Với lịch sử võ thuật thế giới, môn phái nào, dòng võ nào cũng có cẩm nang, phương pháp luyện võ riêng. Những làng võ sông Côn – Bình Định cũng không nằm ngoại lệ, cho dù đó là sáng tạo từ đồng ruộng, từ làng quê , từ những con vật gần gũi với đời sống nhà nông.
Thế nhưng phương pháp luyện võ không vì thế mà kém phần tinh túy, cao trọng. Đó chính là tinh thần võ đạo “võ gia ngũ luyện pháp” mà nhiều lão võ sư đã ngày đêm truyền lại cho hậu thế:
Phong dạ đăng sơn
Hắc dạ đả quyền
Nguyệt dạ luyện kiếm
Vũ dạ cán binh
Trí dạ tọa tĩnh
Có nghĩa là:
Buổi tối trời gió lên núi luyện võ
Đêm tối đánh quyền trong vườn nhà
Đêm trăng luyện kiếm dưới ánh trăng
Đêm mưa ngồi tu luyện, đọc kinh
Dùng trí ngồi luyện thiền trong đêm.
Phương pháp luyện võ chân thành, nhân văn mà cũng mang tầm đạo pháp, triết lý sâu sắc chính là đây: Học võ chính là tu thân!.
Hãy cùng thầy trò võ đường Lê Xuân Cảnh đưa nhau lên núi luyện võ như tâm thế sống của võ gia ngũ luyện pháp: Phong dạ đăng sơn. Những đứa trẻ mục đồng luôn nuôi dưỡng một ước mơ lớn qua bài quyền “lão hổ thượng sơn”.
Hổ là loài được xếp vào hàng chúa sơn lâm, bài quyền mang thần thái uy nghi, tự chủ. Các chiêu thức dựa trên triết lý “dĩ nhu chế cương” nên dứt khoát, cứng rắn mà không thô kệch; mạnh mẽ mà vẫn biến ảo trong những thủ pháp đặc dị. Bộ pháp và Thân pháp nhịp nhàng biến hóa, hỗ trợ cho thủ pháp luôn che phủ kín thân mình khi phòng thủ và dũng mãnh khi tấn công. Khi chậm thì ung dung, thư thái, khi nhanh thì uy lực, dữ dội.
Một tâm thức núi, một tâm thức võ đạo luôn mang đến cho các em một hoài bão được nung nấu từ làng quê, học võ luyện võ chính là học làm người, học cách rèn luyện một nhân cách lớn mà các em đã được thấm đẫm từ thuở ấu thơ từ giọt cát sông Côn.
Nhật Vũ