VĐV Taekwondo Việt Nam bất bình trước mức khen thưởng khó hiểu

Nhiều VĐV giành huy chương tại giải vô địch quyền Taekwondo thế giới 2016 bị xếp vào lứa tuổi trẻ nên nhận mức thưởng thấp hơn hẳn.

Taekwondo Văn Lý: Điểm sáng trong phong trào tập luyện Taekwondo tại TP.HCM

Hành động đẹp của võ sĩ Taekwondo Việt Nam sau khi K.O võ sĩ Hàn Quốc

Quyết định khen thưởng từ Tổng cục TDTT cho thành tích đạt được tại giải vô địch thế giới năm 2016 khiến các thành viên đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam phản ứng.

Theo các VĐV và ban huấn luyện, mức khen thưởng lần này không đúng với phân cấp ở các lứa tuổi. Cụ thể, võ sĩ Nguyễn Đình Khôi giành HC bạc quyền sáng tạo cá nhân nam lứa tuổi trên 17 (từ 18 tuổi trở lên là lứa tuổi senior), nhưng lại được phân cấp thưởng ở lứa tuổi trẻ junior (dưới 17 tuổi), nên chỉ được thưởng 14 triệu đồng. Nếu được xếp ở lứa tuổi senior, mức thưởng mà Khôi nhận cho chiếc HC bạc là 35 triệu đồng.

Châu Tuyết Vân, 26 tuổi, giành HC bạc ở hai nội dung: quyền tiêu chuẩn đồng đội nữ lứa tuổi senior 1 U30 (từ 18 tuổi đến 30 tuổi) cùng Nguyễn Thị Lệ Kim và Liên Thị Tuyết Mai; quyền đồng đội sáng tạo (năm VĐV chính thức, một VĐV dự bị). Với chiếc huy chương đầu, ba VĐV được nhận thưởng 35 triệu đồng mỗi người. Nhưng với chiếc huy chương sau, Tuyết Vân và đồng đội lại chỉ nhận thưởng 16 triệu đồng mỗi người.

Châu Tuyết Vân giành hai huy chương bạc đồng đội tại giải vô địch quyền taekwondo thế giới 2016. Ảnh: Nguyên Phương.
Châu Tuyết Vân giành hai huy chương bạc đồng đội tại giải vô địch quyền taekwondo thế giới 2016. Ảnh: Nguyên Phương.

Bộ môn Taekwondo đã phản ánh những khúc mắc này lên cấp trêm và nhận được câu trả lời rằng VĐV dưới 21 tuổi phải theo quy định khen thưởng ở lứa tuổi trẻ.

 “Việc áp dụng quá máy móc khiến các VĐV chịu thiệt. Mỗi môn quy định tuổi trẻ khác nhau ví dụ môn judo là dưới 20, ở Taekwondo là cadet (thiếu niên là 12-14), junior (trẻ 15-17) và senior (là 18 tuổi trở lên). Họ thi đấu ở lứa tuổi senior theo điều lệ giải vô địch quyền Taekwondo thế giới 2016. Tất nhiên, lứa tuổi này sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn”, HLV trưởng đội tuyển quyền Taekwondo Nguyễn Thanh Huy phân trần.

Nguyễn Đình Khôi (ngoài cùng bên trái), một VĐV trẻ đầy tiềm năng cũng bị đối xử bất công trong lần khen thưởng này.
Nguyễn Đình Khôi (ngoài cùng bên trái), một VĐV trẻ đầy tiềm năng cũng bị đối xử bất công trong lần khen thưởng này.

Ông nói thêm: “Võ sĩ đã 18 tuổi và thi đấu ở lứa tuổi senior vô địch thì không thể được phân cấp khen thưởng ở lứa trẻ. Còn Châu Tuyết Vân, 26 tuổi, giành hai HC bạc, lại được thưởng ở hai cấp khác nhau: một nội dung được lãnh theo mức senior vô địch, một nội dung lãnh mức VĐV trẻ dưới 21 tuổi. Trong khi đó, ở những đợt khen thưởng cho các giải thế giới và châu Á trước đây, Tuyết Vân đều nhận khen thưởng đúng quy định của lứa tuổi vô địch”.

Cũng nhân dịp này, HLV Nguyễn Thanh Huy đề cập đến nhiều bất cập khác trong công tác khen thưởng các VĐV Taekwondo: “Ở nội dung thi quyền là thi về kỹ thuật, do đó VĐV được sắp xếp theo thứ tự điểm từ trên xuống dưới. Và theo điều lệ thì WTF sẽ khen thưởng cho các VĐV từ hạng 1 đến hạng 4 (huy chương vàng, huy chương bạc và 2 huy chương đồng) gồm được lên bục nhận giấy chứng nhận thành tích và huy chương. Còn từ hạng 5 đến hạng 8 vẫn được, WTF khen thưởng bằng giấy chứng nhận thành tích. Mỗi lần vậy, HLV Việt Nam lại phải đi “chạy” nhờ Ban tổ chức in lại giấy chứng nhận là HCĐ chứ không phải là hạng tư. Nếu lỡ xếp hạng tư mà nhận cái giấy chứng nhận hạng tư về thì sẽ không được “xét” nhận thưởng”. Có thể thấy, những vấn đề về bất đồng thuật ngữ, thiếu tìm hiểu chuyên sâu vào đặc thù bộ môn cũng trực tiếp khiến công tác khen thưởng gặp nhiều sai sót.

15871080_10208353138493622_973127010_n
Châu Tuyết Vân đại diện các đồng đội gửi đơn kiến nghị lên cấp trên.

15840928_1304242679598359_513952184_n

Những bất cập trên không chỉ thể hiện một số cách làm máy móc vẫn còn tồn đọng trong hệ thống quản lý thể thao mà còn để lại những áp lực vô hình lên tinh thần các VĐV – vốn đã là những người mang gánh nặng tâm lý trong việc duy trì và cải thiện thành tích thể thao quốc gia. Đây không chỉ là câu chuyện tiền bạc, mà còn là một tiền lệ xấu, dễ khiến nhiều VĐV nản lòng trên con đường hi sinh và cống hiến.

Thể thao vốn nổi tiếng là con đường liều lĩnh và đòi hỏi hi sinh. Những chế độ đãi ngộ, khen thưởng luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng lực lượng VĐV thể thao thành tích cao, trong đó có Taekwondo.

Nguồn: VNExpress