Những năm gần đây, phong trào luyện tập võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Qua đó, tạo thuận lợi để ngành thể thao An Giang tuyển chọn, xây dựng lực lượng vận động viên (VĐV) có chất lượng chuyên môn tốt, đủ sức cạnh tranh huy chương tại các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế.
Thi đấu quyền
Võ cổ truyền là một trong những môn võ thuật phát triển trên địa bàn tỉnh, thu hút khá đông võ sinh, nhất là học sinh, sinh viên tham gia tập luyện. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền, sinh hoạt tại trường học, nhà văn hóa, UBND xã, thị trấn…
Để phát triển phong trào, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên, huấn luyện viên CLB võ cổ truyền. Đồng thời, phối hợp đơn vị, địa phương tổ chức giải trẻ, học sinh hay CLB cấp tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho VĐV có cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật. Đồng thời, còn là cơ hội tốt để bộ môn tuyển chọn nhân tố triển vọng bổ sung vào đội năng khiếu.
Phong trào phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để bộ môn võ cổ truyền tỉnh tuyển chọn VĐV năng khiếu, đào tạo VĐV trẻ, nhằm xây dựng nguồn VĐV kế thừa chất lượng, có chiều sâu. Ngoài việc duy trì thế mạnh ở các hạng cân đối kháng nữ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh tích cực đào tạo VĐV đối kháng nam, đặc biệt là nội dung quyền. Qua đó, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước khẳng định vị thế tại các giải khu vực và toàn quốc.
Thi đấu đối kháng
Từ đầu năm đến nay, bộ môn võ cổ truyền tỉnh thi đấu khá thành công tại các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và khu vực. Tiêu biểu, các VĐV võ cổ truyền An Giang thi đấu xuất sắc, đoạt hạng nhất toàn đoàn, tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ IX/2023, với 13 huy chương vàng (HCV), 7 huy chương bạc (HCB), 4 huy chương đồng (HCĐ).
Mới đây, tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2023, đội tuyển võ cổ truyền An Giang thi đấu đoạt 1 HCV, 2 HCĐ. VĐV Lê Trung Quí thi đấu xuất sắc đoạt HCV nội dung nhuyễn tiên (quyền). Trong khi đó, dù rất cố gắng, nhưng VĐV Lưu Thị Phương Thảo chỉ đoạt HCĐ nội dung tay không (quyền); Trần Thị Cẩm Xuyên đoạt HCB nội dung đối kháng hạng cân 52kg.
Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2023 quy tụ 385 VĐV đến từ 32 đoàn trong nước có phong trào tập luyện và thi đấu môn võ cổ truyền Việt Nam phát triển. Các VĐV tham gia tranh tài ở 2 nội dung thi quyền biểu diễn và đối kháng. Trong đó, ở nội dung đối kháng, các VĐV tranh tài từ hạng cân 50kg đến trên 90kg nam và từ hạng cân 48kg đến trên 75kg đối với nữ. Tại giải này, đội tuyển võ cổ truyền An Giang có 9 VĐV tham dự (3 VĐV thi đấu quyền và 6 VĐV thi đấu các nội dung đối kháng).
Giải quy tụ những võ sĩ có chất lượng chuyên môn cao. Võ sĩ tại các địa phương có sự đồng đều, không chênh lệch về trình độ chuyên môn, nên các cuộc tranh tài diễn ra hấp dẫn, sôi nổi. Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào tập luyện các môn võ nói chung và môn võ cổ truyền nói riêng, giải còn là dịp giúp các VĐV có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng thi đấu, góp phần phát triển thể thao của địa phương.
Kết thúc giải, TP. Hồ Chí Minh giành giải nhất toàn đoàn, với 13 HCV, 6 HCB và 1 HCĐ; Bình Định hạng nhì toàn đoàn, với 13 HCV, 5 HCB và 6 HCĐ; Quân đội xếp thứ ba, với 5 HCV, 13 HCB và 4 HCĐ.
Huấn luyện viên trưởng môn võ cổ truyền Phan Thanh Thuận chia sẻ: “Đây là giải đấu lớn nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức hàng năm. Hầu hết các đoàn đều cử lực lượng mạnh nhất tham dự giải, nên việc tranh chấp huy chương diễn ra rất quyết liệt. Do đó, đoạt 1 HCV, 2 HCĐ là thành tích đầy nỗ lực của VĐV võ cổ truyền An Giang”.
Hiện, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đang đào tạo 28 VĐV, gồm: 7 tuyển, 6 trẻ, 15 năng khiếu. Ngoài duy trì thế mạnh ở hạng cân đối kháng, bộ môn tích cực đào tạo VĐV quyền. Tiêu biểu, như: Trịnh Minh Trí, Lưu Thị Phương Thảo, Lê Trung Quí, Trần Thị Cẩm Xuyên, Nguyễn Phú Quí, Nguyễn Phi Lên. Ngoài ra, các VĐV trẻ thể hiện sự tiến bộ khi được tạo điều kiện thi đấu, như: Võ Phạm Ngọc Trinh, Mai Tấn Kỳ, Bùi Văn Khang, Khưu Minh Thuận, Lý Thị Kim Ngân…