(VoThuat.vn) – Rạng sáng 4-2-2020, gia đình môn phái Vovinam Việt Võ Đạo bất ngờ nhận được tin buồn – Chánh Chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã trở về cõi vĩnh hằng… Hôm nay 8/2, môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đã chính thức tiễn đưa Võ sư Nguyễn Văn Chiếu về với Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng.
Nguyên quán tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, võ sư Nguyễn Văn Chiếu, chào đời ngày 4-11-1949 tại Sài Gòn và là trưởng nam của một gia đình lao động nghèo có 2 anh em.
Tuổi thanh niên, giữa năm 1965, võ sư Nguyễn Văn Chiếu theo tập Vovinam với võ sư Trịnh Ngọc Minh tại võ đường số 550 đường Trần Hưng Đạo (góc Trần Hưng Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, Quận 5, Sài Gòn)… Lên bậc Trung đẳng, ông về tập luyện tại Tổng cục Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo (31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Sài Gòn) với Chưởng môn Lê Sáng…
Năm 1969, theo sự phân công của Môn phái và Cục Huấn luyện miền Trung, võ sư Nguyễn Văn Chiếu tham gia gảng dạy tại Cam Ranh và sau đó phát triển Vovinam tại Bình Định. Trong 5 năm lăn lộn nơi miền đất võ, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã xây dựng được 12 võ đường Vovinam. Đối với ông, Quy Nhơn là nơi “khởi nghiệp” với biết bao kỷ niệm nên sau này, ông đã đặt tên cho thứ nam của mình là Nguyễn Bình Định (hiện là công chức của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM).
Sau ngày thống nhất đất nước, ông làm nhân viên của Phòng Thể dục Thể thao Quận 8, và là một trong vài võ sư, huấn luyện viên xây dựng lại phong trào Vovinam tại TPHCM từ năm 1976. Trong bối cảnh khó khăn chung lúc bấy giờ, ông đã cùng các đồng môn vượt qua nhiều thách thức và đến giữa tháng 12-1978, được sự chấp thuận của Sở TDTT TPHCM và UBND Quận 8, lớp Vovinam chính thức được khai giảng tại Hồ bơi Hòa Bình (Quận 8)… Tháng 7 năm 1989, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bầu làm Chủ tịch Hội Việt Võ Đạo (thành viên của Liên đoàn Võ thuật TPHCM) cho đến nay. Bên cạnh đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu chẳng quản ngại xa xôi, tham gia tập huấn, chấm thi, cho môn sinh nhiều tỉnh, thành từ Nam chí Bắc.
Đầu thập niên 1990, võ sư Nguyễn Văn Chiếu bắt đầu quảng bá Vovinam Việt Võ Đạo đến nhiều nước trên thế giới như Belarus, Nga, Thái Lan, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Algeria, v.v. Ông cũng đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (từ năm 2007), Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới (từ năm 2008). Sự hình thành các tổ chức Vovinam châu lục, các giải vô địch Vovinam Thế giới, châu lục, khu vực… đều có sự quan tâm và tiếp sức của võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Với những đóng góp to lớn cho môn phái gần như liên tục từ năm 1969, đến giữa thập niên 2005, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được Chưởng môn Lê Sáng vinh thăng Hồng đai ngũ cấp (9 đẳng). Nhiều môn sinh do ông đào tạo từ năm 1969 cho đến nay vẫn đang tham gia xây dựng phong trào ở một số nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Thể dục Thể thao Quận 8, TPHCM và được Tổng cục Thể dục Thể thao trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục Thể thao. Với bản tính hiền hòa, ông được lãnh đạo, thân hữu, anh em bè bạn ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp quý mến và giúp đỡ.
Tháng 3 năm 2010, Chưởng môn Lê Sáng thành lập Hội đồng Võ sư Chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ Đạo và võ sư Nguyễn Văn Chiếu được Chưởng môn tín nhiệm vào chức vụ Chánh Chưởng quản để lãnh đạo môn phái đến nay.
Suốt cuộc đời mình, dù hoạt động trong bất cứ hoàn cảnh nào, võ sư Nguyễn Văn Chiếu vẫn luôn nỗ lực và giữ vững màu áo Vovinam Việt Võ Đạo, luôn động viên và truyền lửa cho các đồng môn cùng tiến bước.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu có vợ và 2 con. Con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh Nhã hiện là Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam châu Âu, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới, con rể của ông – Francois Berrier cũng là một võ sư Vovinam; thứ nam Nguyễn Bình Định, đang đảm nhận chức vụ Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới và Việt Nam, Chánh Văn phòng Liên đoàn Vovinam Việt Nam. “Hậu phương lớn” của ông – cô giáo Trần Thị Thanh – đã âm thầm thay ông nuôi dạy con cái để võ sư tận tâm, tận lực với công việc ở cơ quan và môn phái. Còn nhớ hồi khoảng giữa thập niên 1990, trong một lần đến nhà ba mẹ của võ sư Nguyễn Văn Chiếu trên bến Nguyễn Duy (Quận 8), bên cạnh mâm cơm trưa vừa mới ăn xong, võ sư Nguyễn Văn Chiếu ngồi đánh máy danh sách vận động viên một giải đấu ở thành phố, trong lúc vợ anh (chị Trần Thị Thanh), Thanh Nhã và Bình Định cùng nhau cắt ảnh, dán vào thẻ vận động viên… Sau này, ngôi nhà số 1938 của ông trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8) từng đón nhiều môn sinh nước nước ngoài đến TPHCM tập huấn, ăn nghỉ và được nhiều anh em gọi là “mái nhà chung châu Âu”…
Đối với gia đình, chẳng những võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã chăm sóc mẹ cha cho đến những ngày cuối mà còn nuôi dưỡng con của người em trai (sớm qua đời) đến ngày khôn lớn.
Vài năm gần đây, tuy sức khỏe giảm sút, võ sư Nguyễn Văn Chiếu vẫn tham gia điều hành môn phái và liên đoàn với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu môn phái. Một trong ước vọng lớn lao của ông là hình thành được Học viện Vovinam Việt Võ Đạo toàn cầu để tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho phong trào Vovinam Thế giới, nhưng tiếc thay, võ sư đã vội ra đi khi học viện chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu…
Sau một thời gian lâm bệnh, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã theo chân Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng về miền miên viễn. Với nhiều cống hiến lớn lao cho môn phái, ông đã lưu lại nhiều niềm thương tiếc, sự quý mến của các đồng môn và học trò, trong đó có những môn sinh ở xa xôi như châu Phi, châu Mỹ…
Trước giờ ly biệt, Hội đồng Võ sư Chưởng quản, Liên đoàn Vovinam Thế giới, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và toàn thể môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo trân trọng tri ân võ sư Nguyễn Văn Chiếu, người đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến cho môn phái, ông đã bền bỉ hoạt động, góp sức cho môn phái tiến bước và phát triển rộng rãi đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện nay. Chúng tôi sẽ noi gương, nêu cao tinh thần đoàn kết và tiếp bước võ sư Nguyễn Văn Chiếu để xây dựng phong trào Vovinam Việt Võ Đạo ngày càng lớn mạnh.
Một lần nữa, Hội đồng Võ sư Chưởng quản, Liên đoàn Vovinam Thế giới, các Liên đoàn Vovinam châu lục, khu vực và quốc gia chân thành chia buồn cùng tang quyến. Chân thành cảm ơn gia đình đã nuôi dưỡng, chung tay cùng môn phái để đào tạo được một võ sư xuất sắc, tạo được dấu ấn quan trọng trong gần 45 năm qua.
Thiện Tâm