Võ cổ truyền: khơi nguồn đam mê

(Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi)

Lớn lên là một đứa con trai ở vùng trung tâm thị xã một tỉnh vùng quê Nam bộ, thể lực không phải là một thế mạnh của tôi nhưng võ thuật là niềm yêu thích từ nhỏ. Từ những bộ phim kiếm hiệp đến những tiết mục biểu diễn đầu xuân có những pha võ thuật, công phu đều thu hút sự chú ý của tôi. Yêu thích là vậy nhưng khi đó tôi cũng khá mơ hồ về võ thuật, có chăng là một vài động tác học lõm từ bạn bè, người thân hay sách bao chứ chẳng có bài bản và bắt nguồn từ đâu. Duyên may đưa đến tôi được ba đưa vào học lớp võ thuật ở vùng ven ngoại ô với thầy chủ nhiệm là bạn của ba. Và tôi biết đến Võ cổ truyền từ đó…

1

Những ngày đầu tập luyện quả thật với tôi rất là cực hình vì xong phần khởi động là cơ thể muốn rã rời nhất là đối với một đứa 12 tuổi lần đầu tiếp xúc võ thuật và thể lực không phải là điểm mạnh. Thời gian thấm thoát trôi qua hơn một tháng và khi đó tôi dần quen với khối lượng mỗi buổi tập cũng như được học hai bài quyền đầu tiên là Thần đồng và Thể lực. Tiếp tục tập luyện thì các động tác dần thuần thục hơn, thể lực cũng cải thiện và tích lũy dần. Lúc này với bản tính còn trẻ con nên tôi rất thích bài quyền Thể lực với thế tấn đứng rất lâu mà không mỏi chân.

Và sau 3 tháng, tôi cũng tham gia vào kỳ thi lên cấp, kỳ thi võ đầu tiên tôi có dịp trình diễn trước thầy cô trong ban võ thuật cấp tỉnh. Một cảm giác lo lắng bỡ ngỡ nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua. Vậy là tôi lên cấp 2, được học thêm nhiều bài quyền mới, được thêm một vạch vào đai, được học thêm các động tác mới. Cái ngày may một vạch thêm vào đai, tôi hí hửng vô cùng và ngày ngày đi học lại muốn được như các đàn anh, những võ sĩ có đai xanh lá, đai vàng, và khát khao lớn nhất của tôi là có bạch đai như thầy tôi…

2

Sau những ngày tháng hè học võ, tôi lại phải nhập học văn hoá và tạm ngưng học võ và chỉ có thể tiếp tục khi kết thúc các niên học. Cứ như thế, 4 mùa hè liền, tôi được tôi luyện và lên cấp võ. Học võ có nhiều cái vui không thể nào quên được. Bạn bè chơi giỡn hòa đồng, những đàn anh vui vẻ chỉ bảo và đôi lúc là những thách đố rất trẻ con như soạt chân, hít đất, song phi… Tôi thích và nhớ mãi những lớp học võ ở vùng ngoại ô, nơi mà chúng tôi có một quá trình tập luyện kỹ càng và nghiêm khắc từng khâu (ngay cả việc khởi động), dù rằng vật chất trang bị thiếu thốn rất nhiều. Sau này, dù tôi có tiếp tục học ở những trung tâm võ thuật khác nhưng tôi vẫn thấy nhớ nơi đầu tiên vùng ngoại ô ấy và những người bạn ở đó. Nhớ lắm…

3

Từ những bước đầu tiếp cận, tôi dần có nhiều kiến thức về võ cổ truyền nói riêng cũng như võ thuật nói chung bên cạnh sự gia tăng mỗi ngày của tình yêu võ. Nhìn những bài quyền, những động tác phức tạp đẹp mắt và thuần thục, mọi người nghĩ, chắc sẽ khó nhớ nhưng với mỗi võ sinh chúng tôi thì các bài khẩu quyết (thường gọi là bài thiệu) là một bản tóm lược cho những bài quyền. Với tôi thì có lẽ bài thơ khẩu quyết về Lão mai quyền là dễ nhớ nhất:

Lão mai độc thọ nhất chi vinh

Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành

Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi

Phi nhất thác hoàn thối thanh đình

Tàng nha hổ dương oai thiết trảo

Triển giác long tất lực lôi oanh

Lão hầu thoái tọa liên ba biến

Hồ điệp song phi lão bạng sanh

Nguyệt quật song câu lôi điển chấn

Vân tôn tam tảo hổ xà thành

Tập võ phải khổ luyện rất nhiều nhưng khi người ta đã thích thì đó lại là niềm vui các bạn à. Nhiều lúc vẫn thấy khỏe khoắn vui vẻ khi đứng tấn lâu 5 hay 10 phút gì đó, hay những cú bay đá song phi cao khỏi đầu, những cú đá bàn long chân thẳng tấp, những cú khinh điêu thế trụ vững vàng…

4

Với bản thân tôi võ thuật nói chung cũng như võ cổ truyền nói riêng là niềm yêu thích từ nhỏ, được học, được tập luyện là một điều may mắn giúp cho tôi cũng như nhiều bạn võ sinh thêm hiểu thêm yêu không chỉ về võ thuật mà còn về võ đạo, về một nét tinh hoa của dân tộc để sau này dù đi đâu về đâu vẫn luôn nhớ về một thời cùng tập chung với nhau những thế đánh, thế quyền, những buổi đấu tập, những buổi tập giữa trời lạnh mà hơi nóng bốc ra từ người trong dưới anh đèn như khói… Sau này, với con cháu tôi, tôi vẫn cho chúng tập luyện vừa để có sức khỏe, tự bảo vệ bản thân, giúp đỡ người khác đồng thời góp phần duy trì một tinh hoa văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Lâm Đức Thiện (phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre)