Có thể nói hầu hết các quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia đều có một lịch sử dựng nước và những cuộc đấu tranh giữ nước, từ khi lập quốc đến khi mà đất nước của họ thực sự độc lập.
Quá trình đấu tranh chống lại những kẻ thù xâm lược thì họ đều sử dụng các biện pháp võ bị, đi từ chiến đấu bằng tay chân đến sử dụng các loại vũ khí và công cụ hiện đại.
Từ những cuộc đấu tranh như vậy, nhiều quốc gia có lịch sử võ học gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm. Nhìn chung những quốc gia ấy đều có nền võ thuật truyền thống nổi tiếng, trong đó có Việt Nam và một số quốc gia khác như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên – Hàn quốc, Thái Lan, Indonesia, Sir Lanka, Ấn độ, Brazil…
Nhiều môn võ thuật truyền thống có bề dày lịch sử lên đến nhiều nghìn năm, như võ thuật Ấn Độ, Sir Lanka hay Việt Nam.
Đây cũng là chất liệu làm nên lịch sử của họ. Đồng thời chính nền tảng võ thuật truyền thống của các quốc gia này đã hun đúc một tinh thần tự tôn của dân tộc họ.
Việt Nam cũng vậy.
Lịch sử võ học Việt Nam đã ra đời từ thời Hồng Bàng, nhưng vì không có sử sách biên niên, nên chỉ có thể căn cứ vào huyền thoại và những hình vẽ trên đá cũng như những cổ vật được các nhà khảo cổ tìm thấy, để xác định niên đại của sự ra đời nền võ học Việt Nam mà thôi.
Qua những chứng tích lịch sử như trống đồng Ngọc Lũ và các vũ khí thô sơ đào được, chúng ta có thể ước đoán về các loại vũ khí đã được người xưa sử dụng và kỹ thuật dụng võ trong thời huyển sử như:
-Búa rìu: được người xưa sử dụng như một loại vũ khí chiến đấu, các thế đánh thể hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.-Dao ngắn: qua những hình ảnh khắc họa trên những di tích đào được bằng đá và bằng đồng. Nghĩa là phép đánh dao ngắn cũng ra đời rất sớm.
-Lao, giáo: qua những hình vẽ cổ. Mới đầu loại vũ khí này chỉ là để dùng vào việc săn bắt và đánh cá. Sau được dùng vào việc đánh cận chiến. Có thể từ đó dẫn tới phép đánh giáo, thương và mâu.
Đến đời An Dương Vương thì cây gươm xuất hiện. Gươm, được chế biến từ dao ngắn đã nâng cao kỹ thuật cận chiến của người thời huyền sử. Có thể từ đó “kiếm pháp” (phép đánh gươm) được ra đời.
Đặc biệt môn vật là hình ảnh hiếm hoi thể hiện lối chiến đấu bằng tay không, ngoài ra không có nhiều hình ảnh cho thấy kỹ thuật chiến đấu bằng tay không của người xưa thế nào.
Ngay cả môn Võ trận được lưu truyền đến nay, là môn võ lâu đời nhất và được xem là “thuần khiết” nhất, cũng chỉ thể hiện các phép sử dụng các phương tiện, dụng cụ và vũ khí trong trận chiến mang tính quần đấu mà thôi.
Rồi hàng loạt những kỹ thuật sử dụng võ học và áp dụng binh pháp được ra đời phục vụ cho công việc đấu tranh chống lại kẻ thù.
Tuy nhiên, trong võ bị thì các trận chiến đưa đến thành công, có thể nói đều dựa vào binh pháp, chiến thuật, chứ không phải là trình độ hoặc kỹ năng võ thuật của cá nhân.
Bởi gần như tất cả đều diễn ra bằng các trận quần đấu và yếu tố thắng lợi tùy thuộc vào chiến thuật, chứ không phải đơn thuần như là một người đấu với một người! Kỹ năng võ thuật chỉ phát huy trong vai trò hỗ trợ cho một trận đánh mà binh pháp đã bày ra.
