Tương truyền Ngũ Mai cũng là một trong 5 nhân vật truyền thuyết trốn thoát khỏi chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu Phúc Kiến sau cơn đại nạn chùa bị các đại tướng Mãn Thanh hỏa thiêu, 5 người này về sau được các võ phái miền Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam) tôn vinh là Ngũ tổ của Nam quyền, 5 vị đó là:
Ngũ Mai, Ngũ Mai sư thái (chữ Hán: 五 枚 師 太, phiên âm Latin: Ng Mui Si Tai hay Wumei Shitai) còn gọi là Ngũ mai lão ni – dịch nghĩa tiếng Anh The Nun Ng Mui, theo thuyết của Diệp Vấn (chữ Hán: 叶 问, phiên âm Latin: Yip Man) tiên sinh tại Hồng Kông được coi là sư tổ sáng tạo ra những chiêu thức tiền khởi của Vịnh Xuân Quyền và truyền cho đồ đệ của bà là nàng Nghiêm Vịnh Xuân (chữ Hán: 嚴 詠 春, phiên âm Latin: Yim Wing Chun), con gái của một danh thủ quyền thuật dòng Nam Thiếu Lâm tên là Nghiêm Nhị (chữ Hán: 嚴 二, phiên âm Latin: Yim Yee).
Ngũ Mai sư thái quan sát cuộc chiến thư hùng giữa cáo và hạc sau đó sáng tác ra Vịnh Xuân quyền
Tương truyền Ngũ Mai cũng là một trong 5 nhân vật truyền thuyết trốn thoát khỏi chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu Phúc Kiến sau cơn đại nạn chùa bị các đại tướng Mãn Thanh hỏa thiêu, 5 người này về sau được các võ phái miền Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam) tôn vinh là Ngũ tổ của Nam quyền, 5 vị đó là:
Chí Thiện thiền sư (chữ Hán: 至 善 禪 師, phiên âm Latin: Jee Sin Sim See)
Ngũ Mai lão ni sư thái (chữ Hán: 五 枚 師 太, phiên âm Latin: Ng Mui Si Tai hay Wu Mei Shitai)
Bạch Mi Đạo Nhân (chữ Hán: 白 眉 道 人, phiên âm Latin: Bai Mei Dao Ren)
Phùng Đạo Đức (chữ Hán: 馮 道 德, phiên âm Latin: Fung Do Duk hay Fung To Tak)
Miêu Hiển (chữ Hán: 苗 顯, phiên âm Latin: Miu Hin hay Mew Hing) là cha của Miêu Thúy Hoa (chữ Hán: 苗 筴 花, phiên âm Latin: Miu Tsui Fa), ông ngoại của Phương Thế Ngọc (chữ Hán: 方世玉, phiên âm Latin: Fong Sai Yuk)
Tiểu sử
Tương truyền Ngũ Mai có tên thật là Lã Tứ Nương (chữ Hán: 魯 四 娘, hay 吕四娘, phiên âm Latin: Lui Sei-Lung hay Lu Si Niang, Lo Sei Leung, con gái thứ tư của một gia đình người Hán họ Lã (chữ Hán: 魯 – phiên âm Latin: Lui) ở tỉnh Sơn Đông, miền Bắc Trung Hoa, một dòng tộc nổi tiếng trong hệ Bắc Thiếu Lâm vào thời kỳ đầu nhà Thanh. Lã Tứ Nương tương truyền là mẹ của cô gái Lã Mai Nương trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa tựa đề Lã Mai Nương truyện của Tề Phong Quân – dịch giả Việt ngữ Trường Giang Mạnh Vũ kể lại chuyện Lã Mai Nương cùng chồng là Cam Tử Long (con trai của Cam Phượng Trì, một danh thủ quyền thuật Bắc Thiếu Lâm nổi tiếng vào đầu thời nhà Thanh, Cam Phượng Trì là học trò của sư Vu Phổ Chiếu trụ trì tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, xem thêm trong bài Pháo quyền) đại diện cho Bắc Thiếu Lâm xuống miền Nam Trung Hoa giải cứu cho Nam Thiếu Lâm Toàn Châu Phúc Kiến khỏi cơn đại họa hỏa thiêu và âm mưu tiêu diệt bởi vua Càn Long nhà Thanh, cứu mạng cho Phương Thế Ngọc, Hồng Hy Quan và Chí Thiện thiền sư.
Ngũ Mai thường được coi là người sáng lập của nhiều hệ phái võ như Mai Hoa quyền (có thuyết cho rằng bà chỉ sáng tạo Mai hoa thung pháp), Long Hình quyền, Chu gia Đường lang, Cẩu quyền, Bạch hạc quyền, Ngũ Mai phái và Vịnh Xuân quyền. Đồng thời có những dị bản cho rằng bà là tăng ni của Thiếu lâm tự ở Phúc kiến chứ không phải Hà Nam (Trung Quốc), hoặc là đạo sĩ núi Võ Đang tại Hồ Bắc.
Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn không rõ Ngũ Mai là một nhân vật có thật hay chỉ là một bí danh dùng để che mắt nhà Thanh. Trong bất cứ câu truyện nào nói về bà như có hai giả thuyết, một là Ngũ Mai được xem là nguời sang lập ra Vịnh Xuân quyền, hai là Ngũ Mai đóng góp đáng kể vào việc hình thành Vịnh Xuân quyền, và nhờ sự xiển dương, nhuận sắc của Nghiêm Vĩnh Xuân hay Miêu Hiển mà sáng tạo thành môn phái.
Ngũ Mai và truyền thuyết sáng tạo Vịnh Xuân Quyền
Trong các truyền thuyết về việc Ngũ Mai sáng tạo ra Vịnh Xuân Quyền (ví dụ thuyết của dòng Diệp Vấn), một truyện tiêu biểu là sau khi chùa Nam Thiếu Lâm bị đốt cháy, Ngũ Mai sư thái đã trốn thoát và vân du hành hiệp trong giang hồ. Cũng trong những năm này những kỹ pháp Bạch Hạc quyền mà bà sáng tạo ra lọt vào tay các đại tướng Mãn Thanh và trở thành phương thức tàn sát hữu hiệu chống lại môn đồ của các võ phái. Cảm thấy buồn phiền vì võ công của mình đã lọt vào tay kẻ xấu, bà đến lánh tại Bạch Hạc tự dưới chân núi Đại Lương, nằm giữa hai ranh giới hai tỉnh Yunnan (Vân Nam) và Sichuan (Tứ Xuyên). Tại đó bà tiếp tục trau dồi võ thuật cũng như thiền quán.
Một ngày nọ buổi tập của bà bị gián đoạn bởi một trận thư hùng giữa xà và hạc (xà hạc tương tranh), có thuyết nói là cáo và hạc. Rất ngưỡng mộ cách thức chiến đấu của chúng, sau khi quan sát bà đã kết hợp những yếu tố độc đáo của xà (âm nhu, tượng trưng cho đất, chủ về khí) và hạc (thanh cao, tượng trưng cho trời, chủ luyện tinh) này vào vốn kiến thức võ thuật sẵn có của mình và tạo ra một hệ thống mới đặc biệt nhưng chưa đặt tên. Về sau bà có quen Nghiêm Nhị và con gái của ông là Nghiêm Vịnh Xuân khi bà mua đậu hũ của cô trên đường ra chợ. Ở tuổi 15 mái tóc của Vịnh Xuân được vấn cao để cho thấy mình đang ở tuổi cập kê, nhan sắc của Vĩnh Xuân đã cuốn hút một tên ác bá trong làng. Hắn muốn ép cô làm vợ và những lời đe dọa của hắn làm hai cha con lo lắng không ít. Khi Ngũ Mai biết được hoàn cảnh của họ, bà liền đồng ý truyền dạy những kỹ pháp mà bà đã sáng tạo, tinh giản hóa và tối ưu hóa để trong một thời gian ngắn nhất Nghiêm Vịnh Xuân có thể đạt trình độ đủ phòng thân. Vịnh Xuân theo sư thái lên núi và luyện tập chuyên cần ở đó hai năm cho đến khi thành thục mới hạ sơn và đã trừng trị hiệu quả tên ác bá cùng các đồng đảng của chúng.
Ngược lại, theo một số thuyết khác lại cho là Vịnh Xuân quyền không phải bắt nguồn như trên mà từ Bạch Hạc quyền. Những câu truyện dân gian kể rằng Ngũ Mai ở tại chùa Bạch Hạc và ở đó bà chứng kiến một trận xà hạc thư hùng. Nghiên cứu những kỹ thuật của hai con vật này, bà chế tác một môn võ mới đặt tên là Bạch Hạc quyền. Sau đó bà vân du đến tỉnh Guangxi và gặp Mui Sun tại đó. Sau này Mui Sun phối hợp Bạch Hạc quyền với võ công sẵn có của mình để hình thành Vịnh Xuân quyền.
Một truyền thuyết cổ khác cho là võ công của Ngũ Mai có nguồn gốc khác hẳn. Danh tướng nhà Tống là Nhạc Phi đã sáng chế ra nhiều môn võ như Hình Ý Quyền, Ưng Trảo Công và Ngô gia quyền. Ngô gia quyền được truyền dạy tại một số vùng trong có một số chùa của đạo giáo tại núi Nga Mi. Tại đó các đạo sĩ truyền môn võ này qua nhiều thế hệ. Hai người được chân truyền cuối cùng là Ngũ Mai và Bạch Mi. Sau đó Bạch Mi lập ra môn võ mang tên mình (Bạch Mi phái) còn Ngũ Mai truyền dạy môn võ này cho các đệ tử và họ đặt tên môn võ là Vịnh Xuân (bài ca ca ngợi mùa xuân).
Theo kungfu-thienmy