Câu chuyện về Mộc Nhân của Diệp Vấn (Kỳ 2)

Năm 1949, Diệp Vấn đến Hồng Kông và quyết định tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của mình: trở thành một võ sư. Lúc đó ông không có Mộc Nhân…

Hơn nữa ông vẫn chưa tạo dựng được danh tiếng của mình tại địa phương, số đệ tử theo học thì không ổn định và cũng chẳng có địa điểm cố định để làm trường dạy võ cho các môn sinh. Diệp Vấn phải dùng những năm đầu tiên trong sự nghiệp dạy võ của mình để lần

lượt giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên vào khoảng năm 1950, Diệp Vấn đã xây dựng được một nhóm các đệ tử xuất sắc hơn, và đây là thời gian có thể xem xét việc đặt một Mộc Nhân ở đây để họ có thể luyện tập nhanh tiến bộ. Thực tế là Diệp Vấn đã chỉ cho một số đệ tử của mình về các bộ phận của Mộc Nhân, nó giống như khi họ học thực hành tập nhóm thông thường với nhau. Trong Vịnh Xuân quyền cách luyện này gọi là “dùng Mộc Nhân không khí”. Mặc dù tốt cho việc đánh giá nhanh chóng nhưng nó không thể thay thế cho phương pháp luyện với Mộc Nhân thật.

Hội duyên cùng Phong Thạch

Cuộc sống ở Hồng Kông khác rất nhiều so với ở Phật Sơn. Ở đây người ta thường sống trong các chung cư cao tầng chứ không phải là các nhà chỉ có một tầng với sàn nhà được lót bằng đá phiến. Không gian thì chật hẹp, chỉ giới hạn trong thành phố. Đến giữa năm 1950, Diệp Vấn có gặp một số người làm thợ mộc và một người bạn tên Phong Thạch. Ông giải thích những vấn đề cơ bản và bàn về việc ông muốn làm một Mộc Nhân hình dáng ra sao. Sau đó ông ủy thác cho Phong Thạch nghĩ ra cách lắp đặt một Mộc Nhân di động (Diệp Vấn di chuyển thường xuyên trong giai đoạn này) mà có thể sử dụng được trong nhà.

moc nhan dau tien cua phong thach
Mộc Nhân đầu tiên của Phong Thạch, thuộc sở hữu của Diệp Vấn, hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Diệp Vấn ở Phật Sơn.

Có nhiều cách để tạo một Mộc Nhân, nhưng ý tưởng của Phong Thạch là vô cùng đơn giản và sáng tạo, không theo cách làm Mộc Nhân có chân đế (cách truyền thống) thay vào đó thì ông đã treo Mộc Nhân lên một thanh gỗ mỏng được xiên qua thân của Mộc Nhân, thanh gỗ mỏng đó hoạt động như một cái lò xo. Mộc Nhân sẽ được di chuyển bằng các bộ phận nâng đỡ thân thể của nó (giá đỡ). Loại Mộc Nhân treo mới này (hay còn gọi là Mộc Nhân sống) rất khác biệt. Tất cả đều phụ thuộc vào vị trí và độ bền của các thanh gỗ. Khi những người học võ tác động lực vào tay hoặc chân của Mộc Nhân thì có một lực tác động vào lò xo làm cho nó bị quăng trở lại về phía trước dội ngược ra đằng sau một cách sống động hơn, đó cũng là thời điểm áp lực được giải phóng.

Trong thực tế, loại Mộc Nhân treo này có thể tạo ra một lực đàn hồi khi bạn tác động vào

chúng mà bạn sẽ không dễ có được sự đàn hồi đó khi đánh vào Mộc Nhân được chôn đế dưới đất. Có thể nói loại dụng cụ này thường được dùng như “một người huấn luyện câm lặng”. Ví như trong Vịnh Xuân Quyền, khi người học muốn đấm thẳng vào trung tâm của đối phương, nếu như bạn làm điều tương tự với Mộc Nhân thì khi bạn đánh trực diện vào bất cứ mặt nào thì Mộc Nhân bị thanh gỗ kéo lại và sau đó sẽ bị giật và quay về vị trí ban đầu của nó. Nhưng nếu bạn đánh xéo hoặc đơn giản chỉ đánh vào tay của Mộc Nhân thì thân nó sẽ chuyển động nhẹ nhàng cùng với cái giá treo (giá đỡ) và thu hồi lại vị trí sau đòn tấn công chưa đủ lực của bạn. Một lần nữa, phải nói điều này là rất quan trọng vì Mộc Nhân đã tạo ra một phản lực ngay lập tức để người học có thể phản xạ và hiểu được các sức ép khẩn cấp một cách tốt nhất.

