Muhammad Ali khép lại trang đời huyền thoại

“Muhammad Ali là người vĩ đại nhất”, là võ sĩ quyền Anh “vĩ đại nhất mọi thời đại” (GOAT), “Một người vĩ đại đích thực”,…Rất nhiều những câu tụng ca như thế đã tràn ngập không chỉ trên mặt báo mà trên rất nhiều diễn đàn xã hội trên Internet để bày tỏ tiếc thương một huyền thoại đích thực của thể thao thế giới – Muhammad Ali đã vĩnh viễn ra đi hôm thứ Sáu ngày 3/6/2016 ở tuổi 74, sau một thời gian dài chống chọi bệnh Parkinson.

Ngô Ngạn Tổ đóng phim Hollywood bằng công nghệ Motion Capture.
Lực sĩ khoẻ nhất hành tinh đe doạ Ronaldo trước thềm Euro.

NHỮNG CÚ ĐẤM “RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI”

“Muhammad Ali là người vĩ đại nhất. Chấm hết” – Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói như thế trong một phát biểu vào sáng 4-6 về cái chết của Muhammad Ali. Tổng thống Obama còn mô tả thêm rằng, Ali có khả năng “còng tia chớp, ném sấm sét vào tù”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton, người từng trao cho Ali Huy chương Công dân Tổng thống cũng bày tỏ sự đau buồn khi hay tin huyền thoại quyền Anh ra đi. Hầu hết các ngôi sao thể thao thuộc nhiều môn khác nhau cũng đều ca ngợi Ali như một trong những huyền thoại vĩ đại nhất mọi thời đại của thể thao nước Mỹ và làng quyền anh thế giới.

Ông có phong cách thi đấu đặc biệt, vừa gay cấn vừa thú vị, hài hước, khiến ngay cả những kẻ không ưa thích ông cũng phải thừa nhận ông. Muhammad Ali từng tuyên bố rằng ông “sẽ làm rung chuyển thế giới”, và trên thực tế thế giới đã rung chuyển vì ông, không chỉ một mà nhiều lần.

Mohammad Ali là tên gọi sau khi đã thành danh trên đấu trường quyền Anh chuyên nghiệp và cải đạo theo đạo Hồi. Tên thật của ông là Cassius Marcellus Clay, ông sinh ngày 17-1-1942 tại thành phố Louisville, bang Kentucky.

Muhammad Ali thời hoàng kim.
Muhammad Ali thời hoàng kim.

Ali bắt đầu tập đấm bốc từ năm lên 12 tuổi. Người thầy đầu tiên của ông là viên cảnh sát Joe Martin ở Louisville. Đó là vào dịp ông bị trộm lấy mất chiếc xe đạp mới mua, và ông đã thề với Martin là sẽ “quất” thằng nào lấy cắp chiếc xe của mình.

Sáu năm rèn luyện cực khổ trong phòng tập thể dục của ông cảnh sát Martin và tham gia thi đấu nghiệp dư là giai đoạn khởi đầu hoàn hảo cho sự nghiệp vinh quang rực rỡ sau này của ông. Ali đã khởi đầu sự nghiệp thi đấu nghiệp dư bằng những trận thắng giòn giã trong những năm 1959-1960, với kết quả giành huy chương vàng Olympic quyền Anh hạng nhẹ năm 1960.

Thời đó, Ali luôn đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc gay gắt. Trong hồi ký nhan đề “Người vĩ đại nhất” (The Greatest), Ali kể rằng trong những chuyến thi đấu của ông, đội ngũ phục vụ ông (toàn người da đen) luôn phải ngồi lại trong xe chứ không được vào nhà thi đấu. Khi ông mang chiếc huy chương vàng trở về quê ở Louisville, Phòng Thương mại thành phố đã gửi thư chúc mừng nhưng từ chối tổ chức tiệc ăn mừng, viện lý do “không có thời gian”. Sau đó, ông mâu thuẫn, đánh nhau với một băng nhóm người da trắng và ném luôn chiếc huy chương vàng xuống sông.

Ngày 29-10-1960, Clay ra mắt làng quyền Anh chuyên nghiệp bằng trận thắng đầu tay trước đối thủ Tunney Hunsaker. Sau đó là những trận thắng nốc ao liên tiếp trước các đối thủ hặng nặng. Trận đấu thứ nhất với võ sĩ Sonny Liston vào năm 1964 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó không chỉ mang về cho ông danh hiệu vô địch quyền Anh hạng nặng đầu tiên – giành cả đai vô địch đầu tiên của Hiệp hội Quyền anh Thế giới (WBA) lẫn Hội đồng Quyền anh Thế giới (WBC) – mà còn giúp mở rộng ảnh hưởng của ông trong xã hội Mỹ.

Sau sự kiện đó, ảnh hưởng của Ali trong xã hội cũng bắt đầu gia tăng. Trận thắng của Ali trước Liston đã giúp cho tổ chức Nation of Islam từ chỗ bị xem là một tổ chức xấu, bị gán cho cái tên “Hồi giáo đen” (Black Muslims), ngày càng được xã hội và chính quyền Mỹ thừa nhận sau khi công khai việc Ali là thành viên.

