Như Vothuat.vn đã đưa tin, vừa qua, tại giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á diễn ra từ ngày 1-3/4 tại thủ đô Phnompenh, Campuchia, tuyển Việt Nam với nòng cốt là các VĐV võ cổ truyền đã giành 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ mặc dù chỉ tham dự giải với 9 VĐV.

Môn võ cổ truyền của người Khmer

Kết quả nói trên khiến giới chuyên môn hết sức vui mừng khi đây là lần đầu tiên các Võ sĩ Võ cổ truyền Việt Nam chuyển sang thi đấu môn võ mới lạ ngay trên đất nước bạn. Điều này thêm lần nữa cho thấy sự thích ứng hết sức linh hoạt của Võ cổ truyền Việt Nam khi chuyển sang thi đấu các môn võ khác nhau. Đồng thời, mang đến những hy vọng về khả năng tranh chấp huy chương tại kỳ Sea Games 32 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây tại Campuchia.

Kun Bokatorcos nhiều nét tương đồng với Muay Thai và Võ cổ truyền Việt Nam

Kun Bokator (có tên cũ là Kun L’bokator) còn được giới võ thuật gọi bằng cái tên khác là “Muay” Campuchia. Đây là một môn võ thuật cổ truyền của Campuchia, được hình thành cách đây 2.000 năm cùng với sự hình thành của người Khmer.

Theo dòng chảy lịch sử, môn võ này bắt đầu phát triển mạnh từ năm 800 sau công nguyên, gắn với sự phát triển của đế chế Khmer. Bằng chứng còn sót lại của môn võ này hiện còn ghi lại trên các bia ký và vách phù điêu trong các đền thờ như Angco Wat, Angco Thom, Preah Ko, Bantea Srey và Baphuon…

Kun Bokator sử dụng nhiều kỹ thuật đa dạng như Võ cổ truyền Việt Nam

Trong tiếng Khmer, “Kun” có nghĩa là “Võ” , “Bokator” là “đánh sư tử”. Ngoài ra, từ “Bok” cũng còn có nghĩa là “đánh bại” hoặc “võ thuật”, và từ “Tor” là “sư tử”.

Về mặt hình thức, cũng như các môn võ có xuất xứ từ Đông Nam Á khác, Kun Bokator sử dụng một loạt các kỹ thuật tấn công đa dạng bằng tay, chân , cùi chỏ, đầu gối, …, và nhiều loại binh khí như gậy dài, ngắn, gươm , phrak ( đao chuôi dài)…..

Hệ thống đòn thế của Bokator cũng vô cùng đa dạng, trong đó hầu hết các động tác đều được bắt chước theo phong cách chiến đấu của các động vật hoang dã, của điệu múa truyền thống Apsara.

Kun Bokator có nhiều nét tương đồng với Võ cổ truyền Việt Nam

Trong thời kỳ Angkor, Kun Bokator gắn bó sâu sắc với chiến lược phát triển và bảo vệ lãnh thổ đế quốc Khmer. Ngoài ra, Bokator cũng gắn liền với văn hóa dân tộc của người Khmer. Tại các dịp lễ hội, các võ sĩ  Bokator thường hẹn nhau để biểu diễn và đấu võ nhằm tạo không khí tưng bừng.

Do những ảnh hưởng của lịch sử, sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 1992 trở đi, môn võ Bokator mới được phục hồi trở lại bởi 1 số các võ sư Kun Bokator và được chính phủ Campuchia quan tâm phát triển. Năm 2004, Liên đoàn võ thuật Bokator Campuchia ra đời để bảo tồn và phát triển môn võ này.

Nếu như Vovinam – Việt võ đạo của Việt Nam hay Pencak Silat của Indonesia đã xuất hiện tại nhiều kỳ Seagames trước đây thì tại kỳ Sea Games 32 sắp diễn ra vào tháng 5 tới đây, môn võ truyền thống Kun Bokator của Campuchia mới lần đầu tiên được đưa vào thi đấu. Và giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua chính là giải đầu mà nước chủ nhà Campuchia tổ chức nhằm chuẩn bị cho kỳ Seagames.

Nhằm ủng hộ công tác quảng bá của nước chủ nhà, đồng thời do môn võ Kun Bokator cũng có một số nét tương đồng với Võ cổ truyền Việt Nam nên Tổng cục TDTT đã quyết định cử các VĐV Võ cổ truyền Việt Nam tham gia thi đấu môn võ này trên đất nước bạn.

Sự thích ứng tuyệt vời của các võ sĩ Võ cổ truyền Việt Nam

Võ sư Trần Việt, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, cho biết, môn võ Kun Bokator được chia thành 2 nội dung thi đấu đó là biểu diễn quyền thuật và đối kháng.

Trong nội dung quyền thuật, các nội dung dành cho VĐV nam bao gồm bài quyền quy định tay không, bài quy định đánh thủ bài bằng tre đơn nam, bài quy định đánh đao chuôi dài của người Khmer (Phkak) đơn nam, bài quy định biểu diễn phong cách đặc trưng Kun Bokator đơn nam, bài quy định tập thể tay không (2-3 nam), đối luyện tự do đôi nam.

