Kỳ 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức
Kỳ 2: Vovinam – Việt Võ Đạo: Phải chuyển mình mới mong vươn ra biển lớn…
Kỳ 3: Võ cổ truyền TP.HCM – Trên đường thống nhất
Kỳ 4: Taekwondo TP.HCM – Hành trình của những cảm xúc
Kỳ 5: Judo TPHCM: Bao giờ cho đến tháng 10?
Kỳ 6: Boxing TP.HCM – Thời vàng son còn đâu?
Kỳ 7: Karatedo – Bánh xe hình vuông
Đó là tình trạng của bộ môn Karatedo TP.HCM, môn võ du nhập và phát triển rất sớm tại Sài Gòn và sau ngày đất nước thống nhất, đây đã từng là trung tâm mạnh của quốc gia. Thế nhưng, theo thời gian, chính những cái tôi quá lớn của những người làm Karatedo TP.HCM đã khiến bộ môn mất dần địa thế của mình trong các cuộc tranh tài quốc gia.
Pencak Silat – Wushu: “Thời xa vắng” đã xa
Năm 1989, Pencak Silat được du nhập vào Việt Nam theo phương châm “đi tắt đón đầu” của ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Nhằm chuẩn bị lực lượng võ sĩ tham dự giải VĐQG lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12-1994 tại Hà Nội, Liên đoàn Võ thuật TP HCM giao nhiệm vụ cho Hội… Võ cổ truyền phụ trách đào tạo võ sĩ cho giải đấu này. Tuy vậy, phong trào chưa phát triển rộng rãi trên phạm vi các quận, huyện đã khiến TP HCM từ việc đi tiên phong phát triển môn võ thuật có xuất xứ từ Indonesia tại các tỉnh, thành, ngành phía Nam lại ngày càng tụt hậu và bị vượt mặt. Và từ đó, Pencak Silat TPHCM dần dần bị xóa sổ trên bản đồ Pencak Silat Việt Nam.
Năm 2000, Pencak Silat TP HCM tái xuất tại Cúp CLB toàn quốc nhưng lực lượng tham dự giải đấu này lại là các võ sĩ trẻ của… Quân đội. Đứng trước thực trạng Pencak Silat đang ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn quốc, và chiếm vị trí cao trên đấu trường quốc tế, Sở TDTT TP HCM và Liên đoàn Võ thuật TP HCM quyết định khôi phục lại môn võ này. Cuối tháng 10-2001, các võ sĩ đầu tiêu của Pencak Silat TP HCM chính thức bước vào tập luyện tại Trung tâm Đào tạo Võ thuật TP HCM dưới sự huấn luyện của HLV Giáp Trung Thang. Tháng 4-2002, sau gần nửa năm tập luyện, lần đầu tiên thầy trò Pencak Silat TP HCM thử sức tại giải đấu cấp quốc gia: Giải Cúp CLB toàn quốc được tổ chức tại Thị xã Quảng Ngãi. Kết quả là. 7 võ sĩ thua cả 7 ở ngay trận đấu đầu tiên (cả đội buồn bã chia tay Quảng Ngãi trong khi giải phải còn đến 2 ngày nữa mới kết thúc). Tuy nhiên, chính từ những thất bại này, Pencak Silat TP HCM đúc kết ra những kinh nghiệm cũng như những so sánh thực lực dựa trên thực tế: sẽ chuyển giao thế hệ ngay khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4-2002, bởi lẽ các võ sĩ kinh nghiệm đã thành danh sẽ từ thảm đấu vì lớn tuổi, và lúc đó, các đoàn sẽ trở lại vạch xuất phát từ lứa võ sĩ trẻ.
Từ suy nghĩ này, thầy trò Pencak Silat TP HCM tiếp tục luyện tập tích cực để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần 4 và xa hơn là các giải đấu trong những năm tiếp theo. Những chuyến tập huấn thể lực tại Vũng Tàu đã giúp cho các võ sĩ trẻ có được nền tảng thể lực cơ bản để đáp ứng giai đoạn nâng cao về kỹ thuật, rồi những buổi thi đấu giao hữu cọ xát với các đội phía Nam: Quân đội, An Giang và Tiền Giang đã giúp các võ sĩ TP HCM đúc kết những kinh nghiệm thi đấu. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 đánh dấu một bước tiến của Pencak Silat TP HCM với tấm HCĐ đầu tiên của võ sĩ Nguyễn Quang Minh ở nội dung seni (biểu diễn quyền). Và từ đây, Pencak Silat TP.HCM đã đi đúng con đường của mình, hòa nhập mạnh mẽ với làng võ cả nước, thường xuyên đào tạo được những thế hệ võ sĩ kế thừa. Tại giải trẻ toàn quốc 2013, TP.HCM đứng đầu toàn đoàn với 20 huy chương các loại; tại giải Đại hội võ thuật thế giới 2015 vừa diễn ra tại Thái Lan, Pencak Silat VN, nòng cốt là các võ sĩ TP.HCM cũng đoạt 3HCV, 3HCB và 3 HCĐ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên đấu trường quốc gia nhằm đóng góp thành tích cho thể thao thành tích cao TP HCM, Pencak Silat TP HCM còn duy trì và nhân rộng phong trào tập luyện trên địa bàn các quận, huyện TP.HCM: nếu năm 2002 chỉ 200 người tập luyện thường xuyên thì đến nay con số ấy đã tăng gấp 7 lần, và có 18/24 quận, huyện đăng ký tham dự các giải toàn thành.
