Taekwondo đã tạo thêm một sân chơi lành mạnh cho thanh niên, học sinh ở Di Linh (Lâm Đồng) trong nhiều năm có mặt nơi đây.
Nguyễn Thị Lệ Kim: “Đã có lúc tôi nghĩ sẽ từ bỏ Taekwondo”
Taekwondo Olympic 2016 sẽ là cuộc chiến của những sắc màu
Taekwondo Olympic 2016 sẽ là cuộc chiến của những sắc màu
Dạy võ theo mùa
Bắt tay tôi trong bộ võ phục trắng với phù hiệu Taekwondo nổi bật trước ngực, Võ sư K’Mép đang khoan thai chuẩn bị cho lớp dạy buổi chiều của anh. Như thông lệ, đúng 5 giờ 30’ chiều lớp võ bắt đầu. Trong ánh sáng của buổi chiều tà vùng núi trước sân trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tân Thượng, khoảng 20 môn sinh, hầu hết ở lứa tuổi học sinh, rất nhiều em là người dân tộc thiểu số, xếp thành hàng ngay ngắn và bắt đầu buổi học. Trong những bộ đồ võ phục trắng, các em di chuyển nhịp nhàng theo từng tiếng hô của thầy K’Mép, lớp học võ tạo nên một cảnh tượng khá sinh động trong cảnh vắng lặng của vùng sâu.
“Mùa này học sinh bận thi học kỳ nên khá vắng” – K’Mép bảo với tôi trong lúc dạy. Là người địa phương ở đây, anh học Taekwondo từ nhỏ, thuở còn là học sinh trung học, lúc đầu chỉ nghĩ là học cho khỏe thôi, để khỏi ai ăn hiếp mình vì anh vốn nhút nhát, nhưng đâu biết rồi đời anh lại theo nghiệp võ, anh trở thành một võ sư đi dạy võ lại cho các em nhỏ.
Mang 3 đẳng huyền đai, K’Mép đã dạy võ từ năm 2004 đến nay. Lớp võ anh từng “lang thang” qua nhiều nơi, lúc đầu ở sân trường tiểu học, đến sân một nhà dân và nay là sân Ủy ban xã. Không chỉ là thầy võ, anh là Phó Công an xã Tân Thượng bán chuyên trách, thời gian rảnh ban ngày anh còn chăm sóc hơn 1ha cà phê nhà. Việc dạy võ vào buổi chiều tối, đến khoảng 7 giờ lớp nghỉ.
Là một xã vùng sâu của Di Linh, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dạy võ nơi đây, theo K’Mép cũng có những đặc thù của nó. “Học võ theo mùa” – anh cười vui. Dạy võ ngoài trời nên mùa mưa rất vắng vì không tổ chức lớp được, môn sinh đi lại khó khăn. Rồi mùa cà phê đến cũng vậy, khi cả nhà cần người thu hoạch, các em nhỏ cũng phải ra vườn, lớp võ thường vắng tênh. Mùa thi lớp khoảng 30 môn sinh nhưng có bữa chỉ vài em đến. Bù lại trong mùa hè khi học sinh nghỉ hè, lớp võ lại đông nghịt.
Với K’Mép, dù có vài học trò anh cũng dạy, lớp vẫn cứ diễn ra bình thường. Ngày nào trời mưa, bữa sau học bù. Học phí một quý ba tháng mỗi môn sinh chỉ đóng 200 nghìn đồng cho thầy, nhưng em nào nhà khó khăn thì thầy miễn luôn tiền học phí; nhà nào có đông anh em theo học thì miễn bớt. Tâm nguyện của anh là cố gắng đưa võ thuật đến vùng sâu vùng dân tộc, chuyện học phí với anh không thành vấn đề . “Mình dạy võ vì phong trào mà, vùng sâu các em đâu có gì nhiều để chơi như ngoài huyện. Dạy võ để các em biết tự vệ, tự tin trong cuộc sống, biết rèn luyện sức khỏe thành người có ích là được” – K’Mép mộc mạc.
Tạo sân chơi lành mạnh
“Taekwondo từ khi có mặt ở Di Linh đã tạo ra thêm môi trường sinh hoạt, một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ và đó theo tôi là điều đáng ghi nhận nhất” – Võ sư Lê Đắc Thái Bình, HLV phụ trách bộ môn Taekwondo tại Di Linh nhận xét.
Taekwondo có mặt tại Di Linh từ năm 1990, đến nay sau hơn 25 năm hoạt động đã thu hút hơn 10 nghìn lượt võ sinh tham gia tập luyện. Cùng đó, bộ môn đào tạo được một đội ngũ HLV có trình độ, đẳng cấp và các võ sư này đang mở 9 điểm tập trong toàn huyện hiện nay với trên 300 môn sinh tập luyện mỗi ngày.
Chính từ đội ngũ võ sư – HLV tại chỗ này, Taekwondo tại Di Linh không chỉ phát triển ở thị trấn và các vùng đông dân cư mà nay đã vào tận các vùng sâu, vùng dân tộc với đông đảo môn sinh là người dân tộc thiểu số. Cùng với điểm tập của võ sư K’Mép tại xã vùng sâu Tân Thượng, hiện Di Linh còn có 2 điểm tập khác đang hoạt động rất tốt tại 2 xã vùng sâu nữa là xã Tân Lâm và xã Đinh Trang Thượng, mỗi lớp trung bình có chừng 30 võ sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Đồng diễn Taekwondo tại TP.HCM trong Liên hoan võ thuật quốc tế:
[jwplayer player=”1″ mediaid=”107812″]
Theo võ sư Bình, môn sinh người dân tộc thiểu số dù bận rộn với công việc nhà khi mùa vụ đến nhưng nhìn chung rất chịu khó, nhiệt tình, có tố chất thể lực nên học võ rất tốt. Khó khăn nhất cho các điểm tập vùng sâu theo ông Bình chính là thiếu sân bãi, các điểm tập chủ yếu ngoài trời, khi mùa thu hoạch cà phê đến dành làm sân phơi, lớp phải nghỉ.
Cùng với việc đưa điểm tập vào vùng sâu, Taekwondo Di Linh còn phát triển phong trào tại các trường học trên địa bàn. Hiện có 2 trường học đã đưa môn võ vào học đường tập luyện là Trung học phổ thông Di Linh và Trung học phổ thông Phan Bội Châu. Sắp đến Taekwondo lên kế hoạch vận động thêm một số trường khác trên địa bàn để đưa bộ môn này vào sinh hoạt ngoại khóa, thành lập CLB và các điểm tập.
Để hỗ trợ Taekwondo vào vùng sâu, theo võ sư Bình, Liên đoàn Taekwondo tỉnh thời gian đến cần chú ý quan tâm phát triển phong trào ở vùng sâu, vùng xa, có kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ HLV tại chỗ là người dân tộc thiểu số để đưa phong trào vào vùng sâu hiệu quả hơn.
Theo Viết Trọng