Sau khi ban hành các nghị quyết hết sức nghiêm khắc để xử lý một số cá nhân vi phạm, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tiếp tục thể hiện những sự đổi mới tích cực thông qua kỳ thi thăng đai, đổi đai toàn quốc lần thứ I năm 2023 diễn ra vào ngày 11/3 vừa qua tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.

Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vào ngày 11/3 vừa qua, tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh Quảng Nam (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tổ chức kỳ thi nâng đai, đổi đai võ cổ truyền toàn quốc lần thứ I, năm 2023.

Có lẽ, trừ một số ít cá nhân đã lường trước được tình hình và có sự chuẩn bị kỹ, đa phần các võ sư, huấn luyện viên dự thi không dự đoán được những thay đổi tại kỳ thi lần này.

Hơn 100 huấn luyện viên, võ sư tham dự kỳ thi nâng đai, đổi đai võ cổ truyền toàn quốc lần thứ I năm 2023

Theo thông báo của Ban tổ chức, tham dự kỳ thi có hơn 80 võ sư, huấn luyện viên đến từ 12 Hiệp hội/Liên đoàn võ cổ truyền các địa phương trên cả nước, dự thi từ cấp trợ giáo tam đẳng đến võ sư cao cấp 7 đẳng. Như vậy, so với các kỳ thi trước đây, số lượng võ sư, huấn luyện viên dự thi lần này không đông đảo bằng.

Tuy nhiên, không như phần lớn các đợt thi nâng đai, nâng đẳng trước đây, kỳ thi nâng đai võ cổ truyền lần này đã được tổ chức với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy chế chuyên môn.

Trước hết, công tác rà soát kiểm tra hồ sơ được bộ phận hành chính của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thực hiện kỹ càng, chặt chẽ. Qua đó, nhiều hồ sơ đăng ký dự thi thiếu các văn bằng chứng chỉ liên quan, thiếu tuổi, thi vượt cấp không đúng quy chế đã bị Ban tổ chức loại ra ngay trước buổi lễ khai mạc. Điều này làm cho nhiều võ sư, huấn luyện viên dự thi hết sức bất ngờ, bởi vì tại các kỳ thi trước đó, gần như chỉ cần đăng ký và nộp đủ lệ phí thì người dự thi sẽ được tham gia thi, thậm chí nhiều trường hợp trong số đó thiếu hoặc không có các văn bằng xác nhận cấp đai cũ vẫn được cho phép dự thi.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai mạc

Và một điểm mới khác quan trọng hơn cũng đã được thể hiện tại kỳ thi lần này, đó chính là công tác chấm thi.

Ngay tại buổi lễ khai mạc, TS. Nguyễn Ngọc Anh, tân Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã đặt ra yêu cầu với Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức đó là kỳ thi phải thực sự mang nghĩa xác thực, kết quả thể hiện đúng trình độ chuyên môn của những người tham dự.

TS. Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hướng tới chuyên nghiệp hoá toàn diện, tiếp tục mở rộng quy mô phát triển phong trào. Cùng với đó là không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, quyết tâm nói không với tiêu cực và dễ dãi trong phong cấp, nâng đai, đổi đai. Để mỗi trợ giáo, võ sư sau khi được phong đai sẽ thấy thực sự vinh dự, tự hào và có trách nhiệm với cấp đai mà mình mang”.

Tại kỳ thi, với số lượng thí sinh không quá đông đảo, Hội đồng giám khảo đã bố trí mỗi lượt thi là một thí sinh dự thi (đa phần những kỳ thi lần trước bố trí từ 2-4 thí sinh một lượt thi – PV), điều này giúp các giám khảo có thể theo dõi kỹ hơn phần thi, từ đó có sự nhận định đánh giá chính xác về trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân dự thi.

Các võ sư, huấn luyện viên tham dự kỳ thi cần có sự rèn luyện, trau dồi thêm

Tại hạng mục thi nâng đai võ sư 6 đẳng, qua 8 lượt thi của các võ sư, Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà – Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, giám khảo phần thi đã thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù tất cả phần thi đều cơ bản đạt yêu cầu nhưng chưa quá “xuất sắc”. Đa phần các võ sư mới chỉ dừng lại mức độ “thuộc quyền” chứ chưa vận dụng được đầy đủ các yếu tố khác trong võ cổ truyền như nhãn pháp, thân pháp, tốc độ, kình lực… Do đó, các võ sư cần có sự rèn luyện, trau dồi thêm chuyên môn khi về sinh hoạt tại võ đường của mình.

Tại hạng mục nâng đai võ sư cao cấp 7 đẳng (chỉ có duy nhất 1 người dự thi), Hội đồng giám khảo chuyên môn sau khi xem xét đánh giá bản tham luận của võ sư dự thi đã trả lại tham luận và yêu cầu bổ sung thêm một số nội dung để làm rõ hơn các vấn đề liên quan trong tham luận.

Mặc dù bản tham luận này sau điều chỉnh đã được Hội đồng giám khảo thông qua, tuy nhiên việc trả lại tham luận đã cho thấy công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, và chặt chẽ hơn rất nhiều so với các kỳ thi trước đây.

Các võ sư đạt yêu cầu trao bằng, thăng đai đều phải đảm bảo đủ trình độ chuyên môn qua phần chấm điểm của Ban giám khảo

Phát biểu tại lễ bế mạc kỳ thi, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, với tư duy “cứ đăng ký”, “cứ đóng tiền” vào thi là sẽ đạt, điều này dẫn đến các cuộc thi chưa đánh giá đúng thực chất chuyên môn của người dự thi.

“Nhiều người dự thi chưa đạt đủ trình độ nhưng rồi giám khảo vẫn chấm cho qua. Những người này sau đó lại tiếp tục về dạy học trò của mình, như vậy thì làm sao có thể tốt được. Và đây cũng chính là một trong những lý do góp phần kéo lùi sự phát triển của võ thuật cổ truyền”, T.S Nguyễn Ngọc Anh đánh giá.

Cũng theo tân Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, sắp tới đây, việc thi nâng đai, nâng đẳng quốc gia võ cổ truyền sẽ không còn dễ dãi như trước đây mà rất khó khăn. Không phải ai cứ đăng ký dự thi đều sẽ đạt được. Tại mỗi kỳ thi, sẽ có tỷ lệ phần trăm nhất định người dự thi không đạt, đó là những ai thuộc về nhóm dự thi có số điểm thấp nhất. Điều này sẽ giúp làm tăng tính cạnh tranh cho mỗi kỳ thi.

“Trong thời gian tới, đề nghị các thầy phải hết sức rèn luyện trau dồi chuyên môn cũng như lý thuyết võ cổ truyền. Có như vậy thì chúng ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển chung và có đóng góp vào việc đẩy mạnh phong trào võ cổ truyền”, TS. Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Uông Ngọc Tân

Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link