(VoThuat.vn) – Đó là những tâm tư mà Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, một người luôn luôn đặt hết tâm huyết trong các hoạt động TDTT của cộng đồng người khuyết tật từ năm 2004 tới nay, tính riêng bộ môn Judo, dù đã có 17 năm hình thành và phát triển, Judo người khiếm thị vẫn chưa có nhiều đột phá, đó cũng là thực trạng chung của phong trào thể thao người khuyết tật tại thời điểm hiện tại.

TDTT là dành cho mọi người, mọi tầng lớp, mỗi người chúng ta dù như thế nào cũng có quyền được tập luyện, thi đấu, đằng sau mỗi tấm huy chương cũng là một câu chuyện của máu, mồ hôi, nước mắt và sự cố gắng không ngừng nghĩ. Vì vậy, dù còn gặp nhiều khó khăn về phương diện cơ sở vật chất tập luyện, cũng như số lượng VĐV tập luyện và tham gia thi đấu, nhưng các tổ chức xã hội cùng những người phát triển phong trào TDTT của cộng đồng người khuyết tật nói chung và Judo người khiếm thị nói riêng đã cố gắng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, giải đấu mang tính nhân văn, nhằm giúp các VĐV đặc biệt có cơ hội tập luyện, thi đấu để minh chứng năng lực và giá trị bản thân của mình đối với xã hội.

Những ngày qua, kể từ khi kết thúc một kỳ nghỉ lễ dài, trước đó là chuỗi sự kiện Giải Cúp các CLB Judo người khiếm thị, Quần vợt xe lăn, Boccia và Bóng đá người khiếm thị toàn quốc năm 2021. Chúng tôi mới có dịp nhìn lại để nói về giải đấu đặc biệt của những VĐV đặc biệt này. Vì sao gọi họ là “đặc biệt”, vì cơ bản họ không như những người bình thường chúng ta, mà họ chính là những con người không chịu khuất phục với hoàn cảnh, họ là những người có thể bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng rất giàu về ý chí và nghị lực vươn lên, họ càng không phải là gánh nặng của xã hội, mỗi ngày trôi qua những VĐV đặc biệt này vẫn tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời.

Chính thể thao nói chung và võ thuật nói riêng đã và đang làm điều đó, thực tế cho thấy đây là một phần không thể thiếu trong đời sống của người khuyết tật giúp họ tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động chính là thực hiện mục tiêu bình đẳng xã hội, hòa nhập với cộng đồng, những giải thi đấu cho dù là phong trào cũng đều là sân chơi bổ ích mang tính nhân văn cần được lan toả và phát triển, bởi bất kỳ ai cho dù là người khuyết tật cũng có nhu cầu chứng minh bản thân mình trong xã hội. Nếu so sánh hình ảnh những VĐV bình thường khổ luyện hàng ngày, trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và máu để đánh đổi những giây phút vinh quang chỉ để đóng góp một phần nhỏ cho thành tích thể thao nước nhà và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè khắp năm châu thế giới tại các sự kiện thể thao quốc tế, thì hình ảnh của những VĐV đặc biệt không chỉ có thế, mà còn lan tỏa những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn, họ thực sự là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực sống phi thường để tất cả chúng ta học tập và noi theo.

Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam

Nhắc đến các sự kiện võ thuật dành cho người khuyết tật, dường như Judo TP.HCM đã và đang là bộ môn tiên phong trong phong trào phát triển thể thao người khuyết tật tính đến thời điểm hiện tại, được sự giới thiệu từ ông Bùi Khắc Lâm – Chủ tịch Liên đoàn Judo TP.HCM, chúng tôi đã liên hệ với Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam, ông được coi là một trong những người nhiệt huyết và có kinh nghiệm trong việc tổ chức, hỗ trợ các hoạt động thể thao của cộng đồng người khuyết tật từ năm 2004 tới nay, để trao đổi và có cơ hội hiểu hơn nữa trong phong trào thể thao người khuyết tật.

* Chào Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, với tình hình thực trạng chung hiện nay, theo ông để phát triển phong trào TDTT người khuyết tật nói chung và Judo cho người khiếm thị nói riêng, bản thân chúng ta cần làm điều gì để phong trào được lan toả rộng hơn?

– Dù đã có 17 năm hình thành và phát triển, thế nhưng phong trào Judo người khiếm thị vẫn chưa có nhiều đột phá. Tổng số lượng người khiếm thị chơi Judo tại TPHCM chỉ khoảng 120 người, trong đó có khoảng 30 người có thể thi đấu các giải quốc gia và quốc tế. Trong những năm qua, các VĐV luôn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện cũng như chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Để phát triển phong trào thể thao người khuyết tật, tôi cho rằng có 3 việc phải làm ngay, đó là: “Sân bãi – Nhân lực – Nhận thức”.