Mộc nhân Vịnh Xuân Quyền Hồng Kông ra đời

Diệp Vấn cùng Phong Thạch nghiên cứu điều chỉnh loại Mộc Nhân mới sáng tạo này. Ý tưởng ban đầu cơ bản là đã hợp lý, nhưng cũng phải làm các thí nghiệm tỉ mỉ để tìm ra loại gỗ tốt nhất, cũng như là lắp giá đỡ làm sao để mang lại hiệu quả tốt nhất. Sản phẩm cuối cùng thật sự là một Mộc Nhân được điều chỉnh và sáng tạo đặc biệt, Mộc Nhân của phái Vịnh Xuân Quyền Hồng Kông.

Phong Thạch đã giao mẫu Mộc Nhân của mình cho Diệp Vấn vào năm 1956. Mặc dù Diệp Vấn dùng rất nhiều loại Mộc Nhân trong những năm qua (khi Diệp Vấn chuyển cơ sở giảng dạy) nhưng ông vẫn luôn giữ lại Mộc Nhân của Phong Thạch bên mình. Nó là loại Mộc Nhân yêu thích của ông, được đặt ở trường và thậm chí là ở nhà ông. Bây giờ, bạn có thể chiêm ngưỡng nó ở nơi trưng bày hiện vật của Diệp Vấn tại Phật Sơn. Một số học trò thâm niên của Diệp Vấn đã bắt đầu phân nhánh và bắt đầu mở các trường học riêng của họ vào nửa sau của năm 1950.

Phong Thạch, với hệ thống sản xuất tại gia, là nơi duy nhất sản xuất ra Mộc Nhân ở giai đoạn này. Đáng tiếc ông không sản xuất nhiều. Diệp Thành ước tính rằng Phong Thạch chỉ sản xuất khoảng từ 10 đến 12 Mộc Nhân vào giữa năm 1950 đến đầu năm 1960 trước khi ngừng nhận đơn đặt hàng.

ly tieu long  luyen tap voi moc nhan khoang nam 1960
Lý Tiểu Long luyện tập với Mộc Nhân khoảng năm 1960

Lý Tiểu Long sử dụng Mộc Nhân cuối cùng của Phong Thạch?

Một ví dụ có thể thấy được Mộc Nhân do Phong Thạch làm là trong bức ảnh nổi tiếng của Lý Tiểu Long, được chụp vào khoảng đầu năm 1960. Ông làm việc trong nhà hàng của Ruby Chow và luyện Vịnh Xuân quyền mỗi khi rảnh rỗi. Trong bức thư gửi đến Trương Học Kiện (khi còn ở Hồng Kông) vào tháng 5 năm 1960, Lý Tiểu Long đã nhờ gửi sang Mỹ một Mộc Nhân. Chắc chắn là Lý đã đặt hàng từ năm 1959.

Đây là một tấm hình thú vị, nó là ví dụ rất sớm về loại Mộc Nhân treo này. Rõ ràng là cái giá đỡ của Mộc Nhân này không có chiều cao phù hợp. Điều này có thể lý giải là do hoàn cảnh vật chất của Lý Tiểu Long lúc đó là quá xa so với tiêu chuẩn và ông khó có thể thay đổi hoàn cảnh sống của bản thân. Ngoài điều đó ra thì Mộc Nhân này trông rất giống Mộc Nhân của Diệp Vấn. Thân có vẻ nhỏ nhắn hơn, đầu thấp và nhỏ gọn hơn. Có người thắc mắc, liệu nó thực sự được vận chuyển qua Thái Bình Dương vào những năm 1950. Nếu như Mộc Nhân này thật sự là do Phong Thạch làm ra (đây là một câu hỏi cần nghiên cứu nhiều hơn) nó sẽ là một trong những Mộc Nhân cuối cùng của ông ấy. Con trai ông đã chết trong một tai nạn xe hơi và ông đã giải thích bi kịch này là do các vị thần trừng phạt vì sự dính líu của ông với phái Vịnh Xuân.

(còn tiếp)

Như Nguyệt (dịch từ chinesemartialstudies)