Năm 1968, tôi đang học lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay), nghe tin có một buổi biểu diễn võ thuật tại khuôn viên của trường Đại học sư phạm Huế, liền háo hức rủ các bạn trong lớp học đến xem. Lúc này tôi chưa có khái niệm gì về sự khác biệt của các môn võ thuật, chỉ có lòng đam mê võ thuật nói chung đã có từ trong tôi không biết từ lúc nào.
Buổi biểu diễn chỉ diễn ra trong 45 phút, nhưng đã cuốn hút tôi từ đầu cho đến phút cuối với những kỹ thuật đẹp mắt và hiệu quả. Tuy nhiên, cái mà đã gây ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi hôm đó là thần thái của vị võ sư người Nhật khi chào khán giả để biểu diễn một bài kata. Khi chào, ở người võ sư này đã toát lên vẻ khiêm cung, điềm tỉnh, tự tin, ung dung, tự tại. Chính cái thần thái của võ sư người Nhật đã chỉ đường cho tôi đến với môn võ Karate-Do, môn võ mà tôi đã đeo đuổi trong suốt 44 năm qua và võ sư người Nhật đó là Choji Suzuki, sư phụ kính yêu của tôi. Buổi tập đầu tiên đã để lại cho tôi một ấn tượng khó phai… Đã không có một kỹ thuật, một đòn thế chiến đấu nào được thầy Suzuki truyền dạy trong buổi đầu tiên này như tưởng tượng trong đầu của tôi. Bài dạy đầu tiên thầy Suzuki dạy chúng tôi lúc đó là chữ LỄ trong VÕ ĐẠO của Karate-Do qua các nghi thức chào và ý nghĩa của nó trong một Đạo đường Karate-Do. Trong các buổi tập Karate-Do, thầy Suzuki rất chú trọng dạy VÕ ĐẠO cho chúng tôi, thầy hay nói: “tiên học lễ, hậu học võ”.
Năm 1984, tôi mở lớp dạy môn võ Karate-Do tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Đây là CLB Karatedo đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa. Lúc này nhiều người chỉ nghĩ đến khía cạnh VÕ THUẬT mà chưa hiểu khía cạnh VÕ ĐẠO của môn võ Karatedo. VÕ ĐẠO là gì? ĐẠO mang ý nghĩa conđường, suy rộng ra là hệ thống triết lý. VÕ ĐẠO tức hệ thống triết lý về võ, vạch ra khuynh hướng và đường hướng tu dưỡng, rèn luyện cho người tập võ , để thể chất và tinh thần được nâng lên đỉnh cao, hình thành tính chịu khó, kiên nhẩn, không ngại gian khổ, vượt thắng chính mình, tính kỷ luật trong sinh hoạt tập thể, sự điều độ trong đời sống hàng ngày, kiểm soát được hành vi trong giao tiếp với người khác, giàu trí tưởng tượng và phát triển óc sáng tạo. Hơn nữa, VÕ ĐẠO tạo được sự liên kết, tương thông, mối đồng cảm giữa các cá thể trong xã hội. VÕ ĐẠO trong Karate-Do rất coi trọng lễ nghi, truyền thống – “Tiên học Lễ, hậu học Võ”. Người Nhật gọi võ đường là Dojo. Do là đạo đức, jo là nơi, Dojo là nơi rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Môn sinh phải chào mỗi lần vào và ra khỏi Dojo, phải chào Tổ và chào Thầy trước và sau mỗi buỗi buổi tập, phải chào huynh đệ, chào bạn đồng môn trong các bài tập và trong các trận đấu luyện; phải chào nhau mỗi lần gặp bất cứ nơi đâu bên ngoài Dojo. Mọi bài quyền của Karate-Do đều mở đầu bằng động tác chào, và kết thúc cũng với động tác chào. Kỹ thuật bắt đầu của các bài quyền Karate-Do phải là thế thủ, như ngầm chứa lời dạy: học võ chỉ cốt để tự vệ chứ không phải để gây hấn, đánh người… Lễ trong Võ đạo Nhật Bản khác từ căn bản với Lễ trong hệ thống “tam cương ngủ thường” của Nho giáo. Lễ theo Nho giáo là nội dung thứ ba của “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), là hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong mối quan hệ của “tam cương” (quân thần, phụ tử, phu phụ). Đó là mối quan hệ dựa trên tinh thần: với vua thì “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”; trong gia đình thì “tại gia tòng phụ”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”; trong đạo vợ chồng thì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, “phu xướng phụ tuỳ”, “gọi dạ bảo vâng”… Quan niệm này mang nặng tính chất phong kiến, ngày nay không còn phù hợp nữa. Lễ trong Võ đạo Karate-Do dựa trên tinh thần bình đẳng, đậm tính nhân văn: kính mà không sợ, tôn trọng mà không sùng bái, lễ phép mà không cúi lòn, mềm mỏng mà không nhu nhược… Tất cả được biểu hiện, ví dụ như cái chào của môn sinh Karate-Do chẳng hạn: nghiêng người 45 độ, mắt nhìn về phía người đối diện, thần thái toát lên vẻ khiêm nhường và tôn trọng.
