Bản thân câu nói “võ tổng hợp áp đảo được môn võ đơn lẻ” đã là một tranh cãi lớn. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chúng ta suy xét một cách thẳng thắn, công bằng dựa trên các bằng chứng có thật và đã được xác minh, có một tỷ lệ rất lớn các trường hợp võ sĩ võ tổng hợp áp đảo được các môn võ đơn lẻ.
One Championship: Đưa võ tổng hợp về với cội nguồn
Johnny Trí Nguyễn: Từ dấu ấn truyền thống đến phong trào võ tổng hợp
Trước hết, cần hiểu khái niệm võ tổng hợp trong bài viết này. Ngày nay, chúng ta biết đến khái niệm võ tổng hợp qua khái niệm MMA – thể thức thi đấu đối kháng đã đưa việc tổng hợp võ thuật lên một tầm cao mới. Ngoài ra, có nhiều môn võ cũng mang tính tổng hợp nhưng không phải MMA, chẳng hạn như Kudo Karate, Gongkwon Yusul… và nhiều môn võ cổ mà nay không còn phát triển mạnh như Pankration, Glima…
Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng ta sẽ xét đến MMA, bởi nó có đủ những yếu tố như lịch sử, các giai đoạn phát triển kỹ thuật từ sơ khai cho tới độ tinh tế và phức tạp hiện nay, cũng như có nhiều bằng chứng để lập luận (MMA được sinh ra cùng thời với sự phát triển của công nghệ truyền thông, những bằng chứng chúng ta nêu ra ở đây đều không phải những câu chuyện kể truyền miệng).
Đầu thế kỷ 20 khái niệm MMA bắt đầu được hình thành. Trên thực tế, khái niệm “võ tự do” – những luật đấu mà võ sĩ được dùng tất cả đòn thế đã tồn tại trước đó rất lâu. Tuy nhiên, khái niệm việc “được dùng” và “dùng được” nhiều kỹ thuật đa dạng ở các trường phái là hai điều khác nhau, và “võ tổng hợp” thực thụ cần có khả năng “dùng được” đó.
Lại nói về thời điểm MMA mới ra đời, nhà Gracie đang là bá chủ của các kỹ thuật grappling (khóa siết) với bộ môn BJJ. Trên thế giới lúc đó có rất ít bộ môn đi theo con đường grappling mà chủ yếu tập luyện striking (đấm đá chỏ gối) hoặc wrestling (vật). Để chứng minh tính hiệu của của BJJ, nhà Gracie đã thách đấu võ sĩ trên toàn thế giới trong luật võ tự do. Gia đình Gracie đã áp đảo cho đến khi UFC cho ra mắt những mùa giải đầu tiên (giữa thập niên 90). Các võ sĩ nhận ra họ không thể dùng striking đơn thuần để chiến thắng một trận võ tự do, đặc biệt là khi đối thủ có khả năng grappling, thế là họ bắt đầu tập thêm grappling. Các võ sĩ grappling cũng bắt đầu học striking để “phòng hờ” khi đối thủ striking quá tốt và áp đảo ngược lại họ. Khái niệm võ tổng hợp – nơi các võ sĩ buộc phải thông thạo kỹ năng ở nhiều trường phái chính thức ra đời tại đây.
Như vậy, có thể thấy ngay trong quá trình hình thành võ tổng hợp MMA, lối tập luyện và thi đấu võ thuật này đã phục vụ một mục đích rõ ràng là chống lại những đối thủ chỉ có kỹ năng đơn lẻ ở một bộ môn nào đó. Khi bạn có kỹ năng đa dạng, bạn có thể “sống sót” với thế mạnh của đối thủ, đồng thời chiến thắng họ bằng điều mà họ không thực sự giỏi.