VĐV tuyển Việt Nam thực hiện kỹ thuật xe đài trước khi bước vào trận đấu

Đối với các nội dung dành cho VĐV nữ bao gồm bài quy định tay không đơn nữ, bài quy định đánh thủ bài bằng tre đơn nữ, bài quy định đánh đao chuôi dài của người Khmer (Phkak) đơn nữ, bài quy định biểu diễn phong cách đặc trưng Kun Bokator đơn nữ, bài quy định  tập thể tay không( 2-3 nữ).

Với nội dung đối kháng, Kun Bokator sẽ tổ chức thi đấu đối theo hình thức chia cặp theo từng vòng đấu: Đấu loại- Tứ kết-Bán kết- Chung kết. Mỗi trận đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, nghỉ 1 phút.  Nếu như sau 3 hiệp, 2 VĐV có kết quả hòa, đấu hiệp phụ “ghi điểm vàng” ai ghi điểm trước sẽ thắng.

Các dụng cụ bảo hiểm cho VĐV trong thi đấu đối kháng gồm: Bảo vệ hạ bộ, áo giáp che ngực -lưng -bụng, mũ bảo hiểm, bịt răng, bọc cùi chỏ và ống chân.

Nội dung quyền thuật nữ sử dụng binh khí của Kun Bokator

Về cách tính điểm, các đòn tay đánh vào giáp đối phương được tính 1 điểm, đánh vào đầu được tính 2 điểm. Các đòn chân đánh vào giáp đối phương cũng được tính 1 điểm và đánh vào đầu được tính 3 điểm. Các đòn đánh ngã tính 1 điểm, đòn quật ngã tính 2 điểm. Các đòn thế có kỹ thuật đặc biệt như nhảy lên cao đánh trúng đầu đối phương sẽ được tính 5 điểm, nhảy lên cao đánh vào đầu bị đối phương chặn đòn được tính 3 điểm và gối bay đánh trúng vào đầu đối phương sẽ được tính 5 điểm.

Võ sư Trần Việt phân tích thêm, khi chuyển sang môn Kun Bokator, các võ sĩ Võ cổ truyền Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định khi luật thi đấu giữa 2 môn võ có sự khác biệt.

Cụ thể, trong Kun Bokator, các đòn thế đánh vào đầu và giáp có điểm khác nhau, trong đó, đòn đá vào đầu có điểm cao nhất. Trong khi ở Võ cổ truyền, các đòn đánh vào giáp và đầu đều có điểm như nhau.

Nội dung biểu diễn quyền thuật đôi nam của Kun Bokator

Một điểm khác nữa đó là trong thi đấu Võ cổ truyền, các võ sĩ có thể đánh liên tục với số lượng đòn không hạn chế, còn với Kun Bokator thì mỗi một nhịp vào đòn VĐV chỉ có 3 giây để thực hiện, sau đó trọng tài sẽ dừng lại.

Cũng theo ông Việt, một đặc trưng riêng nữa của Kun Bokator đó là các võ sĩ sẽ không được nhún nhảy để tăng tốc độ lúc di chuyển nhập nội như trong Võ cổ truyền và các môn võ khác như Karate, Taekwondo hay Boxing…Do đó, các võ sĩ khi chuyển sang thi đấu môn này cần phải có sự tập luyện và chuẩn bị kỹ.

“Thi đấu Võ cổ truyền có dây ring bao quanh võ đài nên các võ sĩ rất dễ dồn ép đối phương vào góc đài để đánh, còn trong Kun Bokator thi đấu trên sàn không có dây ring nên võ sĩ có thể di chuyển thoáng hơn, do đó sẽ rất khó dồn ép đối phương.

Còn về thuận lợi, môn võ Kun Bokator cũng có hệ thống kỹ thuật đa dạng như Võ cổ truyền Việt Nam với các đòn tay, chân, chỏ, gối, cũng như các đòn đánh ngã như ôm bốc, quật, … nên các võ sĩ khi chuyển sang thi đấu môn này sẽ có sự thích ứng nhanh. Thể hiện được nhiều kỹ thuật vượt trội trong Võ cổ truyền”, ông Việt cho biết.

Do không có dây ring bao quanh và không được nhún nhảy trong thi đấu nên việc ép góc đối thủ trong Kun Bokator rất khó thực hiện

Tại giải Vô địch Kun Bokator Đông Nam Á diễn ra vừa qua, 1 trong số 3 HCV mà các VĐV Việt Nam đạt được thuộc về võ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai ở hạng cân 55kg nữ.

Võ sư Trần Việt cho biết, trong trận chung kết với đối thủ, võ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai đã thi đấu phô diễn rất nhiều kỹ thuật đỉnh cao của Võ cổ truyền Việt Nam như các đòn tay, đòn rờ ve, các đòn đá và các đòn đánh ngã…

“Đây là các đòn đánh sở trường của Võ cổ truyền Việt Nam và được võ sĩ Tuyết Mai đã sử dụng rất nhuần nhuyễn, đẹp mắt, đạt hiệu quả ghi điểm trong thi đấu Kun Bokator . Sau khi công bố người chiến thắng, Tuyết Mai đã xe đài bằng chuẩn bài xe đài của Võ cổ truyền bằng một đoạn bài quyền Lão Hổ Thượng Sơn và được khán giả và các võ sĩ nước bạn vỗ tay tán thưởng”, ông Việt chia sẻ.

Uông Ngọc Tân

Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link