Giữa những tháng ngày phát triển của Việt võ đạo (Vovinam), võ sư Nguyễn Lộc đã được tôn vinh như một huyền thoại.
- Yến phi quyền – Bài quyền do vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chế tác
- Những huyền thoại Võ thuật Việt Nam: Võ sư Từ Thiện và đòn “Bát quái côn” trấn áp giang hồ
Vị tổ sư có công khai sáng môn quốc võ thịnh hành khắp năm châu ấy giờ đã đi xa. Nhưng đức độ, tài năng cũng như những truyền kỳ đầy mê hoặc về đời hành hiệp của một nhân cách lớn thì vẫn được các hậu duệ của ông truyền tụng mãi mãi.
Khai tông lập phái giữa thời loạn
Xóm Giếng, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), nơi chúng tôi trở lại lần tìm dấu tích của một tổ sư lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử võ thuật Việt Nam đã thay đổi quá nhiều so với ngày võ sư Nguyễn Lộc còn sinh thời. Không có những võ quán và cảnh người người say mê tập luyện Vovinam như ai đó mường tượng. Sự ồn ã, nhộn nhịp của đời sống một làng nghề đã làm thay đổi nơi đây. Giữa cảnh xô bồ ấy, ngôi nhà thờ họ Nguyễn Đình nằm tĩnh lặng trong một con ngõ nhỏ, nghi ngút khói hương thành kính, trở thành không gian thực sự khác biệt để nghe và chiêm nghiệm câu chuyện về những tháng ngày khai tông, lập phái của chàng thanh niên Nguyễn Lộc.
Tiếp chúng tôi bên gian trái nhà thờ, ông Nguyễn Đình Tiếp – người cao niên nhất của dòng họ Nguyễn Đình không vào đề ngay mà chỉ lên bàn thờ, nơi chạm nổi đôi câu đối sơn son thiếp vàng: “Nguyễn Đình hữu phúc sinh tôn Lộc – Nam Bắc danh nhân thế hậu truyền”. Đôi mắt ông khi đọc đôi câu đối đã đi vào tiềm thức của từng người trong dòng họ Nguyễn Đình qua ngót trăm năm ấy lấp lánh niềm tự hào về người con ưu tú đã làm rạng danh gia tộc.
Theo cụ Tiếp, thì từ ngày mới lên 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Lộc đã theo cụ thân sinh Nguyễn Đình Xuyến rời làng lên Hà Nội. Dù được cha gửi vào học trường của người Pháp, nhưng từ sớm, Lộc đã cảm nhận được nỗi khổ đau trong thân phận nô lệ mất nước. Ý nghĩ ấy đã khiến cậu nung nấu quyết tâm, chỉ bằng con đường luyện võ, trước hết bảo vệ bản thân mình, sau là bảo vệ đồng bào trước cường quyền áp bức. Nhờ cha, Nguyễn Lộc tầm sư học đạo từ sớm và được thầy dạy khai tâm, chỉ dạy cho nhiều thế võ, vật dân tộc.
Suốt hành trình khổ luyện, Nguyễn Lộc không lúc nào tự cho phép mình ngơi nghỉ. Bất kể mùa hè nóng bức hay những ngày đông rét thấu xương thịt, ngày nào ông cũng dậy từ sớm, quần cộc cởi trần chạy từ nhà (phía sau chợ Hôm) ra bờ sông Hồng tập võ một mình. Hành trình kéo dài nhiều năm ấy đã tôi luyện cho ông một thân võ nghệ tinh thông, nhưng Nguyễn Lộc chưa hài lòng. Ông sáng tạo ra chủ thuyết Cách mạng tâm thân với mong muốn thay đổi toàn diện con người từ tâm hồn đến thể xác. Hoài bão đó thúc đẩy ông không ngừng nghiên cứu, sưu tầm và học hỏi hầu hết các môn võ thuật.