Hầu hết các môn võ thuật đều phát triển lên thành một thể thức thể thao hóa hoặc ít nhất là một hình thức đối kháng – đối luyện có thể thực nghiệm và kiểm chứng kỹ thuật liên tục. Mỗi môn võ thuật như thế lại có một sự giới hạn về kỹ thuật, sự mô phỏng tình huống, khiến nó trở thành một hệ kỹ thuật biệt lập và nằm gọn trong võ tổng hợp, khó thoát khỏi sự bao quát của kỹ thuật của võ tổng hợp.
Bản chất của võ thuật – theo như cách nói của huyền thoại MMA Bas Rutten là “Điều này tương khắc được điều kia chứ không có sự so sánh tuyệt đối”. Trong đối kháng, những sự tương khắc ở đây chính là mối quan hệ giữa các trường phái kỹ thuật, chiến thuật, lối ra đòn… Võ sĩ Taekwondo gần như không thể đá trúng đầu một người tập Capoeira, cũng như võ sĩ Wresting sẽ dễ bắt chân người đứng tấn của Muay Thái hơn tấn Boxing. Như vậy, logic mà nói, việc bạn có nhiều sự lựa chọn kỹ thuật hơn cũng như việc bạn có nhiều lá bài hơn, từ đó chọn lựa ra được phương án phù hợp để thắng trận đấu.
Mặt khác, sự hình thành các khái niệm “môn võ” tạo thành các cộng đồng biệt lập, mỗi cộng đồng này lại hình thành thể thức thi đấu riêng và phù hợp với môn võ. Sự khắc nghiệt của thể thao hóa đẩy các kỹ năng võ thuật phát triển theo chiều hướng nhất định và phần nào có sự giới hạn trong nội bộ bộ môn. Ví dụ một võ sĩ Muay Thái sẽ được phát triển các kỹ thuật chuyên cho Muay Thái, và cũng là chuyên dùng (cần nhấn mạnh đặc tính CHUYÊN DÙNG này) để đối phó với các võ sĩ Muay Thái khác. Boxing có thế đứng được thiết kế hoàn hảo để tung ra và chống trả đòn đấm, nhưng không có ý nghĩa gì với một trận đấu có tồn tại đòn đá. Điều tương tự cũng như Karate, Taekwondo, Kickboxing… Nhờ sự vượt trội về thể chất mà kỹ thuật mà các võ sĩ dạng này có thể áp đảo được người không tập luyện võ thuật trong các tự vệ đường phố, nhưng khi gặp các võ sĩ (võ tổng hợp) có cùng sự vượt trội về thể chất và kỹ thuật thì bài toán tương khắc giữa MMA và các môn võ đơn lẻ đã phân tích ở trên sẽ được thể hiện.
Xét trên nhiều phương diện, MMA hay nói một cách bình dân hơn là “võ tổng hợp” vẫn không phải là “võ lâm chí tôn”. MMA không có doanh thu khổng lồ như Boxing, không có độ phát triển rộng như Kickboxing và cũng chưa trở thành thể thao chuyên nghiệp như Taekwondo hay Judo – những đại diện của làng võ tại Olympic. Lối tác động lực của Karate bị “phế” đi rất nhiều khi dùng găng MMA nhưng vẫn là một tuyệt kỹ đáng sợ khi lâm trận bằng tay trần. Các môn võ đơn lẻ vẫn cần phải tồn tại để tiếp lục làm môi trường tập trung kiểm chứng, cải tiến các hệ thống kỹ thuật riêng biệt trong võ thuật nói chung.
Dù vậy, nếu nhìn trên phương diện kỹ thuật đơn thuần, rõ ràng rằng MMA có logic khoa học để khắc chế và áp đảo được các môn võ đơn lẻ, đặc biệt là khi các võ sĩ được đem ra so sánh có sự tương đồng thể chất. Ngay tại thời điểm hiện tại, có một sự thật không thể chối cãi ngay trong lồng sắt MMA đó là các võ sĩ có hệ thống kỹ thuật đa dạng hơn thường có tỷ lệ thắng cao hơn nhờ có nhiều phương án chiến thuật để lựa chọn.
Phạm Vũ