Nhiều thông tin chia sẻ về việc đội võ gậy (arnis) của Việt Nam đang gặp khó khăn do trang thiết bị là gậy tập bị dập nát cần được bổ sung thay thế vào lúc này.
Trước những thông tin chia sẻ hiện tại như vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam – ông Đặng Hà Việt trao đổi cùng SGGP “chúng tôi được báo cáo chuyên môn từ ban huấn luyện đội tuyển võ gậy Việt Nam. Trang thiết bị gậy dành cho tập luyện và thi đấu của đội tuyển võ gậy được quy định là hạng mục vũ khí. Vì vậy, việc mua sắm phải theo quy định về đấu thầu đúng thủ tục. Chúng tôi đang cố gắng để có trang thiết bị mới bổ sung cho các tuyển thủ tập luyện và hiện tại đã có đơn vị tài trợ trang thiết bị cho đội võ vậy Việt Nam”.
Ngày 24-2 tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, đội tuyển võ gậy Việt Nam đã được gói tài trợ nhận 50 bộ gậy để tập. Tuy nhiên, ban huấn luyện và các tuyển thủ đội tuyển xác nhận, gậy bị dập nát cần thay thế là thực tế vào lúc này do vậy nếu được cung cấp thiết bị mới thì việc tập luyện sẽ hiệu quả hơn.
Để có được trang thiết bị tập luyện, tất cả phải mua sắm hoặc thuê mượn và theo quy định cụ thể ở Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL ban hành ngày 25-6-2021 về Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho VĐV, HLV đội tuyển quốc gia.Tất cả trang thiết bị mà ngành thể thao muốn mua sắm chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia phục vụ thi đấu các giải trong năm đều phải theo Thông tư đã quy định này. Trong 52 đề mục về các quy định được phép sắm sửa, trang bị cho 52 môn thể thao, môn võ gậy lại không có trong danh mục.
Đội tuyển võ gậy Việt Nam vừa thi đấu giải tiền SEA Games 32 ở Campuchia và giành được kết quả 8 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ. Số đông tuyển thủ đội tuyển võ gậy Việt Nam là các võ sĩ theo tập môn pencak silat và được chuyển sang tập luyện, làm quen với môn thể thao có nguồn gốc xuất xứ từ Philippines này. Tại SEA Games 32, môn võ gậy có 8 bộ huy chương đối kháng và 4 bộ huy chương biểu diễn đưa vào tranh tài chính thức.
Theo SGGP Online