Cuối cùng, ông nhận ra môn nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu và dung hòa nó để sáng tạo ra Vovinam, môn võ hoàn toàn phù hợp với thể trạng nhỏ bé của người Việt. Quá trình tập luyện, học hỏi, sáng tạo để cho ra đời môn võ nay đã trở thành niềm tự hào dân tộc ấy, ông Tiếp nhẩm tính kéo dài 19 năm đằng đẵng.
Một mình dựng “Đả lôi đài”
Căn cứ vào những tài liệu hiếm hoi về thân thế của võ sư Nguyễn Lộc được ghi nhận, thì sự kiện minh chứng cho tài năng và tinh thần dân tộc của ông là màn phản kháng lại thực dân Pháp trong một buổi biểu diễn võ thuật do Hội Thân hữu thể dục thể thao tổ chức năm 1940. Giữa buổi lễ ấy, với sự xuất hiện của viên quan Pháp Ducoroy làm chủ tọa, ông Nguyễn Lộc đã từ chối không cho môn sinh thực hiện nghiêm lễ ngoài sân biểu diễn trước chính quyền thực dân. Hành động này đã khiến chính quyền cai trị lúc đó hết sức tức giận và ra sức ngăn cấm Vovinam phát triển. Nhưng số học trò, vì mến mộ khí tiết của võ sư Nguyễn Lộc, càng ra sức theo học Vovinam. Số lượng học viên thời điểm đó lên đến cả chục ngàn người. Trong quần chúng, thậm chí còn có khẩu hiệu: “Không học Vovinam không phải là người yêu nước”.
Câu chuyện về sự kiện năm 1940 ấy đến giờ vẫn được coi là mốc son đáng tự hào mà võ sư Nguyễn Lộc gây dựng cho võ phái mà ông sáng lập. Nhưng với những người cao niên trong họ Nguyễn Đình, mà đặc biệt là cụ Nguyễn Đình Tiếp, thì kỳ tích lưu truyền mà họ nhớ nhất phải là sự kiện ông Nguyễn Lộc “một mình dựng đả lôi đài thách đấu võ sỹ toàn miền Bắc vào năm 1939”.
Câu chuyện đã rất xa khiến ông Tiếp phải lục lọi khá lâu trong trí nhớ mường tượng lại. Cụ kể: “Năm 1938, võ đường Vovinam bắt đầu đi vào hoạt động nhưng vẫn trong vòng bí mật. Một năm sau đó, trước quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, để công khai hóa và dương danh Vovinam, võ sư Nguyễn Lộc đã một mình dựng đả lôi đài cho các môn sinh biểu diễn và bản thân mình thách đấu các võ sỹ miền Bắc”.
“Tôi không có dịp tận mắt chứng kiến sự kiện hùng tráng ấy. Nhưng nghe cụ thân sinh khi đó ra ở Hà Nội kể lại, thì trong vài ngày lôi đài dựng lên, võ sư Nguyễn Lộc đã một mình đánh bại gần chục cao thủ thách đấu. Nghe nói, oanh liệt nhất là màn tỷ võ với nhà vô địch quyền anh người Pháp” – ông Tiếp nhấp ngụm nước hồi tưởng. “Thời gian quá lâu nên tôi cũng không còn nhớ tên võ sỹ này. Chỉ biết, anh ta có cú đấm mạnh khủng khiếp. Người thường mà trúng phải một đấm ấy, nhẹ thì hộc máu gục ngay trên đài mà nặng thì nội thương phải nằm điều trị bệnh viện. Võ sư Nguyễn Lộc thể hình thấp bé hơn đối thủ cả cái đầu.”