Tuy nhiên, 4 tháng sau Ali bị tước đai WBA vì lý do ông là thành viên Nation of Islam. Đây là một quyết định gây tranh cãi, vì nó mang nặng tính chất kỳ thị chủng tộc. Phải một năm sau, Ali tái đấu Liston trận thứ hai và tiếp tục giành chiến thắng để giữ lại đai WBC.

Tiếp sau đó là chuỗi dài 29 trận thắng liên tiếp, nhiều trận nốc ao và một số trận thắng điểm. Đến năm 1967, Ali tiếp tục giữ đai WBC, đồng thời giành lại đai WBA sau trận thắng điểm trước Ernie Terrell.

CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ NATION OF ISLAM

Xin nói thêm, tên gọi Muhammad Ali của ông được Elijah Muhammad, lãnh đạo tổ chức Nation of Islam, tức Black Muslims, đặt cho từ năm 1964, sau khi chiến thắng vang dội trước võ sĩ Liston để giành đai vô địch hạng nặng. Trước đó, ông đã bí mật tham gia các cuộc họp của tổ chức Nation of Islam từ năm 1961.

Đến năm 1962, Ali gặp Malcom X, tức Malcom Little, chính trị gia và lãnh đạo Hồi giáo, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Mỹ những thập niên 60-70 thế kỷ XX, và trở thành học trò của Malcom X. Cũng từ mối quan hệ với Malcom X mà Ali bắt đầu gia nhập vào tổ chức Nation of Islam, nhưng chưa dám công bố công khai vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu quyền Anh.

Chỉ sau trận thắng vang dội trước Liston năm 1964, lãnh đạo Nation of Islam khi đó là Elijah Muhammad quyết định công khai tuyên bố Ali là thành viên của Nation of Islam. Sự kiện này gây chấn động, khiến cho làng quyền Anh bị sốc thật sự. Mọi người ngỡ ngàng, vì trước đó họ chỉ biết đến một Cassius Clay ngoan đạo, thường chăm chỉ đọc Kinh Thánh Baptist trong những giờ rảnh rỗi không thi đấu. Nhưng kể từ sau khi gia nhập Nation of Islam, quyển sách ưa thích của ông là Kinh Quran.

Việc Ali công khai là thành viên Nation of Islam khiến nhiều người Mỹ da trắng bực bội, nhưng chính việc ông thẳng thắn nêu quan điểm chống chiến tranh Việt Nam và từ chối gia nhập quân đội Mỹ để đi chiến đấu ở miền Nam Việt Nam đã khiến họ nổi giận thật sự.

Đôi găng thi đấu của Muhammad Ali trưng bày tại Bảo tàng Smithsonia.
Đôi găng thi đấu của Muhammad Ali trưng bày tại Bảo tàng Smithsonia.

Ngày 28/4/1967, một tháng sau trận thắng nốc ao trước võ sĩ Zora Folley, trận thắng thứ 8 để bảo vệ các danh hiệu, Ali bị tước tất cả các đai vô địch, bị tước giấy phép thi đấu, treo găng tạm thời trong 3 năm do tội trốn quân dịch. Tại phiên tòa ngày 20-6-1967, tòa sơ thẩm tuyên Ali có tội. Ali kháng án, nhưng Tòa phúc thẩm tiếp tục tuyên y án. Ali lại kháng án lên Tòa án Tối cao.

Trong thời gian chờ tòa án giải quyết đơn kháng án, Ali vẫn được tại ngoại, được tự do hoạt động. Nhờ thế, ông bắt đầu những cuộc nói chuyện trước sinh viên các trường đại học và phổ biến quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam và nhiều vấn đề khác về nhân quyền, về kỳ thị chủng tộc đối với người Hồi giáo và người da đen.

Quan điểm chính trị của ông đã gây ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội Mỹ thời đó, nhất là trong phong trào đấu tranh nhân quyền của người Mỹ da đen. Đáng chú ý nhất là quan điểm của ông đã gợi cảm hứng cho nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Mỹ, Martin Luthur King lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Năm 1970, khi án tù vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, Ali được cấp phép thi đấu trở lại. Ngày 26-10-1970, Ali đánh dấu sự trở lại của mình bằng trận thắng nốc ao võ sĩ Jerry Quarry để giành lấy danh hiệu vô địch sàn đấu, bất chấp sự cản trở bằng mọi cách của Thống đốc bang Georgia Lester Maddox. Nửa năm sau, ngày 8-3-1971, Ali thua trận đầu tiên trước võ sĩ Joe Frazier trong “Trận đấu của thế kỷ” để giành lại hai đai WBA và WBC.

Sau thất bại này, nhiều người trong giới quyền Anh khi đó cứ nghĩ rằng, sau một thời gian khá dài bị treo găng, Muhammad Ali đã không còn thi đấu dũng mãnh như xưa. Tất cả đã lầm. 4 tháng sau thất bại đó, Ali bắt đầu lấy lại chuỗi chiến thắng để giành đai vô địch Liên đoàn Quyền anh Bắc Mỹ (NABF).

