Vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Vovinam (VVN ) với màu áo xanh đại dương bắt đầu xuất hiện và góp mặt cùng làng võ Khánh Hòa, rồi phát triển lan dần ra các vùng miền của dãi đất miền trung Việt Nam.

Từ ấy đến nay, trải qua 55 năm thành lập và phát triển, lúc thăng, lúc trầm, lúc chững lại hòa cùng vận nước.

Giải Vô địch Vovinam các nhóm tuổi tỉnh Khánh Hòa năm 2022 diễn ra thành công tốt đẹp. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam – Việt võ đạo Khánh Hòa cho biết: “Ba năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phong trào Vovinam của tỉnh bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến việc tập luyện. Nhưng với sự quan tâm của sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo ngành của các địa phương và nhất là sự quyết tâm đồng lòng của BCH Liên đoàn, các võ sư HLV và các môn sinh đã làm nên sự thành công của một số hoạt động, giải đấu trong năm qua như phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa biểu diễn thành công tại Lễ khai mạc HKPĐ tỉnh; phối hợp cùng Đài PTTH Khánh Hòa thực hiện và hoàn thành tốt chương trình Võ Việt trên KTV; Giải Vovinam các nhóm tuổi Tỉnh thường niên giúp những người làm chuyên môn phát hiện nhiều tài năng cho Vovinam tỉnh nhà, góp mặt ở những giải đấu quốc gia, quốc tế trong tương lai.”

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam – Việt võ đạo Khánh Hòa nhiệm kì 2018-2023

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, Tây giáp tỉnh Daklak và tỉnh Lâm Đồng, Nam giáp tỉnh Ninh Thuận và Đông giáp Biển Đông. Đây là vùng đất hiền hòa với bốn mùa khí hậu rõ rệt, người dân chủ yếu sống nhờ nông và ngư nghiệp. Dân cư tập trung đông nhất ở tỉnh lỵ là thành phố Nha Trang và một số quận, huyện, thị trấn như Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, và Vạn Ninh.

Hình ảnh tư liệu về 10 năm hoạt động nhà Văn hóa Thiếu Nhi Phú Khánh thời kì đầu phát triển Vovinam Khánh Hòa

Thời gian này, quân đội Đại Hàn đang truyền bá mạnh mẽ môn Taekwondo vào môi trường quân đội và học đường, đó cũng là mốc thời gian mà võ thuật được phổ biến công khai rộng rãi thay vì phải vào luyện tập trong các lò võ hoặc võ đường nhỏ hẹp.

Các HLV Vovinam tiền bối

Nhận thấy đây là thời cơ để phát triển môn Vovinam Việt Võ Đạo ra khắp nơi, đáp ứng nhu cầu luyện tập võ thuật của thanh thiếu niên và sinh viên học sinh, nên Ban thường vụ Môn phái, đứng đầu là VS Chưởng môn Lê Sáng quyết định phân công VS Trịnh Ngọc Minh nhận nhiệm vụ phát triển môn Vovinam Việt Võ Đạo ra Khánh Hoà và các tỉnh Miền Trung.

Mùa hè năm 1967, Trung tâm huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo (TTHL VVN VVĐ) Nha Trang ra đời, trụ sở đặt tại số 4B đường Hoàng Hoa Thám Nha Trang

Lớp tập huấn Việt Võ Đạo Nha Trang 1989

Ngay từ những ngày đầu TTHL Vovinam Việt Võ Đạo Nha Trang đã thu nhận một số lượng đông đảo võ sinh thuộc đủ các thành phần thanh thiếu niên gồm sinh viên, học sinh, giáo viên, viên chức và nhân dân lao động tuổi trung niên.

Do số lượng ghi danh theo tập quá đông, nên trung tâm phải chia thành rất nhiều lớp và nhiều xuất dạy liên tiếp, mới đáp ứng được nhu cầu học võ của giới thanh niên Nha Trang lúc bấy giờ.

Những võ sinh Vovinam thời kì đầu tại Khánh Hòa

VS Trịnh Ngọc Minh với hai phụ tá là HLV Voeng Long và HLV Nguyễn Văn Thái phải đảm trách nhiều lớp từ sáng sớm đến chiều tối.

