(VoThuat.vn) – Nam Định đưa môn Vovinam Việt Võ Đạo vào giảng dạy cho tăng, ni sinh trường Trung cấp Phật học. Không phải đến bây giờ, mà từ xa xưa, võ thuật đã có mặt trong cửa Phật, và theo các câu chuyện chính sử, giả sử hay kiếm hiệp cho thấy nhiều cao thủ võ lâm đã xuất thân từ cửa Phật.

Việt Võ Đạo chốn thiền môn. Ảnh: Chụp lại từ video của Tạp chí Võ thuật

Vào những thế kỷ thứ 17, 18 đầu thế kỷ thứ 19, khi mà luật pháp vẫn chưa rọi xuống được những hang cùng ngõ hẻm, những làng quê xa xôi hẻo lánh, thì các tráng sĩ thời bấy giờ đã thay trời trừ gian diệt bạo. Hầu hết trong số họ là những vị chân tu hay chí ít họ cũng xuất thân từ một cửa chùa nào đó. Bởi thời ấy, ngoài quan binh của triều đình thì xã hội không có trường dạy võ.

Các vị tu hành ngày xưa luyện võ với nhiều mục đích, trong đó phải kể tới những mục đích hàng đầu như là rèn tâm luyện thể nhằm Hoằng dương Phật pháp (*). Thứ đến là bảo vệ tài sản của chùa. Bên cạnh đó, các vị chân tu còn vận dụng việc dạy võ để truyền bá giáo lý nhà Phật. Thời đó, người luyện võ trong chùa khá đông và công phu luyện tập rất khắc nghiệt, hoàn toàn mang tính chiến đấu (võ quân sự). Sau khi xã hội dần dần phát triển, luật pháp nghiêm ngặt nhằm bảo vệ người dân. Nạn cướp bóc cũng theo đó mà phần lớn tiêu tan, thì chương trình luyện võ chốn thiền môn cũng dần dần bị lãng quên. Có chăng là một số ít chùa còn duy trì với phương châm rèn luyện sức khỏe mà thôi. Vả lại, việc tụ tập đông người trong một ngôi chùa cũng bị hạn chế, cho nên các lớp võ bắt buộc dành cho các vị tu hành cũng theo đó mà phân rã!

Thời gian gần đây, nhu cầu rèn tâm luyện thể cho các vị tu hành lại có chiều hướng khá bức thiết. Bởi trong bối cảnh xã hội ngày càng xuất hiện nhiều vấn nạn. Trộm cướp đã vượt quá ngưỡng truyền thống đạo lý. Các bảo vật, báu vật trong chùa liên tiếp bị lấy cắp không còn là chuyện lạ. Chưa kể đã có xảy ra nhiều vụ tội phạm rất manh động đã làm tổn thương hay sát hại các vị tu hành ngay trong cửa Phật, làm dấy lên nỗi lo lắng vì sự bất an này, ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà tu.

Ngày xưa Đức Thế Tôn cũng là một người văn võ song toàn. “Lược truyện Đức Phật Thích Ca” kể lại rất tỉ mỉ về cuộc đời của Ngài. Trong “Cuộc thi cầu hôn” công chúa Da Du Đà La con gái của vua Thiện Giác, tài năng và đức độ của Ngài đã được bộc lộ một cách kinh ngạc trước biết bao cặp mắt của dân chúng thời bấy giờ.

Cuộc đời Đức Phật khi còn là Thái tử trước khi xuất gia được sống trong nhung lụa và được dạy dỗ rất chu đáo, văn võ song toàn. Ảnh: Chùa Ba Vàng

Trong phần thi bắn cung, Thái tử Tất Đạt Đa đã chọn một cây cung cổ nhất ở trong cung của vua Thiện Giác. Cây cung này là của một lực sĩ mạnh nhất thời bấy giờ. Từ khi ông ta chết thì không ai có thể sử dụng được nó nữa. Vậy mà,Thái tử đã uốn cong và kéo dây cung một cách dễ dàng. Tra tên vào cung, “mũi tên xé gió đi rất nhanh, khi nó trúng tấm bia, ngay trung tâm điểm, chẳng những nó không dừng lại mà còn xuyên qua tiếp tục và bay tít tầm mắt mọi người”. Đến phần thi đấu kiếm, nhát kiếm của Thái tử “cắt ngang thân cây trong chớp mắt, nhưng nó vẫn còn sừng sững. Lưỡi gươm của Thái tử quá bén đến nỗi vết cắt không làm cho thân cây đỗ ngã” cho đến khi có một cơn gió thổi đến làm cho thân cây lay động và từ từ lật đỗ. Qua tấm gương đó, chúng ta thấy Đức Thế Tôn ngày xưa cũng là một người không những có trí tuệ xuất chúng mà còn là một người võ nghệ phi thường.

Ngày nay, với tâm nguyện “Hoằng Pháp lợi sinh”, các vị Ni, Sư cần phải đi nhiều nơi để làm nhiệm vụ Phật sự. Để làm tốt điều đó thì các vị cũng cần phải có một thân thể khỏe mạnh và một trí tuệ minh mẫn.

Vovinam là một môn võ phù hợp với phương châm là không thượng đài, không thách đấu, chỉ dùng võ để tự vệ và cảm hóa người chứ không dùng võ để trừng phạt trả thù người nên phù hợp với tinh thần từ bi của Phật giáo. Trên nền tảng thể thao nói chung và võ thuật nói riêng gắn liền với tinh thần tự hào dân tộc, nên Vovinam đã được chọn để luyện tập cho các tăng, ni sinh trong Trường Trung Cấp Phật học Nam Định.

Các tăng, ni sinh tập luyện Vovinam trong Trường Trung Cấp Phật học Nam Định. Ảnh: Chụp lại từ video của Tạp chí Võ thuật

Trước đó, một vài chùa khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa môn Vovinam Việt Võ Đạo vào giảng dạy như Chùa Hoàng Pháp (do VS Âu Quang Phúc phụ trách) và chùa Giác Huệ của quận Hóc Môn (do VS Bùi Mạnh Thuyết) phụ trách, chùa Hoằng Linh, Tu viện Linh Thứu.(do VS Nguyễn Chánh Tứ và VS Nguyễn Hoài Văn phụ trách)

Trong hệ thống lý thuyết võ đạo của Vovinam có nhiều điểm tương đồng với giáo lý nhà Phật, cho nên dễ đi vào sự cảm nhận trong tâm thức của các học viên là người tu hành . Từ điểm giao thoa đó, Vovinam đã đem lại cái nhìn thiện cảm cho các vị chân tu mà trì chí luyện tập..


* Hoằng dương Phật pháp: thường được hiểu như một cách mở rộng ra để phô bày ra hay truyền bá những lời dạy hay giáo lý của đức Phật.


Hình ảnh Vovinam – Việt Võ Đạo tại các chùa:

Lớp Vovinam chùa Hoằng Pháp

Lớp Vovinam chùa Giác Huệ
Lớp Vovinam chùa Hoàng Linh

Video Tâm Hoá múa võ trong đại dịch Covid, Vovinam chùa Hoằng Pháp: 

https://youtu.be/DkpSpc7dMcc

Võ Sư Châu Minh Hay

Nguồn: saigonthethao.thethaovanhoa.vn | Copy Link