Nghiêm lễ là cách chào đặc biệt của các thành viên gia đình Vovinam. Lối chào này được thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, nên tất cả những hình thức và ý nghĩa của nghi thức cũng chỉ dành cho các thành viên Vovinam. Nghi thức Nghiêm lễ xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1938 do võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc sáng tạo cùng với hệ thống Vật căn bản và một số qui định về chủ trương, đường lối Vovinam.Nghi thức Nghiêm lễ tuy đơn giản nhưng ẩn chứa rất nhiều nội dung cả về võ thuật lẫn tình cảm và đức hạnh mà Sáng tổ muốn truyền đạt tới học trò của ông. Với chủ trương – kỷ luật tự giác – Vovinam là một gia đình – không thượng đài dưới bất cứ hình thức nào, vì bất cứ lý do gì – phi chính trị và tôn giáo, nên toàn bộ căn bản kỹ thuật và lý thuyết của ông không có kỹ thuật tấn công – không có màu sắc tôn giáo hay chính trị. Tất cả những tư tưởng kể trên của Sáng tổ Nguyễn Lộc được thể hiện bằng kỹ thuật (vì ông đã lấy võ thuật để phổ biến Vovinam) một cách chính xác, nhất quán từ bài học đầu tiên (nghi thức Nghiêm lễ) cho đến di huấn 76 chữ cuối cùng trước khi ông lìa xa cõi thế:
“Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời,
Nhưng ta đã được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THẬT NGƯỜI,
Nhưng ta đã vượt khỏi lên trên những tối tăm, tội lỗi của NGƯỜI CHẲNG NGƯỜI,
Bao đớn đau tan hồn, nát xác, người đã gieo ở ta,
Ta đã được gặt hái, những bông hoa CAO ĐẸP nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ…”
Nghiêm lễ chính là bài học đầu tiên của của mọi thành viên Vovinam. Bài học này sẽ là hành trang quý báu, hữu hiệu, một thứ cẩm nang đa dạng về võ, tình cảm lẫn đức hạnh mà bất cứ một thành viên Vovinam nào cũng cần phải có và mong muốn có. Bài học đó sẽ chắc chắn đưa người Vovinam đến với những thương yêu và tha thứ, ngày một thăng hoa hầu đạt tới cứu cánh của Vovinam là thương yêu và tha thứ vô bờ.
1. Hình thức Nghiêm lễ
Nghi thức Nghiêm lễ hoàn hảo gồm 3 tư thế (nghiêm, nghiêm lễ, lễ), 4 động tác (nghiêm, đưa tay phải ra phía trước rồi đặt vào tim, nghiêng người thẳng về phía trước) và 3 khẩu lệnh. Như chúng ta đã biết: Con người là loài động vật duy nhất đứng thẳng bằng hai chân và 2 tay được giải phóng để họat động tự do theo trí não. Tuy vậy, trong sinh hoạt thường ngày con người ít khi đứng thẳng. Tư thế này muốn nhắc nhở và hướng dẫn các thành viên gia đình Vovinam luôn hãnh diện về khả năng thiên phú này và hãy nhớ đến nó để luôn luôn đứng thẳng.
Tư thế “Nghiêm” – khẩu lệnh: “Nghiêm”. Tư thế này gồm 8 điểm buộc phải thực hiện chính xác.
1. Hai cẳng chân sát vào nhau – hai bàn chân sát xuống mặt đất, mười đầu ngón chân bấm xuống mặt đất hướng chéo về hai bên cùng hai gót chân sát vào nhau tạo thành hình chữ V đây cũng là trọng tâm pháp (tấn) đầu tiên của Vovinam.
2. Chân thẳng, đầu gối thẳng.
3. Lưng thẳng (không ưỡn, không cong).
4. Vai thẳng, hai đầu vai cân bằng tạo thành một đường song song với mặt đất.
5. Cổ thẳng, tạo thành một góc vuông với vai.
6. Đầu thẳng, không ngửa lên, không cúi xuống.
7. Mắt nhìn thẳng, không liếc ngang liếc dọc.
8. Hai tay thẳng, buông xuôi sát thân mình, hai lòng bàn tay ép nhẹ vào đùi.
“Nghiêm” cũng là vị thế cao nhất của con người. Tư thế “Nghiêm” còn thể hiện một hình dạng Người Thật Người, với đầy đủ Chân – Thiện – Mỹ, uy dạng hiên ngang, thanh cao và hiếu hòa.
