(VoThuat.vn) – Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long trải qua 50 năm khai phá và phát triển đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Trong tương lai, Vovinam khu vực này chắc chắn sẽ tạo nên sức lan tỏa sâu rộng và bùng nổ hơn nữa.
Nằm trong khuôn khổ Lễ kỉ niệm 50 năm Khai phá và Phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long, các võ sư từ nhiều tỉnh thành trong khu vực đã cùng nhau tề tựu trong một buổi gặp mặt và tọa đàm nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các Liên đoàn, Hội, Bộ môn Vovinam các tỉnh ĐBSCL trong công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng thảo luận về vấn đề làm sao để thúc đẩy phong trào Vovinam ở ĐBSCL đi lên trong thời gian sắp tới.
Tọa đàm 50 năm Khai phá và Phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong không khí ấm cúng tại Nhà thiếu nhi tỉnh An Giang. Đến tham dự tọa đàm có sự góp mặt của Võ sư Hoàng Minh Cường – Cố vấn Vovinam Tấy Nam Bộ, Cố vấn Vovinam tỉnh An Giang, Võ sư Nguyễn Văn Sen – Chánh vụ Lễ nghi – Ký thuật môn phái Vovinam, Võ sư Nguyễn Hữu Hạnh – Cố vấn Liên đoàn Vovinam TP. Cần Thơ, Võ sư Võ Hữu Lý – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Cần Thơ, Trưởng ban Vovinam Tây Nam Bộ,…. cùng đại diện Liên đoàn Vovinam 8 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, các vị võ sư đã cùng nhau theo dõi màn biểu diễn võ thuật của các võ sinh đến từ CLB Vovinam Trung Đạo Đường. Màn biểu diễn sôi động đã hâm nóng bầu không khí cũng như xua đi mệt mỏi của nhiều vị võ sư vừa phải vượt quãng đường xa đến với TP. Long Xuyên, An Giang.
Tại buổi tọa đàm, các võ sư đã cùng nhau nhìn lại những thăng trầm của Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long trong suốt 50 năm khai phá và phát triển. Đại diện Hội đồng Võ sư chưởng quản và Liên đoàn các tỉnh đã tổng kết những điểm tích cực, nhưng thành tựu đã đạt được và những điều cần khắc phục của phong trào Vovinam ĐBSCL trong thời gian qua.
Trong đó, phong trào Vovinam ở ĐBSCL cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng trong chặng đường lan tỏa và phát triển của mình. Vovinam đã len lỏi đến 112 trên tổng số 122 huyện, thị của 13 tỉnh ĐBSCL thu hút trên 30.000 võ sinh từ 600 CLB theo tập luyện. Các tỉnh trong khu vực thường xuyên đưa võ sinh tham gia các giải vô địch các cấp. Bên cạnh đó, các tỉnh đã chủ động trong việc đưa phong trào Vovinam vào học đường thông qua các giải vô địch học sinh hay Hội khỏe Phù Đổng.
Bên cạnh những mặt tốt, phong trào vẫn còn nhiều hạn chế đã được nhìn nhận thắng thắn tại buổi tọa đàm. Võ sư Nguyễn Văn Sen nói: “Về mặt biểu diễn, về sau này tình trạng biểu diễn ở các giải, các buổi lễ rất ù lì. Tôi thấy những màn biểu diễn chưa đánh động được ý thức, chưa đến được với đông đảo người dân, chưa tạo ra được sức hút với quần chúng. Vovinam hiện nay thiếu sự thay đổi, từ giải này qua giải khác vẫn là những màn biểu diễn đó tạo nên sự nhàm chán. Vì thế, chúng ta phải làm sao để nâng cao tính thẩm mỹ trong các bài biểu diễn của Vovinam, làm sao để cho giới trẻ phải thích”.
