Những năm cuối cùng của thế kỉ XX, tại xứ Huế mộng mơ – Miền đất võ Karatedo, một võ đường thuộc hệ phái Suzucho Karatedo ra đời mang tên Võ đường Nhân Ái. Trải qua 20 năm thăng trầm và sóng gió Võ đường Nhân Ái giờ đây đã lớn mạnh hơn nhưng vẫn không quên sứ mệnh “ươm hoa nhả mật” cho đời mỗi ngày.
Taekwondo Bạch Hổ: Điểm học võ lý tưởng tại TP.HCM
KAN CLUB: Điểm đến của niềm đam mê côn nhị khúc
Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè ở Huế (1/7/1997), võ đường Nhân Ái đã chính thức chào đời sau bao nhiêu năm ấp ủ đam mê của Huyền đai đệ lục đẳng ( Rokudan) Nguyễn Đình Sơn và Huyền đai đệ ngũ đẳng (Godan ) Nguyễn Đình Hải.
Dù Karatedo là một môn võ thuật bắt nguồn từ Nhật Bản, thế nhưng ngay từ buổi đầu mới du nhập vào nước ta thì Karatedo đã chiếm được một vị trí vững chắc trong lòng người dân Việt Nam. Cũng bởi lẽ đó mà khi vừa chào đời tại số 1 Lê Lợi, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên Huế thì Nhân Ái đã đón nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Từ 1 võ đường chỉ có một vài võ sinh, qua bao năm tháng Nhân Ái đã lớn mạnh khôn cùng và có hàng ngàn võ sinh luyện tập mỗi năm.
Đến năm 2004 khi võ đường phát triển hơn Huyền đai đệ lục đẳng ( Rokudan) Nguyễn Đình Sơn đã quyết định chuyển võ đường về Trung tâm Giáo dục năng khiếu Văn Thể Mỹ thuộc Sở giáo dục Thừa Thiên Huế cho tới tận bây giờ.
Mặc dù phát triển ngay tại cái nôi của môn võ Karatedo (Không Thủ Đạo), thế nhưng hiếm có võ đường nào lại giống như Nhân Ái – 1 võ đường dạy về đạo đức, cách đối nhân xử thế nhiều hơn cả võ học.
Như chính cái tên của mình, võ đường Nhân Ái quy tụ hàng ngàn võ sinh đến từ nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề, và nhiều vùng quê khác nhau. Không chỉ là sinh viên đại học, các bạn học sinh cấp III hay những người đi làm mà các em nhỏ cũng lựa chọn và yêu mến Nhân Ái.
Đến với Nhân Ái, võ sinh không những được luyện tập thân thể cho khỏe mạnh và còn được hoàn thiện đạo đức của mình. Đặc biệt là đối với các em nhỏ khi chưa hình thành nhân cách thì các võ sư rất chú trọng tu thân cho các em, song hành cùng giáo dục thể chất thì các võ sinh còn được bồi dưỡng thêm về nhân cách, giúp bản thân hướng đến vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ.
Giờ đây, qua 20 năm thăng trầm và sóng gió, Nhân Ái đã bồi dưỡng hàng trăm thế hệ võ sinh, đóng góp hàng ngàn tài năng cho nước nhà, họ không đơn thuần là những vận động viên Karatedo mà họ còn là bác sĩ, là kĩ sư, là phóng viên, là những người con có ích cho quê hương đất nước.
Hy vọng rằng hành trình “Ươm hoa nhả mật” cho đời của Nhân Ái không chỉ dừng lại 20 năm mà nó sẽ kéo dài mãi mãi. Và Nhân Ái mãi là ngôi nhà chung cho tất cả các bạn trẻ yêu thích võ thuật, khát khao được cống hiến tài năng, trí tuệ cho nước nhà.
Độc giả: Phan Dương