Theo văn học truyền khẩu của dân gian Việt Nam thì “Tướng tùy tâm diệt, tướng tự tâm sinh”, nhìn hình dạng bên ngoài có thể biết tính tình bên trong của mỗi con người. Tướng ở đây là những phần hữu hình bên ngoài của con người (thân). Tâm là những tảng phủ và những phần vô hình (tính tình, thần khí…) bên trong thân thể. Tâm và thân luôn luôn chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau để giúp con người thăng hoa hoặc khiến con người trụy lạc.
Tư thế “Nghiêm-lễ” – Khẩu lệnh: “Nghiêm-lễ” (hô liền nhau).
1.Từ tư thế nghiêm, tay phải từ dưới đưa lên ngang vai, thẳng góc với vai, 5 ngón tay sát nhau cùng hướng về phía trước
2. Co tay phải lại, lòng bàn tay hướng vào trong người, cánh tay trên bất động đặt lòng bàn tay đè nhẹ sát vào ngực trái trên quả tim. Tư thế “Nghiêm-lễ” còn có tên là Bàn Tay Thép đặt trên trái tim Từ ái.
Tư thế Lễ – Khẩu lệnh: “Lễ”
Từ tư thế “Nghiêm-lễ”, nghiêng mình thẳng mình về phía trước một góc khoảng trên 30 độ (nghiêng chứ không cong), mặt và đầu hơi ngước lên đủ để mắt mình nhìn thẳng vào mắt người đối diện (ngước chứ không cúi).
2. Ý nghĩa nghi thức Nghiêm lễ
a) Ý nghĩa tư thế “Nghiêm”
Tư thế “Nghiêm” hướng dẫn và buộc thành viên Vovinam phải cương trực và khiêm cung, thể hiện được sự uy dũng và hiên ngang nhưng thanh cao, khoáng đạt. Vì vậy, tư thế này thể hiện bát trực (8 điều thẳng)
1. Gối thẳng : thể hiện sự kiên cường, không quỵ lụy, van xin.
2. Lưng thẳng: thể hiện sự không nịnh bợ, luồn cúi.
3. Vai thẳng: theo chiều ngang, thể hiện sự công chính, liêm minh, không phe đảng, thiên vị.
4. Cổ thẳng: thể hiện sự khẳng khái, thành thật, trung ngôn; không so vai, rụt cổ vì nó biểu hiện sự khiếp nhược, hèn nhát, không dám nhận trách nhiệm.
5. Đầu thẳng: biểu hiện sự quang minh chính đại, đường đường chính chính vì cúi đầu biểu hiện sự phạm tội, xấu hổ. Nghênh mặt là kẻ kiêu căng hợm hĩnh, khinh mạn.
6. Mắt nhìn thẳng thể hiện sự đoan chính cương nghị, bình tĩnh, trong sạch, khiêm cung, không âm mưu, không giả dối, không sợ hãi.
7. Tay thẳng: biểu hiện sự hiếu hòa, không hiếu chiến, nhưng bình tĩnh, sáng suốt, động trong tĩnh.
8. Hai bàn chân trụ theo hình chữ V: theo văn minh khoa học là một điểm tựa vững chắc mà người phương Tây gọi là Tam giác vàng và theo ngạn ngữ Việt Nam thì:
“Dù ai nói ngã nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.”
Trụ tâm pháp (tấn) đầu tiên của Vovinam là một thế đứng chắc chắn nhất để trụ cả thân lẫn tâm. Vì vậy, gia đình Vovinam luôn luôn vững vàng, hạnh phúc trên hai chân trụ.
b) Ý nghĩa tư thế “Nghiêm-lễ”
Tư thế “Nghiêm-lễ” hàm chứa những khởi điểm về nền móng kỹ thuật và lý thuyết của Vovinam. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ mới biết hình thức và ý nghĩa chính một cách khái lược, tổng quát (Bàn tay thép đặt trên trái tim Từ ái, chỉ dụng võ sau khi đã đặt lên đó một tình thương). Chưa ai thắc mắc về xuất xứ cũng như chiều sâu của tư thế nghiêm-lễ.
