Dưới thời phong kiến, ngoài các trường, lớp dạy võ trong triều đình, trong quân đội, nghĩa là một số tổ chức của quốc gia. Thì người dạy võ trong dân không nhiều, và họ dạy võ theo hình thức tộc truyền, gia truyền, bí truyền… không được tổ chức lớp lang quy mô như ngày nay, và gần như họ dạy với hình thức một thầy một trò hoặc một thầy với dăm ba học trò mà thôi.
Từ yếu tố này, cộng với trạng thái xã hội chưa phát triển thời bấy giờ, nên người thầy võ đặt ra những “tiêu chí thâu nhận đệ tử ” khá gắt gao, để nhằm đào tạo “hạt giống” duy trì, bảo tồn hệ phái của mình, hơn là phát triển.
Bên cạnh đó, vì yếu tố tộc truyền, gia truyền… nên người dạy võ rất sợ kỹ thuật mang tính bí truyền của mình lọt ra ngoài, làm mất đi tính độc tôn, và nhất là sợ học trò phản thầy!
Thật ra, người thầy mà luôn sợ học trò hơn mình, phản mình là thầy kém, đi ngược lại xu hướng phát triển.
Bởi học trò không chỉ thừa hưởng cái vốn có của thầy, mà còn khai thác bề rộng lẫn chiều sâu một cách khoa học và hữu lý của võ thuật và võ đạo, để ngày càng tiến bộ và phát triển hơn.
Thầy không đủ năng lực, không đủ đạo hạnh để rèn đúc và cảm hoá học trò, thì thầy cần trao dồi về võ thuật, tu dưỡng về đạo đức thêm nữa, để luôn là chỗ dựa vững chắc cho sự vươn lên của những cây măng đang trên đà phát triển thành tre, chứ không nên kìm hãm học trò, chỉ muốn học trò phải luôn là cái bóng của mình!
Người làm thầy phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, lại vừa có năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, vài thập niên gần đây, tiếc rằng một số người thầy có biểu hiện tha hóa về đạo đức.
Đặc biệt nguy hại khi điều này xảy ra, chẳng những tác động tiêu cực mà còn làm xấu đi hình tượng của những người làm thầy!
Hiện tượng thương mại trong giáo dục nói chung và người dạy võ nói riêng, đã là tác nhân chính cho sự suy thoái về đạo đức của người thầy dẫn tới sự bất kính của học trò.
Bên cạnh đó, thái độ lạm quyền nhằm chiếm đoạt những giá trị tinh thần lẫn vật chất của học trò, cũng là tác nhân to lớn dẫn tới sự sụp đỗ hình tượng mang tính truyền thống. Vài cuộc tranh chấp xảy ra giữa thầy và trò có liên quan đến lợi ích cá nhân đã nói lên điều đó!
Không phải dễ dàng mà trở thành một người thầy khi chưa hội tụ những “tiêu chuẩn” trong cái “đạo làm thầy”.
Nhưng cái “đạo làm thầy” này được công nhận như thế nào, thực hiện bằng phương cách gì?
“Đạo làm thầy” phải được rèn đúc từ trong chính bản thân mỗi người làm thầy, chỉ có sự tự giác về bổn phận làm thầy, mới tạo nên những tấm gương sáng cho “sự nghiệp” đầy gian lao, thử thách.
Với nghề dạy võ. Chúng ta không thể đảo ngược quy luật của tạo hóa. Do vậy, những người tuổi đã cao, hiện đang “làm thầy” cũng nên biết mình đang ở vào thời kỳ nào của quy luật đào thải, mà “thoái trào”, nhường “sân khấu” lại cho lớp trẻ. Chớ vin vào cái câu “gừng càng già càng cay” mà tham quyền cố vị, để rồi hình tượng cao quý kia dần dần tan biến trong ý thức của thế hệ học trò.
Mục tiêu đào tạo là để chuyển giao, nhưng khi ta không chịu chuyển giao thì tác dụng sẽ ngược lại.
Hãy để người thầy là một hình tượng bất tử trong trái tim của các thế hệ học trò!
Quan điểm của môn phái Vovinam về công tác tuyển sinh và huấn luyện thì sao? Có sợ học trò phản thầy không?
Đây là một câu hỏi, mà chỉ khi người làm thầy thấu đáo được cái lý tưởng Việt Võ Đạo dưới đây, thì mới an tâm mà làm công tác huấn luyện được.
Bỏ qua tiến trình phát triển mang tính cộng đồng của các môn võ khác trước năm 1938.
Từ năm 1939, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã tổ chức những lớp võ công khai và đại trà, thậm chí đặt ra nhiều câu khẩu hiệu để kích lệ tinh thần của thanh niên thời đó, và để cổ suý cho phong trào luyện tập Vovinam. Như vậy có thể thấy, kể từ thời kỳ này Vovinam đã khép lại quan niệm bảo thủ về công tác tuyển sinh theo ”tiêu chí khắc khe” rồi.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến mục đích của Vovinam và quan điểm của các bậc tiền bối về công cuộc phát triển xây dựng thế hệ môn đồ Vovinam Việt võ đạo mà thôi.
Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo quan niệm rằng Vovinam như một đại dương mênh mông và sâu thẳm. Đại dương là nơi thâu nhận tất cả các nguồn nước từ mọi nơi đổ về: sông suối, kênh rạch, cống rãnh… Tất nhiên các nguồn nước này không phải đều sạch, mà nó lẫn cả rác rưởi trong đó.
Nhiệm vụ của đại dương không chỉ thâu nhận mà còn chuyển hoá mọi nguồn nước đổ về đại dương thành nước biển.
Bản thân nước biển là đã sạch rồi. Sau đó nước biển lại bốc hơi, ngưng tụ tạo thành mưa, mưa sẽ tái tạo nguồn nước cho sự sống của muôn loài.
Đấy, nhiệm vụ của đại dương là như vậy!
Do đó, Môn phái Vovinam đã chọn màu xanh đại dương làm màu chủ đạo và là màu võ phục của môn phái, với tiêu hướng thực hiện nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng như đại dương vậy.
Đó cũng là câu trả lời vì sao Vovinam chọn màu đại dương là màu tiêu biểu, màu nền, màu võ phục của môn phái.
Nếu tổ chức nào, môn phái nào cũng sàn lọc để chọn cái tốt cho mình, nghĩa là nhận đệ tử phái xem xét qua nhiều tiêu chí khắc khe như thời phong kiến, thì những nhân tố “khiến khuyết” trong xã hội, ai sẽ là người đứng ra đảm nhận phần vụ giúp họ sống tốt hơn?
Trong xã hội thì chẳng có ai hoàn toàn tốt, mà chẳng có người nào gọi đó là “thứ bỏ đi”.
Dù là ngọc đi nữa vẫn phải có bàn tay nghệ nhân mài dũa nó thì viên ngọc mới có giá trị.
Biết đâu trong mớ hỗn độn kia có viên ngọc quý mà chưa được mài dũa? Thì chính người thầy phải là một nghệ nhân.
Võ thuật của Vovinam là để trang bị cho người môn đồ bản lĩnh. Có đủ bản lĩnh mới tự vệ (cho bản thân), có bản lĩnh và kỹ thuật tốt mới chiến đấu để bảo vệ được gia đình và góp phần giữ gìn giang sơn xã tắc.
Võ đạo của Vovinam nhằm cảm hoá, giáo dục những con người lầm lạc, tái tạo nguồn lực tốt cho xã hội, như nhiệm vụ của đại dương vậy.
Cho nên, đạo làm người đã khó, mà đạo làm thầy còn khó hơn.
Người thầy nói chung và người làm công tác huấn luyện & đào tạo của Vovinam nói riêng, cần phải biết trau dồi phẩm chất, xem nhẹ lợi ích riêng tư, mà để lại cho đời danh thơm muôn thủa, chớ nên đi theo quan niệm cực đoan của người xưa mà chối bỏ trách nhiệm chuyển hoá những con người chưa hoàn thiện.
Võ sư Châu Minh Hay