Cụ thân sinh của tôi kể lại khi lâm trận, tay võ sỹ người Pháp lao ngay về phía võ sư Lộc tấn công dồn dập. Phía dưới đài, học trò và cả những người theo dõi nín thở lo lắng. Nhưng võ sư Lộc, với thân pháp nhanh nhẹn, biến ảo khôn lường đã khiến đối thủ hầu như chỉ đấm vào… khoảng không. Khi nhận ra đối thủ sơ hở, đột ngột từ phía sau, võ sư Lộc bay người, sử dụng đòn kẹp chân sở trường vật đối thủ ngã xuống đài. Ngay lúc ấy, nếu ông bồi thêm một đòn mạnh nữa, võ sỹ người Pháp chắc chắn sẽ bị thương nặng. Nhưng bằng tinh thần thượng võ, ông đã đỡ đối thủ dậy khiến nhà vô địch quyền anh người Pháp thua tâm phục khẩu phục. Còn khán giả phía dưới, vỗ tay rần rần vì vui sướng. 7 năm sau trận đánh oai hùng ấy, ông Tiếp kể mình cũng có dịp được thọ giáo tài năng của võ sư Lộc, khi ông dời toàn bộ võ quán dạt về xóm Giếng trong những ngày thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội. Cụ Tiếp kể: “Theo chân võ sư Lộc về lúc ấy chỉ có vài người học trò tin cẩn nhất, trong đó có cả trưởng tràng Lê Sáng (người sau này có công lớn đưa Vovinam phát triển trên bình diện quốc tế).”
Ngay khi về làng, võ sư Lộc mở lại võ quán, dạy cho khắp lượt thanh niên, già trẻ gái trai trong làng. Người theo học khi đó đông lắm, bởi ai cũng mến phục võ sư Lộc. Đến tháng 12/1946, khi Pháp chiếm Hà Nội, võ sư Lộc cũng rời làng. Ông mở võ quán ngay giữa chiến khu Việt Bắc, huấn luyện cho nhân dân và nhiều chiến sỹ du kích của quân ta.
Tâm nguyện của dòng họ Nguyễn Đình
Vào Nam và qua đời khi mới tròn 48 tuổi (năm 1960), võ sư Nguyễn Lộc đã không thể thỏa ước mong mà ông ấp ủ được trở lại quê hương. Ông Tiếp kể: “9 người con của võ sư Nguyễn Lộc từng trở về thắp hương nhà thờ họ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trước bàn thờ võ sư Nguyễn Lộc, họ đã nói rằng nguyện vọng lớn nhất của cha trước khi nằm xuống là sau này, xương cốt sẽ được mang về hoàn táng bên cạnh tổ tiên ông bà. Thể theo nguyện vọng ấy, dòng họ Nguyễn Đình cũng đã giữ một phần đất và dựng một ngôi mộ trống dành cho võ sư Lộc. Nhưng đến giờ, đã 50 năm sau ngày võ sư Lộc qua đời, linh cữu của ông vẫn chưa thể trở về quê hương”.
Theo chân cụ Tiếp và những người cao niên khác trong dòng họ Nguyễn Đình ra thăm ngôi mộ dựng sẵn nay đã phủ mờ vì bụi thời gian, người viết đã được nghe tâm nguyện với vị tổ sư khai sáng Vovinam. “Dòng họ Nguyễn Đình cũng nhiều lần đề nghị liên đoàn Vovinam giúp đưa linh cữu võ sư Lộc về quê nhà. Đó là tâm nguyện bao nhiêu năm nay”. Vẫn theo lời cụ Tiếp, thì chính quyền xã cũng đã hứa nếu chuyển được hài cốt võ sư Lộc từ trong Nam ra, họ sẽ hỗ trợ xây cho cụ một lăng mộ thờ tự đàng hoàng để khách thập phương về thăm viếng.
Thật đáng tiếc, khi đến ngày Vovinam được thừa nhận rộng rãi là Quốc võ của dân tộc ta, thì nguyện vọng lớn nhất cuối đời của vị tổ sư khai sáng môn phái vẫn chưa thành. Võ sư Lê Sáng – người học trò trưởng từng mấy lần mong muốn thực hiện di nguyện của sư phụ, giờ đã về trời. Vài năm nữa, liệu những thế hệ học trò của võ sư Lộc có hoàn thành tâm nguyện cho ông, hay con cháu dòng họ Nguyễn Đình và khách thập phương về lại Hữu Bằng thăm phát tích của Việt võ đạo, lại phải đành thắp nén nhang cho vị võ sư trên ngôi mộ trống?
Anh Thư (T.H)