ sĩ được các sư phụ của mình dạy dỗ tài nghệ, ban cho danh xưng riêng, được sáp nhập vào các danh sách các đệ tử thọ giáo nơi võ đường. Vì thế, trước giờ giao đấu, các võ sĩ sẽ cúi mình cung kính quay về hướng nơi mình chào đời (nghi thức này được gọi là Ram Muay), sau đó quay theo bốn hướng, để tỏ lòng tôn kính các bậc thầy đã dày công huấn luyện mình và thần linh nơi võ đài (nghi thức này được gọi là Wai Kru).

Buổi lễ sẽ được thực hiện dưới tiếng kèn ô-boa của người Thái và các loại nhạc khí như trống, những võ sĩ sẽ nhảy múa một cách chậm rãi quanh võ đài, thực hiện những động tác vừa để tỏ lòng biết ơn vừa được coi như là thao tác khởi động chuẩn bị cho trận đấu. Mỗi một võ sĩ đều có vũ điệu riêng mình hòa quyện với những động tác của nghi thức tôn giáo đặc thù từ trường dạy võ nơi anh ta được huấn luyện.

Mặc dù hiện nay có lẽ đã ít thấy, nhưng các võ sĩ Muay Thái mỗi lần lên đài đều có truyền thống quấn một sợi dây thừng nhỏ quanh đầu của mình. Theo niềm tin xa xưa, khi thượng đài thì võ sĩ sẽ đưa sợi dây này cho các vị sư phụ của mình trông giữ, họ sẽ là người ban phúc lành cho anh ta trước khi trận đấu bắt đầu. Khi hai đấu thủ giao đấu, sẽ chỉ còn băng vải quấn trên hai tay và một tượng Phật nhỏ được treo vào cánh tay để hộ mệnh, nhờ các thần thánh thiêng liêng che chở cho họ.

Muay Thái tại SEA Games

Môn thể thao Muay Thái trở nên phổ biến trong quần chúng và ngày càng tăng mức độ nhận biết lên một cách nhanh chóng bắt đầu từ năm 1990 cho đến nay.

Một số lớn người nước ngoài hâm mộ môn thể thao này đến Thái Lan để học hỏi và luyện tập. Ngoài ra, Muay Thái còn có mặt tại Pháp, Bỉ và cả Hoa Kỳ. Tại các quốc gia này, có nhiều trường học dựng lên để giúp giới thanh niên rèn luyện thể lực và ý chí Muay Thái. Những trận giao đấu quốc tế đã được tổ chức tại Thái Lan một cách đều đặn giữa các đấu thủ địa phương và đấu thủ nước ngoài, luôn nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ người hâm mộ cũng như giới chuyên môn.

Năm 2007, Muay Thái được chính thức thi đấu trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2007 diễn ra tại tỉnh Nakhon Ratchasima. Và hiện tại, đối thủ đáng gờm nhất trong môn thể thao này tại SEA Games chính là đất nước được nhiều người cho là khởi nguyên của Muay Thái nhất, Thái Lan.

Việt Nam – Muay Thái và SEA Games 30

Năm 1995 là lần đầu tiên các võ sĩ Việt được tiếp xúc với bộ môn Muay Thái. Đây là khoảng thời gian môn võ này vẫn chưa thực sự du nhập vào Việt Nam, do đó, các võ sĩ đại diện nước ta tham gia các đại hội thể thao khu vực và quốc tế đa phần đều đến từ các bộ môn khác như Boxing, Võ Cổ Truyền, thậm chí là Taekwondo…. Anh Đỗ Vũ Huy, chính là một trong những võ sĩ đầu tiên, đại diện Việt Nam thi đấu Muay Thái trên đấu trường thế giới.

Chia sẻ góc nhìn về đội tuyển Muay Việt trong hiện tại so với năm 1995, anh Đỗ Vũ Huy cho biết:

“Thời điểm trước, chỉ có tôi và anh Quách Tấn Minh là những người đã từng thi đấu võ đài tự do và Quyền Anh nên có thuận lợi hơn so với những võ sĩ xuất thân từ Taekwondo. Ngày đó Việt Nam vẫn chưa được du nhập Muay Thai, nên kỳ SEA Games năm 1995, thành tích hay huy chương cũng không được tính điểm vào cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có bước tiến rất mạnh về Muay, vận động viên được đầu tư tốt hơn, nên tôi nghĩ tại kỳ SEA Games 30 này Việt Nam sẽ có thể đạt được nhiều thành tích cao. Những vận động viên như Phát (Trương Cao Minh Phát) và Ly (Bùi Yến Ly) có rất nhiều cơ hội đạt huy chương vàng cho Việt Nam.”

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các đơn vị cho Muay Việt trong hiện tại, các võ sĩ Việt cũng nhận được nhiều “lợi thế” hơn các bậc “tiền bối” ngày trước. Điển hình là về mặt thông tin và chế độ luyện tập được đầu tư bài bản.

“Muay Việt trong thời gian này đang được đầu tư đúng đắn, chế độ tập luyện và chế độ đãi ngộ cho võ sĩ đang được quan tâm, do đó trình độ, kỹ thuật của võ sĩ Việt cũng cải thiện đáng kể. Muay chính là một nội dung có nhiều cơ hội tranh vàng cho Việt Nam tại SEA Games sắp tới.”

Đội tuyển Muay Việt tham gia dự thi tại SEA Games 30 gồm 14 thành viên với 10 vận động viên xuất sắc nhất, 3 huấn luyện viên và 1 người lãnh đội. Trong đó, có 4 cái tên được kì vọng nhiều nhất sẽ mang lại vinh quang cho nước nhà ở bộ môn này.

Bùi Yến Ly (1995)

Sinh ra ở tỉnh Bắc Giang, Bùi Yến Ly là một nữ võ sĩ trẻ đa tài khi bén duyên cùng nhiều môn võ. Dù mỗi môn võ có một đặc thù thi đấu riêng, nhưng Bùi Yến Ly gần như chinh phục được tất cả những môn võ mà cô đã từng tham gia như: võ cổ truyền, Kickboxing, Muay Thái.

Yến Ly đã 8 năm liền “ngự trị” trên ngôi vương Muay Thái và Kickboxing ở các giải đấu trong nước. Cô đạt được 16 HCV Muay Thái, 16 HCV Kickboxing ở giải Vô địch và Cup của quốc gia, 2 HCV Đại hội Thể Dục Thể Thao toàn quốc vào năm 2014 và năm 2018.

Cô còn nhiều lần đại diện quốc gia thi đấu ở các giải đấu mang tầm khu vực và thế giới, mang về vinh quang và niềm tự hào vô hạn cho Việt Nam với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ trên đấu trường quốc tế.

1 HCV THE WORLD GAMES Muay Thái,
3 HCV Thế Giới Muay Thái,
1 HCV SEAGAMES Muay Thái,
1 HCV INDOOR GAMES Muay Thái,
2 HCV ASEAN BEACH GAMES Muay Thái,
1 HCV CHÂU Á Kickboxing
2 HCB Vô địch Thế giới
1 HCB INDOOR GAMES

Có một thể trạng tốt, kỹ thuật Muay Thái toàn diện và phong cách thi đấu thông minh, thiên về kỹ thuật, Bùi Yến Ly nhận được sự kì vọng rất cao trong giải đấu lần này.

Nguyễn Trần Duy Nhất (1989)

Với tài năng sẵn có cùng với môi trường gia đình có truyền thống võ thuật, Nguyễn Trần Duy Nhất nhanh chóng trở thành võ sĩ số 1 làng Muay Việt. Anh đã 7 lần vô địch nghiệp dư thế giới hạng 60kg và được làng võ trong nước gọi là “Độc cô cầu bại” – nghĩa là một nhà vô địch “duy nhất”.

Nhưng ở SEA Games, có vẻ mọi chuyện không quá suông sẻ với Duy Nhất. Năm 2009 tại Lào, trong trận chung kết, Duy Nhất thể hiện áp đảo hẳn đối thủ người Thái Lan trên sàn đấu nhưng vẫn bị các trọng tài xử ép nên không thể đoạt HC vàng.

