Những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn ở đất võ Bình Định

Đến Bình Định, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vùng biển, của rừng, được cảm nhận cái gió cái nắng miên man của vùng đất nhiệt đới. Đến đây, du khách cũng được chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn ở vùng đất này.

1. Nhạc võ Tây Sơn

 

Những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn ở đất võ Bình Định

Là một nét văn hóa độc đáo ở Bình Định, xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18, đây là loại võ nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong luyện tập, chiến đấu. Theo truyền thuyết võ nhạc Tây Sơn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhạc võ Tây Sơn gồm 1 bộ 12 cái trống để tượng trưng cho 12 con giáp. Bộ trống được dựng thành giàn theo thứ tự 3 hàng từ lớn đến nhỏ. Nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy mưa rào thác đổ, khi nhặt, khi khoan, khi dồn dập, khi hào hùng phấn chấn. Người đánh trống vừa đánh vừa di chuyển chứ không ngồi như nhạc công tấu nhạc.

2. Chơi nghệ thuật bài chòi

Nghệ thuật hát bài chòi bắt nguồn từ hội bài chòi ngày xưa. Hội thường được tổ chức vào mùa xuân. Người ta dựng 9 chòi hình chữ V, ở giữa là chòi trung ương. Trong một cuộc chơi bài chòi, anh hiệu là người hô những câu thai của từng con bài như: nhứt trò, nhì bí, tam quảng… Kết thúc một hiệp chơi các nghệ nhân hô bài chòi diễn từng đoạn tuồng cổ. Bài chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu như hò quảng, xàng về, và các làn điệu dân ca… Sân khấu bài chòi được thể hiện những nét đặc sắc của một bộ môn nghệ thuật dân tộc ngọt ngào và đằm thắm.

3. Hát Bội

 

Những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn ở đất võ Bình Định

Là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Bội, Bình Định đang bảo tồn, thừa kế và phát huy nghệ thuật hát Bội mang phong cách Đào Tấn, một loại hình nghệ thuật vừa bác học nhưng lại vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng. Bao thế hệ khác nhau trên mảnh đất này vẫn ra sức giữ gìn, trau truốt loại hình nghệ thuật hát này để trở thành nét văn hóa đặc thù riêng của Bình Định.

4. Lễ hội Đống Đa

Đây là lễ hội lớn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung, Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát bội… thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước về tham dự.

5. Lễ hội đổ giàn

Trong lễ hội, hấp dẫn và cuốn hút nhiều người là hội xô cỗ (người Việt gọi là xô giàn). Người ta thiết lập một đàn cúng cao, trên đó đặt nhiều đồ cúng gồm hương, hoa, trà, quả, cỗ gạo, bánh và cỗ heo nặng khoảng vài chục cân. Sau những nghi thức, vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ đường cùng nhau tìm thế tranh lấy con heo.. .Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang theo con hep chạy về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người nào bảo vệ, can ngăn những đối thủ lợi hại khách có thể gật lại ngay trên tay. Hội đổ giàn ở Bình Định luôn thu hút người xem.

6. Lễ hội cầu ngư

 

Những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn ở đất võ Bình Định

 

Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân ven biển từ Quảng Bình đến Nam Bộ. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư có ở hầu hết các vùng ven biển và được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch.

Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong thời gian 3 ngày. Lễ hội góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân, là dịp để ngư dân thư giãn, cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào mùa đánh bắt mới. Đây cũng là dịp để công đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công phát hiện nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

Nguồn: dantri.