* Tư thế “Nghiêm lễ” xuất xứ từ truyền thống lễ giáo Việt Nam
Bất cứ một người Việt Nam nào cả nam phụ lão ấu đều dùng hình thức khoanh tay trước ngực, đứng nghiêm chỉnh trước quần chúng quan khách, trong một khung cảnh trang nghiêm trước người trên hay một bậc thầy đáng kính.
Bất cứ ai cũng thấy ấm lòng và hạnh phúc trong niềm hân hoan tự đáy lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ thơ ngây 3-4 tuổi, vụng về khoanh tay cúi đầu trước mặt các người thân. Hình thức kể trên để bày tỏ sự chào kính, sự vâng lời một cách tự nguyện, bày tỏ tính khiêm cung nhưng vẫn hiên ngang. Sự bày tỏ tính ngoan ngoãn, vâng lời này là truyền thống lễ giáo trên 4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Sáng tổ Nguyễn Lộc đã dùng hình thức này nhưng để phù hợp với Vovinam (dùng võ thuật phổ biến), ông đã cải biến cho đúng với tinh thần phòng thủ tự vệ của bậc thầy võ thuật là lúc yên bình phải nghĩ đến nguy khốn, muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, ông đã bỏ tay trái xuống sát thân mình để biến thế khoanh tay hòa bình kính cẩn thành vừa hòa bình (tay phải vẫn còn lại trên ngực) vừa sẵn sàng phản ứng khi bị tấn công (tay trái thấp xuống tự do).
Chúng ta có thể nói tư thế “Nghiêm-lễ” thể hiện một khung cảnh hòa bình có phòng thủ. Và đó cũng là tính cách của mỗi thành viên Vovinam.
* Tư thế “Nghiêm-lễ” là thế vật đầu tiên
Tay phải khi đưa thẳng về phía trước đã biểu trưng sự chào mời, hướng dẫn tân khách với tình thân thiết. Đây cũng là động tác vật đầu tiên trong hệ thống Vật căn bản của Vovinam – đặt tay vào gáy đối phương mỗi khi thực hiện thế vật, sau đó kéo đối phương về phía mình (dụng võ). Bởi chỉ dụng võ sau khi đặt lên đó một tình thương, nên tay kéo về đặt trên trái tim.
Đối với hầu hết các sắc dân trên toàn thế giới, trái tim tượng trưng cho tình yêu. Nhưng trong tình yêu, trái tim được gọi bằng nhiều tên (trái tim ác độc, trái tim mù lòa, trái tim băng giá, trái tim nồng cháy v.v.). Ở đây, trong Vovinam, Sáng tổ đặt tên là trái tim Từ Ái. Có nghĩa là trái tim người mẹ. Đó là một thứ tình yêu gần như không biên giới, vì nó bao la, sâu thẳm, thể hiện bằng sự hiến dâng, hy sinh tuyệt đối cho con cái của người mẹ. Trái tim Từ Ái là trái tim Vovinam.
Dụng võ của gia đình Vovinam với chủ trương không thượng đài, thì chỉ có nghĩa duy nhất là tập luyện, chơi đùa khi thực hành các thế vật. Vì vậy, Sáng tổ Nguyễn Lộc muốn học trò ông phải có tình thương của một người mẹ khi khổ luyện để giảm thiểu tối đa sự đau đớn nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Có nghĩa là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” trong mỗi đòn thế, như một người mẹ nâng niu bế ẵm, dắt dìu con thơ.
* Tư thế “Nghiêm-lễ” là cốt lõi của Vovinam
Với chủ trương luyện cho học trò một thân thể rắn chắc, dẻo dai, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã đề xướng phương pháp luyện thân thép nên mới có bàn tay thép. Khi bàn tay thép đã đè sát trái tim Từ Ái là đã chuyển từ tinh hoa thứ nhất (võ thuật) sang tinh hoa thứ hai (tình Vovinam) – một thứ tình phát xuất từ khổ luyện bằng những thế vật hòa với hành tàng (hoạt động ẩn chứa bên trong) của trái tim Từ Ái.