Ba năm sau, trong trận đấu thứ hai trước Frazier ngày 28-1-1974, Ali đã chiến thắng để duy trì đai NABF. Tháng 10-1974, Ali giành lại cả hai đai vô địch WBA và WBC sau chiến thắng mang tên “Chấn động trong Rừng sâu” trước võ sĩ George Foreman. Hơn 60.000 fan hâm mộ Ali đã la hét vang trời vì sung sướng sau trận thắng của ông.

Muhammad Ali nhận Huy chương vàng Olympic quyền anh hạng nhẹ năm 1960.
Muhammad Ali nhận Huy chương vàng Olympic quyền Anh năm 1960.

Sau trận đấu với Foreman, Ali bắt đầu du đấu khắp nơi trên thế giới trong các trận đấu cùng với các đối thủ lừng danh như Foreman (ở Zaire), Frazier (ở Philippines), Joe Bugner ở Kuala Lumpur Malaysia. Từ những trận du đấu đó, thế giới được thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy của quyền Anh do Ali trình diễn, và cũng bắt đầu biết nhiều hơn đến quyền Anh. Quyền anh bắt đầu phổ biến rộng khắp thế giới.

TRỞ THÀNH NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẠO HỒI

Kết thúc sự nghiệp thi đấu quyền Anh chuyên nghiệp, Muhammad Ali đã có một tổng kết không ai có thể so sánh. Ông đã giữ đai vô địch NABF, WBA và WBC liên tục kể từ khi được trở lại thi đấu vào năm 1971 cho đến khi giải nghệ năm 1980.

Sau khi giải nghệ, Ali tiếp tục nhận được nhiều danh hiệu do các hiệp hội, các tổ chức, tạp chí thể thao bình chọn. Ông được nhiều tạp chí, hãng thông tấn khác nhau bình chọn là võ sĩ quyền Anh số 1 trong nhiều năm liền, được tạp chí thể thao ESPN bình bầu là vận động viên thứ 3 trong các vận động viên vĩ đại nhất thế kỷ XX, xếp sau Michael Jordan và Babe Ruth. Ông trở thành biểu tượng của người Hồi giáo da đen đấu tranh vì quyền tự do tôn giáo và tự do nhân quyền.

Muhammad Ali tính toán, trong sự nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp của mình đã tung ra tổng cộng hơn 29.000 cú đấm và thu về 57 triệu USD tiền thưởng. Ông đã đấu tổng cộng 61 trận chuyên nghiệp, thắng 56 trận (có 37 trận thắng nốc ao) và thua 5 trận. Trận thua đáng nhớ nhất của ông chính là trận thua người phụ tá cũ của mình, Larry Holmes, vào ngày 2-10-1980, trong trận tái đấu sau khi đã tuyên bố giải nghệ.

Sau trận, Holmes cùng vợ đến gặp riêng Ali để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Holmes bảo “Rất yêu ông”. Ali đáp: “Thế sao cậu còn quất vào mông tôi như thế?”. Đó là những câu trao đổi đầy cảm xúc giữa hai người từng là thầy trò của nhau. Nó đánh dấu sự tiếp nối hai thế hệ theo một cách hiếm có.

Sau khi giải nghệ, Ali bắt đầu chuyển sang làm nhà truyền giáo đạo Hồi. Sự nghiệp thứ hai này được cho là bắt nguồn từ thời ông bí mật tham gia tổ chức Quốc gia Hồi giáo (Nation of Islam) tại Mỹ. Sau khi giải nghệ, Ali lui về sống ở Phoenix cùng với vợ là bà Lonnie.

Hai vợ chồng cũng bắt đầu những chuyến chu du khắp thế giới để truyền bá những lý tưởng tốt đẹp của đạo Hồi. Ông đã từng đến Iraq năm 1990 để gặp Tổng thống Saddam Hussein, đàm đạo về đạo Hồi, đồng thời giải cứu 15 người Mỹ bị bắt giam tại Iraq. Ali làm Sứ giả Hòa bình cho Liên Hiệp Quốc trong 10 năm. Năm 2005, ông được tặng thưởng Huy chương Tự do của Tổng thống.

Khi được hỏi “Ông muốn mọi người nghĩ về mình thế nào sau khi qua đời?”, Ali từng trả lời: “Tôi muốn họ nói rằng: Ông ấy lấy vài tách tình yêu. Ông ấy lấy thêm một muỗng kiên nhẫn. Một muỗng canh lòng rộng lượng. Nửa lít lòng tốt. Ông ấy cho vào ¼ lít nụ cười. Một nhúm quan tâm. Và sau đó ông ấy trộn thêm thiện chí và hạnh phúc. Ông ấy cho thêm nhiều niềm tin. Trộn đều lên. Sau đó ông ấy chan hòa cả cuộc đời, và mời mọi người thưởng thức”.

Theo Nguyên Khang/An ninh thế giới

Có thể bạn quan tâm: Khoảnh khắc Muhammad Ali hạ knock out Sonny Liston năm 1965 

[jwplayer player=”1″ mediaid=”111712″]