*Cụ thể vấn đề đầu tiên là “sân bãi” sẽ như thế nào thưa ông?

Cần chia sẻ sân bãi, cơ sở vật chất TDTT của người bình thường cho người khuyết tật được sử dụng tập luyện. Điều này thoạt nhiên nghe thì thấy đơn giản, bởi Luật Người khuyết tật, Luật TDTT, Đề án trợ giúp người khuyết tật của Chính phủ và nhiều văn bản pháp luật đã quy định những điều phải hỗ trợ cho người khuyết tật trong hoạt động TDTT. Nhưng thực tế, các văn bản pháp lý này chưa hoàn toàn đi vào thực tiễn, nhận thức chung của xã hội về người khuyết tật cũng còn rất hạn chế nên người khuyết tật được tiếp cận tập luyện thể thao trên các sân bãi tập luyện của người bình thường vẫn còn rất khó khăn.

*Vậy còn đối với nguồn “nhân lực” hiện tại dành cho phong trào thể thao người khuyết tật?

Thực tế hiện nay, Đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên TDTT người khuyết tật vẫn còn rất thiếu thốn, cần kiện toàn và bổ sung đào tạo liên tục. Mặc dù chúng ta vẫn có các HLV thể thao khuyết tật nhưng có thể thấy đa phần đó đều là những con người nhiệt huyết vừa tham gia huấn luyện vừa tự học hỏi. Chưa có một đội ngũ HLV TDTT người khuyết tật được đào tạo bài bản, chính quy, chưa có một cơ quan nào thực hiện điều này thường xuyên và liên tục. Các trường đại học TDTT cả nước chưa có giảng dạy Bộ môn Thể thao người khuyết tật, Hiệp hội Paralympic Việt Nam cũng chưa có chương trình, tiêu chuẩn đào tạo HLV.

Do đó, cần đưa Bộ môn Thể thao người khuyết tật vào chương trình đào tạo cử nhân thể thao, đồng thời ở góc độ chuyên ngành Hiệp hội Paralympic Việt Nam cần có các Khoá đào tạo chuyên sâu về từng môn thể thao, huấn luyện từng dạng khuyết tật khác nhau.

*Chúng ta cần có những “nhận thức” như thế nào đối với thể thao người khuyết tật, thưa ông?

Hiện nay nhận thức của xã hội về thể thao khuyết tật rất “đa chiều” và nhiều ý kiến khác biệt. Có ý kiến cho rằng đây là hoạt động thiện nguyện, từ thiện? Ý kiến khác lại cho rằng HLV Thể thao người khuyết tật phải là “1 nghề”? Hay về mức độ đầu tư, một số quan điểm cho rằng đây chỉ là TDTT quần chúng? Tuy nhiên cũng có ý khác khẳng định với những thành tích Paragames, ParaAsiads và Paralympics hiện nay của các VĐV khuyết tật thì chính là hướng đầu tư thể thao thành tích cao?…

Do vậy, việc cấp thiết hiện nay là các cơ quan hữu quan về thể thao người khuyết tật cần thống nhất quan điểm, nhận thức. Vì điều này sẽ là định hướng xã hội rất hiệu quả cho hướng đi, hướng phát triển của thể thao người khuyết tật của chúng ta. Ví dụ: Nếu chúng ta xác định huấn luyện thể thao người khuyết tật là một nghề thì buộc các trường, viện, trung tâm phải đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hay nếu xác định đây là mảng thể thao thành tích cao thì nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp, nếu là hoạt động xã hội hoá thì buộc để nhu cầu xã hội tự điều chỉnh cho sự phát triển.

Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa cùng với toàn thể BTC, trọng tài tại giải Cúp các CLB Judo người khiếm thị toàn quốc năm 2020

——————–

*Vậy sắp đến ASEAN Para Games, ngoài giải Judo người khiếm thị toàn quốc 2021 – Cúp Minh Quang Mekong vừa diễn ra trong chuỗi sự kiện thể thao Giải Cúp các CLB người khiếm thị toàn quốc năm 2021, thì bộ môn Judo đã có kế hoạch để tổ chức thi đấu và phát triển thêm phong trào trong tương lai nữa hay chưa ?

Trong năm nay, dự kiến tháng 9 sẽ có Giải Judo người khiếm thị Thành phố mở rộng năm 2021. Đây là sự kiện thường niên dành cho các VĐV khiếm thị toàn Thành phố và các tỉnh thành lân cận tham gia tranh tài.

Về phát triển phong trào Judo người khiếm thị trong những năm tiếp theo, chúng tôi kiên trì nhiệm vụ kêu gọi chia sẻ sân tập Judo để ngừoi khiếm thị có thể đến tập luyện hoà nhập. Dĩ nhiên để hiệu quả theo hướng này, rất cần sự phối hợp của Sở LĐ TBXH, Sở GDĐT, Sở VHTT, Liên đoàn Judo Thành phố, các doanh nghiệp xã hội và các chi hội Judo quận, huyện.

