Từ xa xưa, các bậc thầy võ Việt Nam đã luôn gọi môn võ của các bậc cha anh truyền lại là Võ Việt Nam, nghĩa là muốn xác định rõ ràng đây là loại võ thuật do người Việt Nam đã sáng tạo để tự tồn và phát triển.
Nhiều thầy võ đã gọi Võ Việt Nam bằng một tên gọi khá thân thường là Võ Ta, tức môn võ của chúng ta – là những người Việt Nam. Gọi là Võ Việt Nam hay Võ Ta là cách gọi để minh định giữa võ thuật của chính người Việt Nam đã sáng tạo, nhằm phân biệt với võ thuật Trung Quốc, loại võ thuật của kẻ đã đặt lên đất nước Việt Nam ách cai trị suốt 1.000 năm.
Sang thời Pháp đô hộ, người Pháp gọi Võ Việt Nam là Võ An Nam, nghĩa là võ thuật của người An Nam, bởi người Pháp gọi người Việt Nam là Annammite. Gọi là võ An Nam để phân biệt loại võ thuật đã từng góp phần thúc đẩy người Việt Nam chống lại sự xâm lược và đô hộ của người Pháp với các loại võ khác mà người Pháp du nhập vào Việt Nam từ năm 1925 để mê hoặc thanh niên Việt Nam, cũng như góp phần tiêu diệt một bản sắc văn hóa “đáng sợ” của người Việt Nam: Võ Việt Nam. Năm 1938, ngay khi người Pháp còn đang cai trị Việt Nam, cố võ sư Nguyễn Lộc đã lấy vật Việt Nam làm căn bản tạo thành một môn võ mới cho người Việt, đã có ý muốn khôi phục lại tên gọi võ Việt Nam qua cách gọi môn võ mới mà ông sáng lập là Vovinam.
Thời Mỹ, các thầy võ vẫn gọi là Võ Việt Nam, nhưng khi thi đấu giao hữu với các nước bạn trong khu vực (Thái Lan, Lào, Campuchia, Hong Kong…) thì Võ Việt nam đã được gọi theo tên cách thi đấu quốc tế là Kick Boxing (dịch là Võ Tự do), bởi vì luật thi đấu khá thoải mái, có thể thi triển mọi đòn thế, không bị gò bó như nhiều môn võ khác. Tuy vậy, tên gọi Võ Việt Nam (The Martial Arts of Vietnamese, Vietnam martial arts) vẫn được mọi người trong và ngoài nước gọi để chỉ võ thuật đặc thù của người Việt Nam. Ngay cả các võ sĩ Thái Lan khi tiếp thu một đòn đánh độc hiểm của Võ Việt Nam vẫn đặt tên là “cùi chỏ Võ Việt Nam” chứ không phải là cái tên nào khác.
Từ năm 1991 đến nay, võ Việt Nam được gọi là Võ cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, do thói quen nói tắt, cho nên không ít người đã gọi “Võ cổ truyền Việt Nam” thành “Võ cổ truyền”. Nhưng rõ ràng là gọi “Võ cổ truyền” thì chưa chính xác, bởi nhiều dân tộc trên thế giới đều có võ cổ truyền. Chẳng hạn như nhìn vào ảnh số 1, khi thấy “Võ cổ truyền Russia”, người ta có thể nghĩ rằng đây là võ cổ truyền của nước Nga, của người Nga.; khi nhìn vào cụm từ “Võ cổ truyền huyện Điện Bàn”, người ta sẽ nghĩ rằng đây là loại võ thuật xưa truyền lại ở huyện Điện Bàn… chứ không phải đó cũng chính là Võ cổ truyền Việt Nam đang truyền bá tại huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam… Vậy thì cần phải gọi chính xác là Võ cổ truyền Việt Nam, chứ không nên gọi là Võ cổ truyền như một số người.