“Tiếp theo, tình trạng võ đạo xuống cấp nghiêm trọng, cách ứng xử của võ sinh ngày nay kém xa ngày trước. Vì thế, các đơn vị phải xây dựng võ đạo cho võ sinh một cách tốt nhất, xây dựng cách ứng xử, tôn ti trật tự trong môn phái”.
“Thêm vào đó, tôi rất muốn khôi phục lại vật tự do trong Vovinam. Vật tự do là tinh hoa của Vovinam vậy mà chúng ta lại bỏ đi suốt mấy chục năm qua. Vovinam có các kỹ thuật đối kháng rất hay và vật tự do là một trong số đó. Bỏ vật tự do, Vovinam thiếu đi đối kháng cũng làm cho môn võ chúng ta bớt đi tính hấp dẫn”.
Đại diện các tỉnh tỏ ra thống nhất cao độ về những ý kiến của Võ sư Nguyễn Văn Sen. Các tỉnh cũng thẳng thắn nêu ra điểm mạnh và điểm yếu của mình, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh khác. Đặc biệt, nhận thấy những điểm cần khắc phục, các tỉnh đã cùng nhau bàn tán sôi nổi về phương hướng để có thể đưa phong trào phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nhiều tỉnh đã có kế hoạch trong thời gian tới như ngoài giờ dạy võ sẽ có thêm giờ để giúp võ sinh rèn luyện võ đạo, nâng cao đạo đức của người học Vovinam. Một số tỉnh còn có kế hoạch đưa Vovinam vào chùa để quảng bá môn võ đến đại chúng. Những tỉnh chưa có Liên đoàn chính thức cũng sẵn sàng cho việc thành lập Liên đoàn để đưa phong trào đi vào nề nếp, không chỉ phát triển của chiều rộng mà còn cả chiều sâu. Các tỉnh cũng nhất trí về việc vạch ra lộ trình từ thí điểm đến phổ cập trở lại vật tự do trong Vovinam.
Ngoài những điều trên, buổi tọa đàm còn giúp gợi lại nhiều kỉ niệm trong lòng các võ sư lâu năm. PGS. TS Đào Hoàng Nam – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh Bạc Liêu không giấu được sự xúc động khi tham dự buổi tọa đàm. Ông cho biết Vovinam gắn với những kỉ niệm thời trẻ của mình và khi nhận được thư mời dự tọa đàm ông đã sung sướng, hồi hộp suốt 1 tuần. Ông xúc động kể: “May mắn vào năm 1971 tôi được học Vovinam ở tỉnh Cà Mau, ngày đó cứ sáng tôi lại đi học văn hóa, chiều tối lại oải đồ đi tập Vovinam, vừa để rèn luyện võ thuật và võ đạo. Điều đó đã quyện chặt trong một người thanh niên như tôi những phẩm chất của nhà võ cho đến tận bây giờ. Thời đó thiếu thốn về cơ sở vật chất, thảm tập không có nên chúng tôi tập sân xi măng làm chân trầy tơi tả,. Nhưng Vovinam dạy cho tôi tinh thần, ý chí kiên cường, bền bỉ, dù có đau cỡ nào cũng vượt qua tất cả. Vovinam dạy cho tôi “dấn thân, hiến đức”, dùng võ để giúp đời, giúp người ”.
Có thể nói, Tọa đàm 50 năm Khai phá và Phát triển Vovinam ĐBSCL đã tạo nên một bầu không khí họp mặt ấm áp, đoàn kết, hữu nghị giữa các Liên đoàn. Với sự đồng lòng, chung tay góp sức vì sự phát triển chung, Vovinam các tỉnh ĐBSCL đã nhìn thấy con đường sáng cho chặng đường trong tương lai.
Hoài Phương
Tin liên quan:
- Võ sư Hoàng Minh Cường: Một đời gắn bó Vovinam
- Vovinam Tiền Giang: 50 năm phát triển vững bền
- Vovinam Cần Thơ – Nỗ lực không ngừng để khẳng định vị thế vững chắc