Đến năm 2013 tại Myamar, ở trận bán kết gặp đối thủ người Lào Latsasack, Duy Nhất cũng dồn đánh đối thủ không kịp đỡ đòn, thi đấu áp đảo nhưng cuối cùng vẫn bị xử ép và thua. Sau trận đấu, vì quá uất ức, võ sĩ người Lâm Đồng đã bật khóc.

SEA Games năm nay, Muay Thái lại được đưa vào thi đấu chính thức. Cơ hội lại mở ra cho Duy Nhất, nhưng anh vẫn còn dè dặt, bởi kết quả chỉ biết phụ thuộc vào trọng tài. Nhưng dù thế nào anh cũng sẽ cố gắng chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và thể hiện cho người xem thấy bản thân xứng đáng thắng trận.

Huỳnh Hà Hữu Hiếu (1999)

Huỳnh Hà Hữu Hiếu là cái tên mới nổi trong làng Muay Việt Nam thời gian gần đây. Cô gái sinh năm 1999 đến từ Khánh Hòa này chỉ mới 20 tuổi nhưng đã sở hữu trong tay 2 chức vô địch thế giới Muay Thái cùng một số trận thắng trên các võ đài chuyên nghiệp.

Hữu Hiếu sau 1 năm làm quen với võ cổ truyền, tháng 2/2012, cô bắt đầu những bài học đầu tiên với Muay Thái khi chỉ mới 13 tuổi. Nhỏ con nhưng lì lợm và rất nhanh nhẹn, Hữu Hiếu chứng tỏ cái duyên với Muay khi chỉ một năm sau đó cô đã giành được HC vàng giải trẻ thế giới ngay lần đầu tham dự.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Huỳnh Hà Hữu Hiếu lại khiến giới võ bất ngờ khi quyết định thi đấu tại giải World Lethwei Championship – giải đấu khắc nghiệt bậc nhất thế giới ngay tại Myanmar có nhiều điểm tương đồng với Muay Thái và giành chiến thắng vang dội khi hạ knock-out võ sĩ chủ nhà sau 3 hiệp đấu căng thẳng.

Hữu Hiếu hiện đang được xem là gương mặt sáng giá có thể thượng đài tại ONE Championship cùng với Nguyễn Kế Nhơn và Nguyễn Thị Thanh Trúc. Dù vậy, khát khao lớn nhất lúc này của cô là SEA Games 30, nữ võ sĩ mong muốn sẽ thi đấu hết mình và đạt thành tích tốt, đem vinh quang về cho đất nước.

Trương Cao Minh Phát (1995)

Là người từng knock-out “Buakaw Việt Nam” Võ Văn Đài, 2 lần vô địch Muay và 2 lần vô địch Kickboxing trong nước, đồng thời cũng là nhà vô địch nắm giữ chiếc đai Cocobay hạng cân 62kg, Trương Cao Minh Phát đã được đông đảo khán giả công nhận là một trong những gương mặt hàng đầu của làng Muay Việt Nam. Võ sĩ trẻ sinh năm 1995 thậm chí còn từng khiến giới võ “rớt cằm” khi chiến thắng “Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất, người từng “bá chủ” làng Muay Việt 12 năm liền.

Với bảng chiến công hiển hách như vậy, Minh Phát cũng nhận được rất nhiều sự kì vọng từ các huấn luyện viên và người hâm mộ rằng anh sẽ làm rạng danh nước nhà tại sân chơi thể thao khu vực với môn võ không phải là sở trường của nước ta.

Kết

Muay Thái tuy là môn võ truyền thống của nước bạn Thái Lan và thời gian Việt Nam tham gia môn võ này cũng rất hữu hạn nhưng không vì thế mà ta yếu kém trên sân chơi khu vực. Tham gia từ 1995 nhưng tới nay, thành tích mà đội tuyển Muay Thái nước nhà đã và đang thể hiện đều rất đáng tự hào.

Như Trúc – Hoài Phương