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ phục vụ cho công tác giảng dạy, VS Trịnh Ngọc Minh đã xây dựng nhiều lớp đặc biệt, tuyển chọn từ các lớp đầu tiên, những võ sinh có tầm vóc cao lớn đủ tiêu chuẩn, lớp này học chương trình cấp tốc với thời gian tập luyện gấp đôi để sớm tốt nghiệp thành huấn luyện viên.

Lễ mang đai thăng cấp võ sinh Vovinam TP.Nha Trang thời kì những VĐV đầu tiên

Đợt I: gồm có các HLV Nguyễn Văn Chiến, Lâm Quang Lân, Tăng Hữu Cảnh, Trầm Khiết, Phạm Văn Nguyên, Lê Lương Bằng, Trần Thọ Thảo, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Bá Thuận, Lương Công Anh Tuấn, Nguyễn Văn Phụng,…


Đợt II: Các HLV Trần Công Lý, Đoàn Văn Làm, Hà Chí Thành, Võ Hải, Đặng Ngọc Thọ, Phạm Văn Ân, Tôn Thất Lăng, Nguyễn Trương Hoạt, Mai Xuân Tú, Đoàn Trị, Trần Bảo, Lý Văn Lục,…


Đợt III gồm các HLV Đinh Điện, Lê Kim Tương, Nguyễn Châu Hùng, Phan Chánh Tiêu, Đỗ Đình Thạnh, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Hùng Việt,…

Hình ảnh tư liệu về các HLV Vovinam thời kì đầu

Từ TTHL VVN VVĐ Nha Trang, nhiều võ đường trong thị xã Nha Trang và các địa phương xã, huyện lân cận như Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa cũng theo nhau ra đời.

Tại Cam Ranh, năm 1968 do HLV Nguyễn Văn Thái phụ trách. Tại Diên Khánh, năm 1970 do HLV Võ Hải phụ trách. Tại Ninh Hòa, năm 1972 do HLV Phan Chánh Tiêu phụ trách.

vovinam

Từ năm 1967 đến 1975, phong trào VVN VVĐ Nha Trang- Khánh Hòa đã huấn luyện hàng chục ngàn môn sinh theo tập, đào tạo được một lực lượng HLV nòng cốt vững mạnh, có đầy đủ khả năng phát triển phong trào VVN – VVĐ trong cũng như ngoài tỉnh, rãi dài từ Nha Trang ra đến Huế.

Theo đó, Cục Huấn luyện Miền Trung được thành lập đứng đầu là VS Trịnh Ngọc Minh.

Các HLV đầu tiên được đào tạo và phân công phụ trách ở nhiều nơi như: Đặng Ngọc Thọ, Nguyễn Châu Hùng (Ninh Thuận), Lâm Quang Lân, Trần Công Lý (Lâm Đồng), Nguyễn văn Bính, Trần Bảo (Daklak), Trần Văn Phước (Phú Yên), Nguyễn Văn Chiếu (Bình Định) và đặc biệt 2 HLV Trần Tấn Vũ và Trần Ngọc Trình được môn phái tăng cường để phát triển tại Đà Nẵng – Huế.

Qua đó có thể thấy VVN – VVĐ Nha Trang là nơi xuất phát của phong trào VVN – VVĐ các tỉnh Miền Trung hiện nay.

vovinam

Sau 1975, do tình hình chung của xã hội, Vovinam Việt Võ Đạo cũng như các môn võ khác cũng tạm ngưng hoạt động.

Mãi cho đến tháng 8 năm 1982, nhờ sự cộng tác của nhà giáo Phạm Hữu Bình phụ trách Đoàn thanh niên trường cấp 3 Nguyễn Văn Trỗi Nha Trang, HLV Trần Công Lý đã được nhà trường cho phép khai giảng lớp võ thuật Vovinam huấn luyện cho học sinh trong trường với phụ tá là HLV Hồ Hữu Vui. Tiếp đó khai giảng thêm một lớp nữa do HLV Phạm Văn Ân phụ trách.

Từ đó, sân trường Nguyễn Văn Trỗi trở thành nơi các HLV cũ quy tụ về luyện tập vào các ngày Chủ nhật để tiến đến khôi phục lại phong trào.