Hình thức áp tay lên ngực đã thể hiện sự trấn an, sự tự vấn lương tâm trước nghịch cảnh sắp tới. Qua đó, Sáng tổ đã nhắc nhở học trò của ông phải bình tĩnh sáng suốt, phải dùng tình thương yêu, sự hy sinh bao la của người mẹ đối với con cái để hóa giải mọi tình huống xảy ra. Có nhẫn nhục, cẩn trọng thì mới mong vượt khỏi lên trên những ngang trái khó khăn có thể dẫn tới đớn đau, nguy khốn cho mình. Trong từ ngữ Hán Việt, chữ nhẫn gồm chữ đao ở trên chữ tâm ở dưới giống như là hình thức nghiêm lễ; có nghĩa là nhịn nhục tất cả những nghịch cảnh đã từng xảy ra những đớn đau tan hồn nát xác giống như những gì Sáng tổ đã chịu đựng? Có nhịn nhục thì mới biết bao dung để tha thứ cho người, để vượt khỏi lên trên những tối tăm tội lỗi, để giống như trái tim Từ Ái miệt mài lắng trong gạn đục đưa máu nuôi nấng tâm thân. Và những dòng Từ Ái đó sẽ hội nhập với trăm ngàn nguồn thương yêu khác để tạo thành biển cả cho tròn câu Thương Yêu và Tha Thứ vô bờ. Đó là 7 chữ cuối cùng của một bậc tài hoa mạng yểu, một thiên tài trước khi trở về cõi vĩnh hằng. Bảy chữ này chính là cứu cánh của gia đình Vovinam.
Tư thế “Nghiêm-lễ” được gọi là cốt lõi của Vovinam, là bài học đầu đời của mỗi thành viên bước chân vào gia đình Vovinam và sẽ là hành trang trọn đời của mỗi thành viên.
3. Ý nghĩa tư thế “Lễ”
Nghiêng mình để bày tỏ sự khiêm cung với cả tấm lòng, mặt hơi ngước lên để bày tỏ sự quang minh, công chính. Hành động dịu dàng, uyển chuyển, linh hoạt nhưng không mất đi phong thái hiên ngang vững vàng của một con người thật người. Ngước mặt nhìn người đối diện để bày tỏ sự trang trọng, trong sáng, chính trực với ánh mắt khoan dung, hoan hỷ.
Theo truyền thống lễ giáo Việt Nam thì chữ Đức và Hạnh là căn bản của Đạo làm người (đạo ở đây có nghĩa là con đường).
Cửu đức và bát hạnh đã được lưu truyền và coi đây như là khuôn thước cho con người thời phong kiến và ngày nay vẫn còn được tôn trọng cũng như noi theo. Phàm con người muốn hoàn hảo đều phải có cửu đức. Nam chú trọng đến ngũ đức (ngũ thường) là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín và nữ giới cần tứ đức là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Trong giới võ thuật, thiết nghĩ cần thêm đức thứ mười là Dũng.
Bên cạnh cửu đức là bát hạnh gồm Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ.
Trong nghi thức Nghiêm lễ có đầy đủ những đức hạnh chính và nhiều đức hạnh phụ khác (khiêm tốn, thanh cao, bất khuất, thành khẩn, hy sinh, nhẫn nhịn v.v.). Tùy theo không gian và đối tượng, những đức hạnh có sẵn trong người mỗi thành viên sẽ theo thói quen mà phát khởi bằng hành động bên ngoài hoặc bừng lên trong tâm não. Những ý nghĩa cụ thể về thập đức và bát hạnh cùng giá trị của nó trong xã hội hiện đại sẽ được đế cập trong một bài viết khác.
Do đó, mỗi lần Nghiêm lễ là mỗi lần trau dồi đức hạnh. Mỗi đòn thế khi tập luyện đều giúp người Vovinam thực thi đức hạnh và tình Vovinam ngày một thắm thiết, chan hòa.
Và để tạm kết thúc, không ai có thể chối cải sự thật hiển nhiên – nghi thức Nghiêm lễ là một biểu tượng tuyệt đối về sự đồng tâm nhất trí với tinh thần tự giác, tự nguyện của các thành viên Vovinam.
Võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ (trong tập Một năm thương nhớ năm 2011)