Các câu chuyện tướng ra trận với đơn thương độc mã (một cây thương một con ngựa) gần như chỉ có trong tiểu thuyết hoặc phim ảnh mà thôi.
Lịch sử Việt Nam chỉ đề cập đến tên các vị tướng lừng danh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung hay thậm chí các vị tướng như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân…đều là những võ tướng có tài, nhưng không phải họ chiến đấu đơn phương khi chạm trán với quân thù, mà thành tích của họ gắn liền với những thế trận được bày ra từ chiến thuật – binh pháp, bên cạnh đó là đội quân tinh nhuệ được huấn luyện võ thuật cận chiến tốt.
Duy nhất chỉ có Thánh Gióng là hình tượng một mình một ngựa mà đánh nhau với địch. Nhưng Thánh Gióng lại là một truyền thuyết!
Binh pháp đóng một vai trò quan trọng và quyết định trong các cuộc chiến.
Tuy nói võ tướng, nhưng nếu không có các quan văn làm quân sư (cố vấn) thì các trận đấu sẽ khó có thể mang lại chiến thắng.
Lê Lợi đã từng đánh đâu thua đó vì không biết dụng mưu, không biết dụng kế lấy yếu địch mạnh, dĩ nhu thắng cương, nên thất bại liên tục. Nếu không nhờ quân sư Nguyễn Trãi thì có khi không có Lê Thái Tổ!
Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa của Trung Hoa thì Khổng Minh đóng một vai trò quan trọng trong các trận chiến giành thắng lợi về cho Lưu Bị, mặc dù dưới trướng của Lưu Bị khá nhiều tướng võ giỏi.
Trong lịch sử, thì nhiều tướng lĩnh khác đều đã sử dụng binh pháp để làm nên chiến thắng.
Đã xác định võ bị của một quốc gia, phụ thuộc vào binh pháp nhiều hơn chứ không phải trình độ võ thuật của một vài cá nhân. Nhưng vì sao, ngày xưa võ tướng phải là người giỏi võ? Và kỹ năng võ thuật của họ lại có sức ảnh hưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử để trở thành yếu tố tạo nên lòng tự tôn của dân tộc và nhiều dòng võ truyền thống được duy trì?
Bởi lẽ, thời đó một cá nhân muốn thống lĩnh ba quân phải là một người tài trí, mà võ tướng thì trước hết phải là người giỏi võ.
Các cuộc thi võ đã diễn ra để tuyển chọn tướng cầm quân.
Trước khi cầm được lực lượng binh bị và vận dụng binh pháp thì trước hết họ phải khuất phục được những người khác bằng võ công. Nghĩa là những trận đấu đơn, những cuộc thi triển võ công cá nhân được diễn ra trong trường hợp này.
Tuy nhiên, chính vì không được biên niên, nên lịch sử võ học của chúng ta đã đứt mạch trong giai đoạn giao thoa giữa võ thuật thời huyền sử và võ thuật thời Bắc thuộc. Vì vậy không có tư liệu nào ghi lại những chiêu thức, những đòn thế kỹ thuật mà người xưa đã sử dụng ra sao!
Có thể hiểu rằng bắt đầu từ thời kỳ Bắc thuộc, cũng là thời kỳ được ghi chép, thì nền võ học Việt Nam đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi võ thuật Trung Hoa.
Đa phần các dòng võ cổ truyền Việt Nam đã nói lên điều đó.
Sự pha trộn rất khó phân biệt giữa dòng võ thuần Việt của thời huyền sử và dòng võ thời Bắc thuộc!
Song, cho dù không ai xác định được bản chất thuần khiết võ thuật đầu tiên của Việt Nam ra sao, nhưng với truyền thống dựa trên nền tảng võ bị chống ngoại xâm xuyên suốt hàng nghìn năm, đã hun đúc nên một lòng tự tôn của dân tộc, một hào khí Đông A của đời nhà Trần luôn rực cháy trong dòng máu Lạc Hồng và đặc biệt là trong lòng tự hào của người luyện võ.