Những cánh chim đầu đàn như Nguyễn Bá Thuận, Phạm Văn Ân, Nguyễn Tấn Nghị, Nguyễn Trương Hoạt, Lư Quang Đức, Đinh Điện, Lê Kim Tương, Nguyễn Thanh Sơn, Hồ Hữu cũng lần lượt tham gia để bắt đầu khởi động cho những chuỗi ngày đưa Vovinam trở lại sau đó.
 
Đầu năm 1983 , nhận lời mời của Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa, VVN -VVĐ Nha Trang chính thức tham gia biểu diễn võ thuật tại rạp Tân Quang trong buổi hội diễn văn nghệ do Nhà Văn hóa thiếu nhi tổ chức. Sau đó một lớp VVN – VVĐ được khai giảng tại Nhà thiếu nhi ở đường Trần Phú Nha Trang, dạy cho các em thiếu nhi. HLV Nguyễn Bá Thuận được ban huấn luyện mời về phụ trách.
 
Khi phong trào VVN – VVĐ tại Nha Trang được cấp có thẩm quyền là Phòng thể dục thể thao(TDTT) thành phố Nha Trang công nhận, HLV Nguyễn Bá Thuận được đề cử làm trưởng bộ môn Vovinam Việt Võ Đạo Nha Trang.

Năm 1989 sau khi võ sư Chưởng môn (VSCM) Lê Sáng trở về lãnh đạo môn phái, ban huấn luyện VVN – VVĐ Nha Trang đã cùng Phòng Văn Hóa Thể Dục Thể Thao, thành phố Nha Trang tổ chức mời Thầy ra tập huấn.

VS. Chưởng môn Lê Sáng đã nhiều lần đích thân cùng với các võ sư thuộc Hội VVN – VVĐ TP Hồ Chí Minh ra Nha Trang giảng dạy, và tập huấn chương trình mới cho các VS-HLV Nha Trang và đại diện các đơn vị VVN VVĐ khu vực miền Trung như Phú Yên, Đà Lạt, Phan Rang, Daklak, Bình Định, Đà Nẵng, tại CLB VVN VVĐ  Khu Triển Lãm 2/4 đường Thái Nguyên Nha Trang.

Năm 1990  bộ môn Vovinam Việt Võ Đạo  thành lập Hội Vovinam Việt Võ Đạo Nha Trang. Đại hội bầu ra ban chấp hành đầu tiên với 5 thành viên, đứng đầu là VS Nguyễn Bá Thuận (Chuẩn Hồng đai)

Tham gia giải toàn quốc năm 1991

Cùng với sự hình thành hệ thống quản lý và điều hành của Hội, nhiều câu lạc bộ, điểm sinh hoạt Vovinam nhiều địa phương trên toàn tỉnh được ra đời.

Cũng theo đó, phong trào Vovinam các tỉnh lân cận cũng nở rộ. Vovinam Khánh Hoà lại gánh vác thêm trọng trách hỗ trợ cho các đơn vị bạn kịp thời nắm bắt chương trình mới, như Phú Yên, Daklak.

Năm 1992, giải Vovinam Việt Võ Đạo toàn quốc diễn ra, Vovinam Khánh Hoà tham gia với sự thành công ngay từ lần đầu tiên rất đáng tự hào bằng thành tích xếp thứ nhì toàn đoàn chỉ sau thành phố HCM.

Từ đó đến nay, Vovinam Khánh Hoà cũng thu hoạch được nhiều kết quả khả quan, đạt được tổng số 28 huy chương vàng, 88 huy chương bạc, 73 huy chương đồng, xếp thứ Nhì và Ba toàn đoàn nhiều năm liền.

Tháng 6 năm 1995 Liên đoàn Vovinam Việt võ đạo Khánh Hòa được thành lập, Tổ chức này gồm có 9 thành viên:
1. Hội VVN-VVĐ Nha Trang;
2. Chi hội VVN-VVĐ Cam Ranh
3. Chi hội VVN-VVĐ Diên Khánh
4. Bộ môn VVN-VVĐ Vạn Ninh
5. Bộ môn VVN-VVĐ Ninh Hòa
6. Bộ môn VVN-VVĐ Cam Lâm
7. Bộ môn VVN-VVĐ Khánh Vĩnh
8. Bộ môn VVN-VVĐ Khối các trường ĐH-CĐ và Trung cấp Chuyên nghiệp
9. Bộ môn Dưỡng sinh Việt võ đạo.