Tương tự như Pencak Silat, Wushu TP.HCM cũng là môn võ đi sau Hà NỘi 3 năm (từ năm 1992). Ngày ấy, Liên đoàn Võ thuật TP.HCM cấp cho môn phái Hồng Gia quyền video tư liệu 7 bài thi quy định của Liên đoàn Wushu thế giới để nghiên cứu “xem thử” học hỏi môn này. Chính HLV Đinh Chí Dũng, sau này là trưởng bộ môn Wushu TP.HCM thừa nhận: “Thấy thích thú nên chúng tôi mới tập thử và kết quả là nhiều HLV bị chấn thương, nhất là khi tập thử đòn đá kích hưởng trong bài Nam quyền”. 4 năm sau, TP.HCm đã có ngôi vương đầu tiên của võ sĩ Phan Phát Đạt.
Từ cuối năm 1996, khi bộ môn Wushu TP.HCm được thành lập và đội tuyển được gửi sang Trung Quốc tập huấn (dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Trần Húc Hồng), đến nay wushu TP.HCM liên tục gặt hái được các thành tích cao, chỉ xếp sau Hà Nội và đóng góp nhiều gương mặt cho tuyển quốc gia như Tống Hoàng Lân, Nguyễn Huy Thành, Hồng Quang, Trần Trọng Bình…
Có thể nói, dù đi sau Hà Nội nhưng những gì mà bộ môn Pencak Silat và Wushu của TP.HCM làm được về mặt thành tích và phát triển phong trào là rất đáng trân trọng và có quyền tự hào. Đó là thành quả của những con người hoạt động không ngừng nghỉ và tâm huyết (thậm chí có cả sự tự ái của những con người mê võ sinh trưởng tại thành phố có nền kinh tế phát triển bậc nhất quốc gia). Trong khi đó, Karatedo TP.HCM lại là một câu chuyện buồn…
Karatedo: Bánh xe hình vuông
Trái với Pencak Silat và Wushu, Karatedo du nhập vào Sài Gòn khá sớm do cố võ sư Hồ Cẩm Ngạc khởi xướng và truyền bá hệ phái Kyokushin kai (do võ sư Mas Oyama sáng lập) khoảng đầu thập niên 50 và đây là một trong những môn võ có phong trào mạnh cho đến ngày đất nước thống nhất.
Cùng với một số môn võ khác, Karatedo bắt đầu manh nha hoạt động lại vào khoảng năm 1978. Đến đầu năm 1986, bộ môn Võ vật Sở TDTT TP HCM nhiều lần họp với HLV đại diện các quận, huyện để tiến đến thành lập Ban chuyên môn vào năm 1987 do ông Nguyễn Văn Ái làm Trưởng ban và bà Đào Thu Thủy đảm nhận Phó ban phụ trách kỹ thuật. Trong 2 năm hoạt động, Ban chuyên môn đã tổ chức kiểm tra đẳng cấp cho các đai đen, thống nhất chương trình huấn luyện chung cho toàn thành phố, biên soạn luật thi đấu và tổ chức giải Karatedo TP HCM lần thứ 1 vào tháng 9/1988. Sau khi được thành lập (1989), Hội Karatedo TP HCM đã tổ chức Hội thảo phương hướng cho các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Long An, Lâm Đồng, An Giang, Cửu Long, Tiền Giang…
Từ đó đến nay, phong trào Karatedo vẫn tiếp thục thu hút số lượng lớn võ sinh ngày càng nhiều quy tụ trên 10.000 võ sinh thường xuyên tập luyện tại 47 đơn vị (quận, huyện, ban ngành). Nhiều võ sư Nhật Bản từng sang tập huấn kỹ thuật chuyên môn cho lực lượng HLV của thành phố. Ngay trong lần đầu tiên tham dự giải VĐTQ năm 1991 tại Bình Trị Thiên, Karatedo TP HCM đã đoạt 3 ngôi vị quán quân do công của 2 nữ võ sĩ Huỳnh Thị Ngọc Phương và Huỳnh Thị Ngọc Thảo. Những năm tiếp theo (cho đến 2003), năm nào Karatedo TP.HCM cũng có được 1-2 “vàng”. Trên đấu trường quốc tế, Karatedo TP.HCM có VĐV từng đoạt huy chương tại giải Trẻ châu Á, SEA Games… Đặc biệt, nữ võ sĩ Nguyễn Trọng Bảo Ngọc đã tỏa sáng tại ASIAD Busan 2002 (Hàn Quốc) với ngôi vô địch hạng cân 65kg – một thành quả rất đáng tự hào cho bộ môn và ngành TDTT TP HCM. Và đó cũng là gương sáng cuối cùng của Karatedo TP.HCM thành tích cao cho đến thời điểm này…
