Taekwondo Việt Nam: “Đi tìm huy chương đối kháng”

Taekwondo Việt Nam trở lại hội nhập với thể thao khu vực qua SEA Games 1991. Từ thời điểm đó đến nay, nội dung đối kháng luôn chiếm nhiều HCV cho đoàn thể thao VN ở đấu trường này. Thế nhưng, vì sao đã 16 năm trôi qua chúng ta vẫn chưa có VĐV chiếm được vị trí xứng đáng ở hai đấu trường cao hơn là Olympic và ASIAD?

CLB Taekwondo Thần Châu: Thương hiệu chuyên nội dung đối kháng
Đợt ra quân đầu tiên của Taekwondo Việt Nam trong năm 2017
MỘT THỜI VINH QUANG

Sau khi Trần Quang Hạ mở đầu với HCV đối kháng hạng cân 58kg tại SEA Games 16 (1991), qua SEA Games 17 đến lượt Nguyễn Đăng Khánh được đứng trên bục cao nhất. Những VĐV từng đoạt HCV của các kỳ SEA Games tiếp theo còn có: Nguyễn Thị Xuân Mai, Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Thị Kim Nga, Hồ Nhất Thống, Khúc Liễu Châu, Phan Tấn Đạt, Trần Thị Ngọc Bích, Cao Trọng Chinh, Đỗ Thị Bích Hạnh, Nguyễn Trọng Cường, Nguyễn Thị Hoài Thu, Lương Minh Đạt, Dương Thanh Tâm, Hà Thị Nguyên, Phạm Thị Thu Hiền, Lê Huỳnh Châu, Nguyễn Văn Duy, Trương Thị Kim Tuyền.

ho
Hồ Nhất Thống và tấm HCV Asiad 1998. Đây là tấm HCV gần nhất của Taekwondo Việt Nam sau 18 năm tại đấu trường này.

Riêng Nguyễn Văn Hùng còn được báo giời tặng biệt danh “Độc cô cầu bại” với 5 HCV liên tiếp ở các SEA Games từ 1999 đến 2007 và gần như không có đối thủ trên đấu trường Đông Nam Á, “Cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền Diệu cũng không kém với 4 HCV liên tiếp ở các SEA Games từ 1999 đến 2005, diễn viên điện ảnh Long Điền hiện nay cũng đã từng nhận HCV SEA Games 22 cách đây 13 năm trên sân nhà.

Ở đấu trường ASIAD, hai gương mặt được vinh danh nhờ đoạt HCV là Trần Quang Hạ (ASIAD 12 năm 1994 tại Nhật Bản) và Hồ Nhất Thống (ASIAD 13 năm 1998 tại Thái Lan). Với thành tích HCĐ ở Giải vô địch Taekwondo thế giới tại Philippines năm 1995, Trần Thị Mỹ Linh là nữ VĐV duy nhất của VN xuất sắc đoạt huy chương đối kháng tại giải chuyên nghiệp thế giới. Đặc biệt, thành tích nổi bật thuộc về Trần Hiếu Ngân đoạt HCB Olympic lần đầu tiên và duy nhất tính đến nay cho Taekwondo Việt Nam tại Thế vận hội Sydney 2000.

NHỮNG ĐỀ NGHỊ CỤ THỂ

Tuy vậy, trong hơn 16 năm qua – qua 4 kỳ Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008, Luân Đôn 2012 và Rio de Janeiro 2016 – nội dung đối kháng của Taekwondo Việt Nam không những không thay đổi được màu huy chương của Trần Hiếu Ngân, mà mục tiêu đoạt huy chương Olympic ngày càng xa vời. Thậm chí, Taekwondo VN còn không đoạt được vé nào để dự Olympic Rio de Janeiro 2016.

hieu-ngan
Tấm HCB ở nội dung đối kháng Olympic Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân vẫn là danh hiệu cao quý nhất của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Một số võ sư am hiểu tình hình hoạt động của Taekwondo VN cho rằng, những năm gần đây nội dung đối kháng không đạt được thành tích mong muốn có nhiều nguyên nhân từ phía các nhà quản lý lẫn người điều hành chuyên môn. Chỉ riêng việc điều hành chuyên môn, các võ sư này cũng đưa ra một số kinh nghiệm ở các nước khác và có đề nghị một số việc phải được xem xét lại thấu đáo:

+ Có giải tuyển chọn riêng: Ở nhiều nước, thường có một giải tuyển chọn riêng để tìm ra VĐV tham dự các giải quốc tế chính thức. Đơn cử như Singapore là nước có trình độ Taekwondo thuộc hàng yếu nhất của khu vực Đông Nam Á, nhưng khi nhận đăng cai SEA Games năm 2015 thì ngay từ trước năm 2013 đã chọn tập trung những VĐV tốt nhất ở mỗi hạng cân để đấu “giải tuyển chọn”. Những VĐV này thi đấu với nhau liên tục trong quá trình 2 năm để hội đồng tuyển chọn loại dần, cuối cùng chọn giữ lại 4 VĐV để đầu tư sâu hơn (cho đi tập huấn nước ngoài, tiếp tục thi đấu với nhau để chọn ra VĐV nào biết vượt lên, duy trì được khả năng thi đấu ở cường độ cao, có kỹ thuật khó và khối lượng nhiều). Kết quả là nước yếu nhất này vẫn có được một số thành tích nhất định trong SEA Games.