Trong sâu xa của võ thuật có 2 phần là phần thuật và đạo. Thuật chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn đạo mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Những người tập Karate-Do lâu năm đều biết rằng: Đạo chính là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính phải phấn đấu đạt đến. Trong các Đạo đường Karate-Do thường treo đại tự “NHẪN”. Bởi chính đó là nền tảng hun đúc nên tinh thần thượng võ. Thầy Suzuki thường nhắc nhở các cao đồ của thầy trong các buổi tập dành cho các Huấn luyện viên là: “Dụng ý bất dụng lực”. Xưa nay các môn võ phương Đông dù khác nhau ở chiêu thức, nhưng đều có điểm giống nhau ở môn qui: không phản môn, không phản thầy, không khoe tài, không ỷ lực hiếp người; không háo sắc, loạn dâm; không thắng vui, thua buồn… Tuy nhiên, người đạt đến đạo của võ chắc không cần phải nhớ những điều cụ thể này nữa, bởi họ đã hiểu tận cùng chữ “NHẪN” của nhà võ, và tự nó bao trùm nên tất cả. Ngộ được chữ “NHẪN” còn hơn mọi đòn thế. Mục đích lớn nhất của võ chính là vừa giúp mình, vừa cứu cả đối thủ, trong khi tránh được bao rắc rối nảy sinh sau đó. Cao hơn nữa đó là sự khuất phục đối thủ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thắng người.
Ngày nay môn võ Karatedo được thể thao hóa qua việc thi đấu quốc tế tranh hơn thua. Mặt tích cực của nó là giúp người luyện võ tinh thần phấn đấu, rèn luyện sức khỏe, võ thuật. Nhưng chỉ chú tâm vào chiến tích thấy được, e rằng dễ rơi vào cuồng vọng thắng người mà quyên mất phải tự thắng chính mình, đó chính là sự chiến thắng thượng thừa nhất của người luyện võ. Trong đạo đường Karate-Do của võ sư Nguyễn Văn Dũng ở Huế có một hàng chữ mà tôi rất tâm đắc: “Chiều hôm qua một đạo quân không làm tôi sợ. Tối hôm nay tôi sợ bóng mình”. Chiến đấu với bản thân mình luôn là cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ nhất, và muốn là kẻ chiến thắng, trước hết phải thắng mình.
Chúng ta học võ Karatedo quan trọng nhất là học tinh thần võ đạo trong môn võ này, là luyện ý chí, lòng tự tin và tạo điều kiện để sống một đời sống nhiều ý nghĩa hơn. Ngày nay con người rât văn minh, sống có luật pháp, có công cụ tối tân trong các ngành sản xuất, vật chất xã hội đầy đủ, các phương tiện phục vụ đời sống ngày càng tinh vi và tiện nghi. Ngược lại, con người luôn căng thẳng và tất bật với cảnh đời đất chật người đông, quay cuồng tranh sống, nghèo tranh theo nghèo, giàu tranh theo giàu. Trong mỗi con người dễ xảy ra hiện tượng mất quân bình, hoặc ở thể chất hoặc tinh thần. Cơ thể suy nhược, thoái hoá,thần kinh căng thẳng, nội tiết rối loạn, tạng phủ suy yếu, làm nảy sinh bao nhiêu bệnh chứng. Lao động tạo ra của cải để huởng thụ, nhưng khi bệnh tật hành hạ xác thân, mọi thứ sung sướng trên đời đều vô nghĩa. Giai đoạn Võ là chất liệu kiến tạo lịch sử đã qua rồi, chiến tranh ngày nay có thể giết người hàng loạt chỉ cần một ngón tay bấm nút. Nhưng VÕ ĐẠO vẫn luôn đồng hành với con người… Các bài vận động có phương pháp giúp ta hồi phục nhanh chóng những hao tổn của cơ thể sau quá trình làm việc; bầu không khí chan hoà tình cảm của Dojo Karatedo cộng với sự chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp của võ làm xã giản bao ưu tư bực bội, căng thẳng của óc não. Nói chung sinh hoạt VÕ ĐẠO mang lại quân bình cho người tập, sức khoẻ tăng tiến, phòng chống bệnh tật, biết đủ với sinh hoạt vật chất, biết bình hoà trong đời sống tinh thần, tình cảm, biết yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, yêu cuộc sống. Võ Đạo sẽ mang lại hạnh phúc cho những ai biết vận dụng.
Võ sư Nguyễn Tấn Kiệt