Tham gia lớp tập huấn và khiểm tra chuyên môn trọng tài Vovinam quốc gia năm 2014
Xem lại một số hoạt động nổi bật của Liên đoàn Vovinam Khánh Hòa trong 2 năm qua

Cần nói thêm, cũng cùng với Vovinam Việt Võ Đạo Kiên Giang và Đà Nẵng thì Khánh Hoà là đơn vị khá sớm phát triển bộ môn Dưỡng Sinh Việt Võ Đạo từ năm 2013 do VS Nguyễn Chánh Tứ đặt nền móng đầu tiên, và được duy trì phát triển liên tục cho đến nay. Qua đó Vovinam Khánh Hoà cũng đã tổ chức thành công giải Dưỡng sinh Khánh Hoà mở rộng 2 ngày 15-16 tháng 6 năm 2015, thu hút 244 người trung niên và cao niên (có người gần 90 tuổi) thuộc 14 đơn vị đã trình bày khá nhuần nhuyễn các bài tập.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam – Việt võ đạo Khánh Hòa cùng BCH về thăm quê Sáng Tổ thắp nén nhang”Thành kính dâng lên Thầy.”

Năm 2012 là năm có nhiều sự kiện mới trong phong trào Vovinam Việt Võ Đạo toàn quốc, đặc biệt Đại hội Liên đoàn Vovinam Việt Nam nhiệm kỳ (2012-2016). Song song với sự kiện này, Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Khánh Hòa cũng đã tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Khánh Hòa nhiệm kỳ III (2012 -2017). Đã bầu ra Ban chấp hành Liên đoàn gồm 21 thành viên, Bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký. Bầu ra Ban thường vụ  gồm 7 thành viên, Ban kiểm tra và các Ban chuyên môn của Liên đoàn.

Lễ kỉ niệm 50 năm hình thành và phát triển Vovinam miền Trung tại Khánh Hòa

Sau khi Đại hội Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Khánh Hòa thành công tốt đẹp, Liên đoàn bắt tay ngay vào việc củng cố tổ chức. Liên đoàn cũng đã nổ lực  xóa điểm trắng Vovinam Việt Võ Đạo ở miền núi Khánh Vĩnh và tìm giải pháp tốt tiến đến xóa điểm trắng Vovinam Việt Võ Đạo tại huyện miền núi Khánh Sơn. Ngoài ra Liên đoàn đã nổ lực xây dựng, khai mạc Câu lạc bộ Vovinam Việt Võ Đạo chùa Long Sơn vào tháng 12/2012; đây là một điểm nhấn quan trọng của phong trào rèn luyện sức khỏe và học tập tinh hoa võ thuật Việt Nam trong giới tu sĩ Phật giáo, mở đường cho việc rèn luyện sức khỏe và phát triển võ thuật Việt Nam trong tổ chức Phật giáo.

Ban chấp hành nhiệm kì 2012-2018

Bên cạnh những nỗ lực trên thì Vovinam Việt Võ Đạo Khánh Hoà luôn đề cử các thành viên là các võ sư đủ điều kiện tham gia các khoá thi kiểm tra và thăng cấp thường niên để nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như tổ chức tốt các kỳ thi thăng cấp cho Huấn luyện viên và môn sinh trong phạm vi quyền hạn cho phép.

Ban chấp hành Vovinam Khánh Hòa nhiệm kì 2018-2023

Mặc dù còn nhiều hạn chế về kinh phí, nhưng để duy trì truyền thống tốt đẹp của người môn sinh Việt Võ Đạo nói chung và Vovinam Việt Võ Đạo Khánh Hoà nói riêng, hàng năm Vovinam Khánh Hoà vẫn đều đặn tổ chức các ngày lễ tri ân các võ sư tiền bối đã quá vãng nhằm giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn trong tâm thức người môn sinh, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Liên đoàn Vovinam Khánh Hòa

Ảnh: Tư liệu


Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link