Vì vậy có đề nghị; Hệ thống giải thi đấu quốc gia của chúng ta cũng nên mở rộng để có nhiều đơn vị, nhiều VĐV được tham dự, với mục đích chính là để phát hiện tài năng và cho tập trung dài hạn để loại dần như cách làm ở “giải tuyển chọn” nêu trên. Việc chọn VĐV thi đấu các giải quốc tế chính thức phải có hội đồng tuyển chọn công khai và minh bạch bằng văn bản cụ thể, thông báo rộng rãi đến từng địa phương.

+ Lợi thế hạt giống khi thi đấu: Các tổ chức Taekwondo quốc tế đều đã cho áp dụng hệ thống tính điểm trong các giải quốc tế để xếp hạng (ranking) cho từng VĐV, lấy cơ sở này để xếp hạt giống mỗi cuộc thi đấu chính thức. Như vậy, mỗi VĐV chuyên nghiệp cần được Nhà nước và chính mình tự đầu tư để tích lũy điểm qua việc tham dự các giải quốc tế nhiều hơn. Nếu không xúc tiến việc này, các VĐV của chúng ta sẽ rất thiệt thòi khi bốc thăm thi đấu.

+ Chọn mục tiêu phù hợp với trình độ VĐV: Việc đoạt được huy chương Olympic không hề dễ dàng, như trường hợp một VĐV trẻ của Campuchia đoạt HCV ASIAD và đứng nhất giải tuyển chọn khu vực châu Á nhưng khi được dự Olympic vẫn “tay trắng ra về”. So sánh với mặt bằng chung, về mức độ đầu tư cũng như trình độ VĐV chúng ta trong những năm gần đây (không có huy chương ở giải vô địch thế giới, không có HCV ở ASIAD và giải châu Á) là chưa thế giành được huy chương tại đấu trường Olympic được. Thế mà, mục tiêu “Phấn đấu đổi màu huy chương Olympic” đã được Taekwondo VN đặt ra tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Trong lúc Hiếu Ngân đã đoạt HCB Olympic Sydney năm 2000 thì Olympic 2016 phải đổi màu thành… HCV!

Lý ra cần phải đặt mục tiêu vừa phải là “giành suất dự Olympic” thôi, chọn hạng cân thích hợp, và ưu tiên dồn sức để có thể chiếm suất ở giải tuyển chọn của châu Á (có hạng cân chỉ có 8 VĐV dự tuyển) thay vì lao vào giải tuyển chọn của thế giới mà mình “không thể có cửa”. Thực tế, chúng ta đã tụt dốc đến độ… không thể có mặt ở Olympic 2016.
+ Chỉ đạo theo… luật cũ: Có tình trạng HLV của chúng ta vẫn còn lơ là trong việc nắm luật lệ, luật đã đổi mà cứ dặn dò học trò của mình theo… luật cũ!. Một võ sư kể: “Trong một giải đấu quốc tế, có cả HLV đội tuyển quốc gia của mình không nắm chắc luật khiếu nại nên bị thu thẻ luôn”. Luật mới khuyến khích tấn công, quy định chỉ cần 5 giây nhảy tại chỗ thì trọng tài bắt đầu nhẩm thêm 10 giây nữa mà VĐV vẫn không tấn công trước thì bị trừ điểm. Vậy mà có HLV cứ tập cho học trò “câu giờ” khi hơn điểm, kết quả là sau đó bị trừ điểm để… thua cuộc!

Như đã nêu ở trên, khi trình độ VĐV chưa thật vượt trội, việc đi tìm huy chương đối kháng Taekwondo ở các đấu trường châu lục và thế giới ở thời điểm này là cực kỳ khó khăn. Không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, các nhà quản lý thể thao cấp Nhà nước cần hiểu tiềm năng rất lớn của bộ môn này để có hướng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, chỉ đạo và phân nhiệm hợp lý cho bộ môn ở Tổng cục TDTT và Liên đoàn mới mong tìm lại được vị thế của Taekwondo Việt Nam như trước đây.

Bài: CHU NGỌC – Vothuat.vn