Giới hâm mộ không khỏi băn khoăn trước “biến động” về mặt tổ chức của Hội Katatedo TP.HCM so với các Hội – Liên đoàn võ khác. Thậm chí có thời gian hội bị giải tán để dành thời gian giải quyết các đơn khiếu kiện. Những nguyên nhân dẫn đến “biến động” một phần do Karatedo TP.HCM có quá nhiều hệ phái Shotokan, Shuzucho, Seishinkai, Wado, Goru, Shito… nên việc thống nhất hệ thống kỹ thuật, bài quyền, đai đẳng, phù hiệu chung… là vô cùng khó khăn. Khi điều hành công việc, một số thành viên BCH chưa nghĩ đến cái chung đã làm nội bộ lủng củng. Trước tình hình đó, Liên đoàn võ thuật TP.HCM đã tổ chức để phân tích ưu khuyến, dàn xếp những mâu thuẫn nhưng kết quả chẳng có gì phấn khởi vì anh em chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng… Karatedo TP HCM từ thế mạnh chuyển sang thế xoàng xĩnh. Nhiều tỉnh, thành bạn được sự trợ giúp của TP HCM trước đây lại tiến bước. Đội ngũ võ sư tuy đông đảo, chuyên môn cao nhưng chia rẽ, cản trở nhau trong công việc. Cũng chính bởi không hình thành được một tổ chức mạnh, không tập hợp được trí tuệ và tài năng để để cùng hướng đến mục tiêu chung nên không những không phát huy được tiềm năng mà dần đi vào thoái hóa, trì trệ, lạc hậu, không cập nhật những kiến thức mới về kỹ thuật cũng như luật lệ, từ đó không thể đào tạo được đội ngũ võ sĩ giỏi. Và cũng chính bởi không có tổ chức mạnh nên Hội rất khó kêu gọi sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế, dẫn đến việc bộ môn càng thêm lạc hậu. Ông Vũ Việt Bảo, tổng thư ký Hội Karatedo TP.HCM cho biết: “Karatedo TP.HCM quyết tâm trở lại vị thế của mình. TPHCM sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào karatedo học đường và trong quần chúng. Từ đó sẽ tìm kiếm nhiều tài năng hơn, mặt khác các phụ huynh cũng hiểu và ủng hộ cho con em theo nghiệp thể thao. Karatedo TPHCM cần tăng qui mô đào tạo và số lượng các khóa học cho HLV, Hướng dẫn viên; Liên hệ với các khối trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để mở CLB; Khuyến khích các quận, huyện tổ chức các giải phong trào; Giới thiệu và có kế hoạch đưa Karatedo vào các CLB trường học trở thành môn học tự chọn cho học sinh ở khối các trường tiểu học và phổ thông; Mở rộng đối tượng tham dự các giải cấp thành phố và hình thành giải Karatedo thành phố mở rộng…”.
Như vậy, trong tương lai, cũng như các môn võ khác, Karatedo vẫn sẽ dựa vào lực lượng phong trào của mình để đào tạo lứa võ sĩ đỉnh cao. Tuy nhiên, có thể thấy, câu chuyện về việc phát triển, thành – bại ở các môn Pencak Silat, Wushu (đi sau về trước) và Karatedo (đi trước về sau) đều từ yếu tố con người. Ai cũng thấy, phong trào Karatedo TP.HCM vẫn phát triển rất mạnh, ấy là nhờ sự nhiệt huyết của các võ sư tài năng, mong muốn phát triển và lan tỏa hệ phái của mình. Nhưng cũng những con người tài năng – nhiệt huyết ấy, một khi vẫn giữ cái tôi quá lớn, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung thì khi ấy, Karatedo TP.HCM vẫn cứ mãi tụt hậu. Ấy là một cỗ xe với 4 bánh hình vuông, nơi “các thầy” vẫn còn ôm ấp, đóng khung vuông vức các ý kiến, khư khư gìn giữ mãi cái tôi của mình. Xe có bánh hình vuông thì vẫn chạy nhưng mà ì ạch lắm, chẳng thể nào đi nhanh, đi xa được…
Hoàng Võ