Tuần qua, làng thể thao thế giới dậy sóng khi ngôi sao quyền Anh Manny Pacquiao bị Hãng Nike cắt hợp đồng vì xúc phạm người đồng tính.
Johnny Trí Nguyễn: “Tony Jaa là một võ sĩ chân thật”
Dân mạng khen ngợi “soái ca” UFC đẹp trai hơn sau khi tăng cân.
“Có bao giờ bạn nhìn thấy hai động vật cùng giới tính giao hợp với nhau không? Nếu con người làm thế, họ còn tệ hơn cả thú vật” – Pacquiao nói. Dù nhanh chóng lên tiếng xin lỗi người hâm mộ qua Twitter sau đó vài giờ, võ sĩ lừng danh người Philippines vẫn không thể cứu vãn được hợp đồng tài trợ trị giá lên tới 1 triệu USD/năm với Hãng Nike.
Những bình luận của Pacquiao rõ ràng là không thể chấp nhận. Chuyên gia phân tích thể thao Ronnie Nathanielsz bình luận Nike cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt hợp đồng với Pacquiao trước nguy cơ hình ảnh của họ, và đi kèm với đó là thị trường, hứng chịu những tác động rất tiêu cực từ vụ vạ miệng này.
Chưa kể hãng thể thao hàng đầu thế giới này từ trước tới giờ vốn rất thân thiện với những người đồng tính.
Thật ra Nike không đặt quá nhiều hi vọng doanh số ở Pacquiao, nhưng với thị trường Philippines nói riêng và châu Á nói chung, tên tuổi của tay đấm này vẫn có sức hút rất lớn. Mỗi lần thượng đài của anh đều thu hút sự quan tâm ở phạm vi toàn cầu, và Nike sẽ hưởng lợi ở thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất của họ.
Tuy nhiên, Nike cũng có chiến lược tập trung vào những ngôi sao tầm cỡ còn thi đấu. Pacquiao đã tuyên bố sẽ chỉ thượng đài một lần nữa rồi giải nghệ để tập trung vào sự nghiệp chính trị (ở tuổi 32, anh vừa đắc cử vào Hạ viện Philippines).
Vì thế, tuyên bố hớ hênh của anh là cái cớ rất tốt để hãng thể thao Mỹ xử lý dứt điểm một vấn đề “bỏ thì thương, vương thì tội”, tức là quyết định ngưng hợp tác giữa Nike và Pacquiao bản chất cũng chỉ là chuyện tài chính.
Thậm chí, đây không phải lần đầu tiên Nike chia tay Pacquiao, theo Forbes. Cuối năm 2012, họ quyết định không gia hạn hợp đồng với tay đấm này cũng vì những bình luận không hay ho của anh về hôn nhân đồng tính!
Nike không nhắc gì tới chuyện tài trợ khi Pacquiao thua liên tiếp hai trận sau đó. Chỉ tới khi võ sĩ này “hồi sinh” với hai chiến thắng liên tiếp từ cuối năm 2013, một đề nghị mới được đưa ra. Và đó đã tỏ ra là một đề nghị hết sức khôn ngoan.
Khoản tiền 1 triệu USD/năm cho Pacquiao chẳng bõ bèn gì so với sự chú ý mà võ sĩ này, và qua đó là Nike, nhận được từ truyền thông trước, trong và sau cuộc “so găng thế kỷ” giữa Pacquiao với Floyd Mayweather vào đầu tháng 5-2015, một trong những trận đấu đắt giá và ồn ào nhất lịch sử làng quyền anh.
Pacquiao cũng chỉ là một trong số nhiều ngôi sao thể thao vào loại lừng lẫy bị cắt tài trợ vì những chuyện không liên quan tới thể thao. Cuarơ nổi tiếng Lance Armstrong mất trắng vì bị kết luận sử dụng doping trong các cuộc đua Tour de France danh giá.
Golf thủ Tiger Woods không ngóc đầu lên nổi sau khi bị phát hiện ngoại tình bừa bãi và gia đình anh đổ vỡ. Cầu thủ bóng đá Wayne Rooney, võ sĩ quyền anh Mike Tyson và kỷ lục gia Olympic môn bơi lội Michael Phelps, tất cả đều từng vì một phút bốc đồng mà mất đi hàng triệu USD.
Tiền tài trợ từ các tập đoàn khổng lồ luôn là một đích ngắm quan trọng của các vận động viên thể thao. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. “Ăn cơm Chúa phải múa tối ngày”, đi kèm với khoản thu nhập hấp dẫn luôn là những ràng buộc chuẩn mực nghiêm ngặt trong đời sống mà mọi vi phạm đều có nguy cơ phải trả giá đắt.
Theo Thảo Trần/Tuổi Trẻ
Có thể bạn quan tâm: Manny Pacquiao và những cú đấm tuyệt vời trên sàn Boxing
[jwplayer player=”1″ mediaid=”99044″]