Không nói về sự chính xác của kỹ thuật, liệu bạn đã đánh gió đúng cách, hay cách đánh gió của bạn đang làm ảnh hưởng đến việc luyện tập của bạn? 

Shadowboxing – hay còn gọi là đánh gió là khái niệm quen thuộc của mọi võ sĩ đối kháng. Đây không chỉ là bài tập khởi động đơn thuần, shadowboxing mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Đối với nhiều HLV lão làng,  shadowboxing thậm chí còn có thể là thước đo đánh giá trình độ cơ bản của người học trò tiềm năng.

Vậy làm sao một bài tập đơn giản lại có thể nói lên được nhiều điều như thế?

Muôn vàn phong cách đánh gió

Cả Manny Pacquiao và Mike Tyson đều đánh gió rất “điên”, nhưng sự khác biệt là gì?

Như ảnh động trên, có thể thấy, cả hai huyền thoại của Boxing Manny Pacquiao và Mike Tyson đều sở hữu phong cách đánh gió đầy tốc độ và hoang dã. Sự khác biệt chủ yếu của hai võ sĩ này đến từ footwork. Đối với huyền thoại hạng nặng Mike “Thép”, ông chú trọng vào việc bẻ góc và các đòn đánh ở cự ly gần nhưng lại đầy uy lực. Trong khi đó, ở Manny Pacquiao, kỹ thuật đánh gió của huyền thoại Philippines lại tập trung vào độ “phủ dày” của combo, cùng với footwork mang tính “đuổi bắt”. Để hiểu hơn về sự khác biệt, hãy nhìn vào cách cả hai tay đấm này thi đấu.

Mike Tyson

Mang lối đánh peek a boo đặc trưng từ người thầy Cus D’ Amato, Mike Tyson luôn tìm cách dồn ép đối thủ và tung ra những cú KO trong các góc độ không ai ngờ tới. Do đó, các bài tập của Mike Tyson buộc phải tập trung vào sức mạnh bùng nổ cũng như những pha bẻ góc kiểu “đốt thể lực”. Để có thể chuẩn bị cho những bài tập bẻ góc này, không gì phù hợp hơn bằng việc bắt đầu một ngày tập luyện bằng một bài đánh gió thiên hẳn về kỹ thuật bẻ góc và tung các đòn đánh cự ly gần.

Trong thi đấu thực sự, Mike Tyson cũng sử dụng chủ yếu các kỹ thuật bẻ góc đi kèm với những combo nặng ký để kết thúc đối thủ

Trong thi đấu thực sự, Mike Tyson cũng sử dụng chủ yếu các kỹ thuật bẻ góc đi kèm với những combo nặng ký để kết thúc đối thủ

Manny Pacquiao

Đối với Manny Pacquiao, tay đấm Philippines lại không có sức mạnh đáng sợ như Mike Tyson, bù lại, tốc độ và thể lực của Manny Pacquiao lại tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với những đối thủ cùng hạng cân. Vì thế, không lạ lùng gì khi Pac Man lại ưu tiên chiến thuật dùng combo phủ đầu kèm với bẻ góc. Thêm một điểm chú ý khác nữa, Manny Pacquiao nhỏ con hơn đối thủ rất nhiều, do đó, nhà vô địch WBA cũng cần phải tập trung vào việc rút ngắn khoảng cách để ra đòn, đó là lý do khâu shadow của Pacquiao có thêm sự kết hợp của cả footwork tịnh tiến lẫn bẻ góc thay vì thuần bẻ góc như Mike Tyson.

Pacquiao chọn lối đánh phủ đầu bằng combo và tốc độ để tạo cơ hội bẻ góc tấn công, do đó bài tập của Manny Pacquiao cũng sẽ tương tự như vậy

Shadowboxing thể hiện sơ bộ phong cách thi đấu

Nếu bỏ qua những chiến thuật chuyên sâu trong từng trận đấu khác nhau, shadowboxing thể hiện sơ phong cách thi đấu và tư tưởng khi thi đấu của một võ sĩ. Vì đơn giản, nếu bạn mang tư tưởng phòng thủ và tập các bài tập phòng thủ, bạn sẽ gượng gạo trong tấn công và ngược lại. Nếu các bài tập không đồng nhất với nhau, võ sĩ sẽ bị rơi vào tình trạng cái gì cũng biết nhưng chẳng giỏi cái nào! Do đó, việc lựa chọn bài tập cũng như lựa chọn phong cách đánh gió phù hợp cũng là một điều tối quan trọng.

Một số ví dụ khác

Lomachenko lấy footwork làm chủ đạo cùng với kỹ năng tung combo ở cự ly gần, đương nhiên, các bài shadowboxing của anh sẽ tập trung vào những kỹ thuật “múa chân”

Trong khi đó, với Wladimir Klitschko, huyền thoại Boxing Ukraine luôn tận dụng chiều cao và sải tay của mình để tung ra những combo 1-2 chuẩn xác thì phải tập trung rất nhiều vào việc duy trì khoảng cách và các đòn đấm thẳng.

Theo Webthethao.vn

Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link