Đúng như câu “Đất lành chim đậu”, làng võ thuật Việt Nam không chỉ bảo tồn và phát huy tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc mà còn sẵn sàng tiếp thu tinh hoa nhiều môn võ ngoại nhập.
Gongkwon Yusul và câu chuyện người Việt mang “võ ngoại” về Liên hoan Võ thuật
Bulkempo thắng lớn ngay lần đầu ra mắt cộng đồng võ Việt
Bên cạnh những bộ môn đã có nhiều năm gắn bó với làng võ Việt, thậm chí thăng hoa phát triển mạnh mẽ như Judo, Karate, Taekwondo… các môn võ lạ vẫn liên tục được du nhập với sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Sự phát triển của tình hình văn hóa xã hội, công nghệ thông tin và nhu cầu tập luyện võ thuật của cộng đồng càng giúp cho sự du nhập đó diễn ra nhanh chóng. Sau đây là những môn “võ ngoại” mới lạ đang tiếp tục được làng võ Việt chào đón.
Brazilian Jiujitsu (BJJ)
Theo một số giai thoại, đã có một số võ sư ngoại quốc của bộ môn Brazilian Jiujitsu đến sinh sống tại Việt Nam kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng.
Năm 2009, bắt đầu có những người Việt kiều đầu tên về Việt Nam truyền dạy Brazilian Jiujitsu nhưng không lâu bền. Nếu kể đến việc BJJ du nhập vào Việt Nam, phải nhắc đến công sức của võ sư Vũ Nguyễn Hoàng Thọ (Thọ Kimura), người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đang giữ đai đen bộ môn này và sinh sống – giảng dạy tại Việt Nam.
Là một trong những bộ môn phổ biến nhất làng võ thuật thế giới hiện đại, với hệ thống kỹ thuật khoa học, tinh tế và đem lại lợi ích đa dạng (rèn luyện thể chất, tinh thần, tự vệ, nhân cách…), BJJ hứa hẹn là một trong những bộ môn sẽ sớm phát triển mạnh tại Việt Nam.
Capoeira
Rất khó để nói chính xác Capoeira bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào. Từ năm 2010, đã có những nhóm tập luyện Capoeira nhỏ lẻ xuất hiện tại cả Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, không phải nhóm tập nào cũng duy trì được lâu.
Hiện nay, Capoeira chủ yếu xuất hiện tại TP.HCM với một nhóm tập được duy trì tại Công viên Tao Đàn. Xuất xứ từ vùng đất Nam Mỹ hào sảng phóng khoáng, Capoeira không chỉ rèn luyện khả năng tự vệ, thể chất dẻo dai mà còn mang tính giải trí tuyệt vời. Những buổi đối luyện kỹ thuật luôn được tổ chức trong tiếng nhạc, bởi những cú đá Capoeira vốn được hóa thân vào các điệu nhảy.
Luta Livre
Xuất xứ như một môn võ tự do của Brazil vào đầu thế kỷ 20, Luta Livre ngày nay chủ yếu tập trung vào các nhóm kỹ thuật vật, bẻ, khóa, siết. Tuy mang tính chất gần giống BJJ, Luta Livre không sử dụng võ phục như BJJ. Yếu tố này tạo ra điểm khác biệt trong kỹ thuật: các võ sinh Luta Livre không thể thực hiện các kỹ năng nắm giữ cổ tay áo, cổ áo… mà chỉ có thể dùng các kỹ thuật tì đè, khóa khớp đặc thù…
Hiện nay, Luta Livre chủ yếu xuất hiện tại TP.HCM và được giảng dạy bởi một HLV trình độ đai đen.
Krav Maga
Krav Maga là một trong những môn võ ngoại đặc biệt được giới trẻ Việt quan tâm nhờ tính thực chiến, đôi khi tàn độc và hiểm ác.
Dù là một môn võ tương đối phổ biến tại nhiều nước Âu Mỹ, mãi đến sau 2010 mới bắt đầu có những HLV Krav Maga đầu tiên sinh sống tại Việt Nam. Cũng giống như Capoeira, Krav Maga có thời gian phát triển khá “lận đận”. Những HLV Krav Maga thời kỳ này đều đến Việt Nam vì lý do công việc chứ không phải chuyên tâm phát triển võ thuật. Ngoài ra, nhiều người còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết để… dạy Krav Maga dù bản thân không có bằng cấp gì. Mãi đến khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, Krav Maga mới thường xuyên có HLV giảng dạy tại TP.HCM, phục vụ cho các trung tâm giảng dạy võ thuật lớn.
Gongkwon Yusul
Được thành lập từ năm 1996 bởi võ sư Kang Jun tại Hàn Quốc, Gongkwon Yusul là một trong những môn võ có tốc độ phát triển khá nhanh. Chỉ sau 20 năm, GKYS đã có mặt tại Đức, Brazil, Úc, Mỹ…
Sau nhiều năm âm thầm hoạt động nhỏ lẻ tại Việt Nam để xây dựng lực lượng HLV đầu tiên, GKYS Việt Nam chính thức “bùng nổ” tại TP.HCM với hai trung tâm huấn luyện, đồng thời được Hiệp hội Gongkwon Yusul Thế giới công nhận như một tổ chức thành viên.
Với hệ thống kỹ thuật đầy đủ, GKYS đề cao tính hòa hợp giữa “cương quyền” (Gongkwon) và “nhu thuật” (Yusul) để nâng cao tối đa hiệu quả rèn luyện thể chất, tinh thần.
Y.N