Nội công trong Vĩnh Xuân là một bí ẩn lớn nhất của môn kung fu này. Nhiều võ đường không dạy và thậm chí không bàn về điều này, số khác thì chỉ bàn miệng và đưa rất ít vào việc tập luyện. Không có gì đáng ngạc nhiên đối với võ sinh Vĩnh Xuân phương Tây để nhận ra rằng dòng dõi kung fu của họ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Khi ở Trung Quốc, tôi nhanh chóng nhận ra mọi môn võ của Trung Quốc đều có bao hàm yếu tố nội công. Với người Trung Quốc, luyện tập kung fu mà không luyện nội công thì thật là ngớ ngẩn. Với họ việc tập võ luôn gắn liền với việc tập khí.
Hầu hết Vĩnh Xuân hiện đại đều bắt nguồn từ võ sư Diệp Vấn. Ông thường không sẵn lòng dạy về khí công cho những võ sinh thiếu sự tận tụy hoặc thiếu ngộ tính. Có rất nhiều câu chuyện kể về khả năng nội công của võ sư Diệp Vấn. Một trong số đó là: ông ta thường bỏ ra cả tiếng đồng hồ để luyện bài Tiểu Niệm Đầu (Sil Num Tao) và thỉnh thoảng ông bỏ một chiếc khăn hoặc tờ giấy ướt lên vai ông khi tập luyện. Sau khi tập xong thì chiếc khăn/tờ giấy đã trở nên khô ráo do sức nóng phát ra từ người ông trong khi tập luyện. Với những ai đã quen thuộc với việc tập nội công sẽ nhận ra rằng đó là việc tập luyện khí tiêu biểu.
Vì một lý do nào đó, những người đã đạt được thành tựu nhất định trong việc tập luyện nội công thường không sẵn lòng chỉ lại cho người khác. Có lẽ điều này liên quan đến vấn đề văn hóa nơi mà các võ sư Trung Quốc thường không dạy về khí cho các võ sinh không phải người Trung Quốc. Hoặc có lẽ là do sự kém hiểu biết về khí của các võ sinh phương Tây khiến cho việc dạy trở nên rất khó khăn. Thậm chí ngày nay, các võ sư cũng thường rất miễn cưỡng khi bàn luận về khí một cách công khai, thẳng thắn với các môn sinh của họ. Ở phương Tây, ý tưởng về khí thường tồn tại dưới dạng một truyền thuyết hơn là sự thực. Những người biết về nó thì vẫn theo truyền thống “khép miệng” được truyền lại từ thế hệ trước.
Một lý do khác khiến các võ sinh Vĩnh Xuân không quen thuộc với khía cạnh nội công vì bản thân người tập Vĩnh Xuân có thể học được một hệ thống chiến đấu hiệu quả mà không cần tập về nội công. Aikido là một thứ tương tự. Nhiều nhân viên thi hành pháp luật học Aikido để giúp họ có thể xử lý, khống chế được những người cứng đầu. Những kỹ thuật này làm việc rất hiệu quả, nhưng chỉ là một phần nhỏ của sức mạnh thực sự mà nó có thể thể hiện khi luyện tập nội công của Aikido.
Chúng ta sẽ hiểu điều này khi chứng kiến cảnh tổ sư môn võ Aikido, O’Sensai Uyshiba chứng minh sự khác biệt trong kỹ thuật của Aikido khi không được sự dụng nội công (chi/ki energy) và có sử dụng nội công. Điều này cũng tương tự đối với Vĩnh Xuân. Các kỹ thuật của nó hiệu quả bởi nó được xây dựng dựa trên các nguyên tắc chuyển động rất khoa học và bài bản. Thậm chí với một tay thực hiện chưa tốt các kỹ thuật Vĩnh Xuân cũng có thể hơn các kỹ thuật của nhiều môn phái khác. Nhưng một khi các kỹ thuật chuẩn của Vĩnh Xuân được thực hiện với nội công thì nó trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn gấp bội thậm chí là một điều kỳ diệu.
Cũng giống như Aikido, Vĩnh Xuân là một môn nghệ thuật của nội công. Tất cả các nguyên tắc, tấn, kỹ thuật và triết lý của nó đều hướng tới điều này. Nhưng cũng tương tự như Aikido, trong Vĩnh Xuân cũng có những môn sinh chỉ được học các kỹ thuật và chỉ có một số mới được tập luyện với nội công. Vì vậy nên rất khó để có thể kiếm được một người sư phụ có thể và sẽ dạy nội công Vĩnh Xuân cho đệ tử.
Các môn võ khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để dạy và học khi không có những điều bí ẩn về nội công như thế. Và đó cũng là lý do khiến cho Vĩnh Xuân có hai phiên bản: một có nội công và một chỉ là các kỹ thuật thuần túy. Và sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chúng ta chỉ học Vĩnh Xuân với các kỹ thuật thuần túy mà không có nội công.
Ngày nay võ thuật đã trở thành một hình thức thương mại. Người dạy võ cố gắng thu hút càng nhiều đệ tử nhằm kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Võ sinh bị đốc thúc qua một quá trình đào tạo thật nhanh, và vì thế khó có thể có được các kỹ năng có chất lượng. Việc dạy nội công đòi hỏi ở người võ sinh một sự cần cù, kiên nhẫn và một ông thầy khôn ngoan để có thể chỉ ra được một con đường đúng đắn. Và không hề có con đường tắt nào cho việc tập luyện nội công cả. Những ai từng nỗ lực để dạy nội công thường thấy rằng rất khó để dạy điều này. Sự thực là ta không thể dạy được nội công.
Mọi thứ mà một người thầy giỏi có thể làm là chỉ ra con đường. Ông ta có thể mời học trò của mình cảm nhận được nội công của người thầy, nhưng có học được nó hay không là phụ thuộc và người đệ tử. Việc học kỹ thuật hay bộ pháp thì đơn giản hơn rất nhiều bởi: bạn có thể thấy được kỹ thuật, có thể chỉnh sửa, rèn luyện và thực hành nó. Người võ sinh cũng có thể dễ dàng bắt chước nó. Nhưng với nội công, chúng không được thể hiện qua bên ngoài, chúng chỉ có thể được cảm nhận và trải nghiệm. Và đó là một số lý do mà ngày nay chúng ta thấy rất ít người thực sự tập được nội công trong Vĩnh Xuân nói riêng và võ thuật nói chung.
Q.B (Sưu tầm)
Nguồn: Internet