Và đến năm 2021 tại chuỗi sự kiện Giải Cúp các CLB Judo người khiếm thị, Quần vợt xe lăn, Boccia và Bóng đá người khiếm thị toàn quốc năm 2021

——————–

*Việc kêu gọi các đơn vị tài trợ cho những giải đấu người khuyết tật nói chung, cũng như người khiếm thị nói riêng có gặp khó khăn không thưa ông?

Có thể thấy nhiều năm để phong trào thể thao người khuyết tật phát triển chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tuy vậy, thực tế cho thấy nhận thức của những người đang làm phong trào thể thao người khuyết tật vẫn chưa thấy rõ tài trợ chính là sự cộng hưởng hiệu quả thành công cho 2 bên (phong trào thể thao người khuyết tật và cả thương hiệu doanh nghiệp), nên việc đáp ứng các yêu cầu về quyền lợi nhà tài trợ vẫn còn hạn chế trong những sự kiện chúng ta tổ chức vừa qua.

*Cuối cùng, ở vị trí là một người đã và đang tích cực đồng hành phát triển phong trào thể thao người khuyết tật và Judo cho người khiếm thị, ông có những nhắn gửi gì để giúp cho phong trào phát triển lớn mạnh hơn nữa?

Cần lắm một sân chơi thể thao cho người khuyết tật. Tôi thiết nghĩ, cần thiết có một tổ chức vận hành các họat động thể thao người khuyết tật theo hướng “sự kiện xã hội” để thu hút nhà tài trợ và đáp ứng các quyền lợi của nhà tài trợ thì sự phát triển thể thao người khuyết tật mới bền vững được.

*Cám ơn ông vì những chia sẽ rất chân thành, mong rằng những mong muốn này sẽ sớm ngày thành hiện thực, để cộng đồng người khuyết tật nói chung, những VĐV đặc biệt nói riêng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, mở ra nhiều cơ hội cho những mảnh đời kém may mắn có thêm động lực biến ước mơ trở thành hiện thực, để họ không là“gánh nặng của xã hội” mà là “tấm gương để noi theo”.

“Không chỉ là quảng bá Nhà tài trợ Giải, mà đó là sự ghi nhận, tri ân tất cả những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng phong trào bóng đá người khiếm thị hơn 2 thập kỷ qua. Thậm chí, có những doanh nghiệp hay thương hiệu hiện nay không còn hoạt động.”- trích lời Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa tại sự kiện bóng đá người khiếm thị toàn quốc năm 2021.

——————–

Chưa bàn đến câu chuyện thành tích, huy chương, chỉ riêng ý chí mạnh mẽ trong việc hòa nhập cùng cộng đồng trong phong trào thể dục, thể thao của những VĐV đặc biệt đã không nhiều người bình thường làm được. Người khuyết tật là một bộ phận của cộng đồng xã hội, thế nhưng trong lúc toàn dân tham gia luyện tập, thi đấu TDTT, thực hiện theo cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thì thực tế thể thao người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần có một sự nhìn nhận và quan tâm, đầu tư cho thể thao người khuyết tật, điều này không những tác động tích cực đến đời sống tinh thần, động viên người khuyết tật sống vui, sống khỏe và hội nhập cộng đồng mà còn là cơ sở để lựa chọn VĐV khuyết tật cho các đội tuyển Quốc gia tham gia thi đấu tại đấu trường quốc tế.

Hãy đến xem và cổ vũ những sự kiện thể thao của người khuyết tật để thấy mình thật may mắn, kết quả dù thắng hay thua, họ vẫn mỉm cười vì đã thi đấu hết sức mình, được sống với niềm đam mê với thể thao, với võ thuật, vượt qua số phận kém may mắn và vươn lên trong cuộc sống, những hình ảnh như thế nên được phát nhiều trên sóng truyền hình, đăng trên báo chí, mạng xã hội, hoặc nhà trường có thể tổ chức cho học sinh, sinh viên đi xem. Như vậy vừa ý nghĩa mà cũng rất thiết thực đối với những mầm non, thanh thiếu niên tương lai của tổ quốc.

Chúc cho phong trào thể thao người khuyết tật nói chung và Judo, võ thuật cho người khiếm thị nói riêng sẽ ngày càng thành công và lan toả hơn nữa trong tương lai, để minh chứng cho đời “những người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, họ vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời”.

Lê Hiếu


Tin liên quan:

Giải Vô địch Cúp các CLB Judo người khiếm thị toàn quốc: Những điều đọng lại sau giải đấu đặc biệt