Khi nói đến một danh sư trong võ học, người ta cũng nghĩ đến một thiền giả. Chính sự nhập thiền, tự lắng nghe chính mình, đã giúp cho người luyện võ tìm ra yếu tố “định” trong trong trận đấu. Bằng sự tĩnh tâm, người ta có thể thông suốt bản thân, hiểu rõ sự biến hóa của vạn vật. Tâm lặng như nước hồ thu cho phép người võ sĩ “định” được trong lúc tĩnh và “định”cả được trong lúc động. Yếu tố “định” đó đã góp phần làm cả thế giới biết đến cái gọi là “Tinh thần võ sĩ đạo” của người Nhật.
Không chỉ “Định” trong tinh thần mà người ta còn “định” trong cơthể. Một trục thẳng đứng tưởng tượng chia cắt cơ thể người võ sĩ thành hai phầnđối xứng bằng nhau. Mọi sự di chuyển, mọi đòn đánh đều từ trục “định”này. Cũng từ trục “định”, người võ sĩ có thể tính toán từng đòn đánh của bản thân lẫn đối thủ. Trục “định” cho phép người võ sĩ xuất đòn linh hoạt, chớp nhoáng và chính xác trong khi bản thân không di động.
Thần khí đến từ sự tĩnh lặng trong tâm hồn và cả thể xác của người võ sư làm kẻ địch e dè chứ không phải những đòn thế múa may, nhún nhảy bởi cái “thần” đó là sự kết hợp hài hòa giữa ý chí, thể xác và tâm hồn. Người ta ví sự tĩnh lặng này như một vòng tròn. Vòng tròn đó sẽ thật sự tròn nếu người vẽ ra nó có một tâm hồn không bị xôn xao, lung lạc.
Sự kết hợp hài hòa giữa công và thủ phù hợp với yếu tố Thái Cực trong triết học phương Đông. Trong mỗi bài quyền, mỗi đòn thế của Karate đều tuân theo quy tắc Thái Cực (Taikyoku). Trong sự phòng thủ là tiềm ẩn khả năng tấn công và trong mỗi đòn tấn công là một thế thủ không có kẻ hở. Trong mỗi bước tiến là sự chuẩn bị để thoái lui và mỗi lần thoái lui sẽ khởi động cho một bước tiến khác. Có lên có xuống, có tiến có lùi, có công có thủ là chìa khóa để hoàn thiện Karate.
Và điều quan trọng nhất là Karate đến từ cuộc sống bởi nó là một nhu cầu. Karate hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc trong đời sống của con người Nhật Bản. Karate hiện ra trong cách họ hít thở, trong cách họ làm việc, quét dọn, lau chùi,… họ tập luyện mọi lúc, mọi nơi, với tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ.
Nhất Trung (Tổng hợp)