Nhưng tại sao cứ phải gọi là “Võ cổ truyền Việt Nam” trong lúc người xưa gọi là “võ Việt Nam” mà chúng ta lại chưa chịu gọi đúng như vậy? Gọi “Võ Việt Nam” vừa là truyền thống, vừa chính xác, vừa cho người nước ngoài cũng dễ gọi… Hơn thế, hai từ “cổ truyền” trong tên gọi “Võ tổ truyền Việt Nam” khiến cho nhiều người, nhất là giới trẻ Việt Nam hiện nay, lầm tưởng rằng môn võ này hoàn toàn giống như thời xa xưa, bởi vì nó đã được “cổ truyền”, và như vậy là “Võ Cổ Truyền Việt Nam” e rằng không còn phù hợp với tâm sinh lý và điều kiện sống của con người và xã hội hiện đại. Từ đó, không ít người đã quay lung lại với “Võ cổ truyền Việt Nam”. Trong khi thực tế, trong suốt quá trình lịch sử, Võ Việt Nam đã luôn luôn tiếp thu tinh hoa của các nền võ thuật khác để bổ sung cho tài sản võ thuật Việt Nam ngày thêm phong phú, theo kịp nhịp thở của mọi thời đại. Hiện nay, Võ Việt Nam đã và đang được phổ biến khắp các châu lục với nhiều tên gọi khác nhau (Võ Việt Nam, Võ Việt, Võ đạo Việt nam, Vivodo, Việt kunfu, Việt boxing…), nhưng mọi người trên hành tinh đều gọi chung một tên gọi là Vietnamese martial arts, tức là Võ Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ năm 1979, khi hoạt động võ thuật chính thức được khôi phục trở lại, các võ sư dạy võ Việt Nam chưa có một tổ chức riêng, mà đã phải hoạt động chung với các võ sư người Việt dạy võ Trung Quốc (thường gọi là Võ Thiếu Lâm) trong Hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Thiển nghĩ, tên gọi Võ Việt nam là Võ cổ truyền Việt Nam không còn chính xác nữa, bởi lý do thứ nhất đã bị mọi người gọi tắt thành Võ cổ truyền (nghĩa là võ thuật xưa truyền lại, làm cho người ta lầm tưởng có thêm một thứ mang tên Võ cổ truyền); lý do thứ hai là cần phải tách riêng Võ Việt Nam ra khỏi Võ Trung Quốc thì mới có cơ hội mạnh dạn đề nghị Nhà Nước Việt Nam công nhận Quốc võ được, bởi chính Võ Việt Nam mới là thứ võ mà cha ông người Việt đã sáng tạo và sử dụng suốt chiều dài lịch sử đất nước để dân Việt ai cũng tự hào, nhất là giới trẻ, từ đó chuyển hóa thành lòng yêu nước nồng nàn: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” như đã thể hiện trong lịch sử! Đó là chưa kể đến việc Võ Việt Nam đứng chung một hội với Võ Trung Quốc sẽ có thể bị xem là vi phạm bản quyền đối với chùa Thiếu Lâm ở Trung Quốc, vì chùa này đã đăng ký độc quyền trên toàn thế giới tên gọi môn võ xuất phát từ chùa này là Võ Thiếu Lâm (Shaolin Kung Fu).
Cho nên việc thống nhất tên gọi Võ Việt Nam là một việc cần làm ngay, vừa thấy được sức mạnh của sự lan tỏa Võ Việt Nam không thua kém bất cứ môn võ nào trên thế giới, vừa không hổ thẹn với các bậc cha anh đã dày công gây dựng, hoàn thiện và lưu truyền từ bao đời nay. Điều này cũng góp phần tạo nên nội lực tự sinh trong tâm khảm mọi người Việt Nam, nhất là giới trẻ, để mạnh dạn xông xáo trên mặt trận bảo vệ biên cương và biển đảo của tổ quốc, hăng hái tiến lên trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Võ sư Hồ Tường
Tiến sĩ Văn hóa học