Shotokan là một lưu phái Karate lớn trên thế giới. Thời trẻ, sáng tổ của lưu phái Shotokan ông Gichin Funakoshi đã từng luyện tập 2 phái võ karate nổi tiếng nhất vùng Okinawa thời đó là Shōrei-ryūvà Shōrin-ryū. Sau nhiều năm tập luyện, Funakoshi đã tạo ra một phong cách riêng là sự kết hợp của cả hay phái ông từng tập.
Ông chưa bao giờ đặt tên cho lối đánh của mình và chỉ gọi nó là “karate”. Karate của Funakoshi phản ánh sự thay đổi trong nghệ thuật của Ankō Itosu, trong đó phải kể tới Heian/Pinan kata. Funakoshi đã đổi tên một số bài kata trong ngôn ngữ địa phương vùng Okinawa để người Nhật Bản có thể dễ phát âm nó hơn.
Lịch sử Karate hiện đại ghi nhận những nỗ lực của Gichin Funakoshi, cùng với sự trợ giúp của con trai ông là Gigo (Yoshitaka) Funakoshi, thông qua các buổi biểu diễn trước công chúng và thúc đẩy phát triển các câu lạc bộ karate ở các trường đại học, trong đó có Keio, Đại học Waseda, Đại học Hitotsubashi (Shodai), Đại học Takushoku, Đại học Chuo, Đại học Gakushuin và Đại học Hosei, nhằm phổ biến rộng rãi bộ môn Karate đến công chúng. Qua những lần biểu diễn này, Funakoshi đã thu nạp được nhiều môn sinh là sinh viên các trường đại học.
Năm 1936, Gichin Funakoshi lập ra võ đường đầu tiên của mình lấy tên là Shotokan (Tùng đào quán) tại Mejiro, Toshima, Tokyo. Shoto, trong tiếng Nhật có nghĩa là “cây tùng và ngọn sóng lớn” (sự rung động của lá thông khi sóng gió thổi qua), và cũng là bút danh của Funakoshi[1] mà ông sử dụng trong các tác phẩm thi ca và triết học của ông cùng với thư cho các học sinh của mình. Chữ kan nghĩa là “quán”.
Sau này, mặc dù võ đường đã bị phá hủy vào năm 1945 trong một cuộc không kích của Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Funakoshi vẫn tiếp tục truyền bá và giảng dạy Karate cho đến khi qua đời năm 1957. Để vinh danh người thầy của mình, các môn sinh của Funakoshi đã tạo ra tên gọi shōtō-kan, đặt làm bảng hiệu trên lối vào của hội trường, nơi Funakoshi giảng dạy. Gichin Funakoshi thực chất chưa bao giờ đặt tên cho trường phái của mình, ông vẫn chỉ gọi nó là karate.
Tuy nhiên, về sau do nội bộ bất đồng (do quan niệm rằng sự cạnh tranh là đi ngược lại bản chất của karate) dẫn tới sự tách riêng và thành lập của hai tổ chức khác. Hai tổ chức này được gọi là Hiệp hội Karate Nhật Bản (do Masatoshi Nakayama thành lập) và Shotokai (do Motonobu Hironishi và Shigeru Egami thành lập). Sau đó đã dẫn tới sự hình thành của nhiều tổ chức, hiệp hội khác nên không chỉ tồn tại một “trường Shotokan” đơn lẻ, mặc dù tất cả đều chịu ảnh hưởng từ phong cách của Funakoshi. Là trường lớn nhất, Shotokan được coi là trường mang nhiều ảnh hưởng và phong cách truyền thống nhất giới karate-do.
Đặc điểm của Shotokan
Shotokan chú trọng luyện tập vào 3 phần chính: kihon (cơ bản), kata và kumite. Các kỹ thuật trong kihon và kata chú trọng tấn sâu, dài và vững chắc để có thể ổn định đồng thời tối đa hóa sức mạnh các đòn đánh, cũng như sức mạnh của bộ cước. Shotokan thường được coi là một kiểu võ ‘có cương có nhu’. Môn võ được dạy theo cách cho người mới bắt đầu bằng những màu đai khác nhau để phát triển kỹ thuật theo từng mức trình độ khác nhau. Những môn sinh đạt tới cấp độ đai màu nâu và màu đen được luyện tập nhiều hơn các phong cách uyển chuyển kết hợp vật, khóa và một số giống như kỹ thuật của môn Aikido, có thể nhận thấy điều này trong các bài kata của đai đen. “Kumite” chính là việc vận dụng các kỹ thuật này trong chiến đấu nhưng không theo một trình tự nhất định và cần sự tập trung vào tốc độ và hiệu quả.
Đạo trong Shotokan
Gichin Funakoshi đã đặt ra Hai mươi giới luật của Karate. Điều này đã tạo nền tảng cho một số môn sinh của ông sau này thành lập nên JKA. Hai mươi giới luật dựa chủ yếu vào Bushido và Thiền đạo, đều nằm trong triết lý của Shotokan. Các nguyên tắc chủ yếu ám chỉ đến sự khiêm tốn, tôn trọng người khác, lòng từ bi, tính kiên nhẫn, và sự bình tĩnh ở cả ngoại độ lẫn nội tâm. Funakoshi tin rằng thông qua luyện tập karate và áp dụng 20 nguyên tắc này trong cuộc sống, người tập võ sẽ cải thiện nhân cách của họ.
Dojo kun là danh sách năm quy tắc triết học đào tạo trong võ đường, mục đích nhắc nhở các môn sinh luôn hoàn thiện nhân cách, trung thành, tôn trọng người khác, không ngừng nỗ lực và không dùng bạo lực. Dojo Kun thường được treo trên tường ở một số võ đường và câu lạc bộ của Shotokan.
Funakoshi đã viết: “Mục đích tối thượng của Karate không phải nằm ở chiến thắng hay thất bại mà chính là sự hoàn thiện nhân cách của những ai luyện tập nó.”
Tô Thiện (sưu tầm)