Vovinam đất võ Quy Nhơn: Cần một “cú hích” lớn

Ở TP Quy Nhơn, cách đây 5 năm chỉ có 4 điểm truyền dạy Vovinam, thì hiện tại đã tăng lên 9 phòng tập, CLB thu hút khá đông võ sinh luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, phong trào Vovinam vẫn chưa có được “cú hích” để phát triển mạnh như nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao phong trào Vovinam ở Algeria
Giải VĐ Vovinam Thế giới 2015: Mốc son để quảng bá văn hóa Việt

vvn1
Võ sinh CLB Vovinam Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định đang tập luyện.

Vovinam hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh ở trong nước và lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. TS Võ Danh Hải – Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới cho biết: “Việc quảng bá và xây dựng phong trào Vovinam – Việt Võ Đạo đến thế giới là một quá trình đầy gian truân nhưng cũng rất đáng tự hào, vì chỉ sau hơn 12 năm, Vovinam đã được truyền bá đến tất cả 5 châu trên thế giới, đặc biệt là Châu Phi, chúng ta đã có được một tập thể gần nửa vạn môn sinh tại 6 quốc gia trong khu vực này, trong đó phát triển nhất là phong trào tại Algeria. Tại Việt Nam, môn Vovinam đã được các tỉnh đưa vào tập luyện và thi đấu. Trong chuyến công tác gần nhất tại Quy Nhơn- Bình Định, tôi đã đến các CLB tập luyện Vovinam, nhìn chung tôi đánh giá rất cao về tinh thần học hỏi, chuyên cần khổ luyện trong luyện tập của các võ sinh. Với điều kiện vật chất còn thiếu thốn nhưng các võ sĩ trẻ vẫn thể hiện niềm đam mê to lớn đối với Vovinam. Với sự nghiêm túc của các võ sư cùng với tinh thần tập luyện hăng say của các võ sĩ, tôi nhận thấy rằng, TP Quy Nhơn- Bình Định sẽ là mảnh đất có thể phát triển tốt môn phái này.”

a h
TS. Võ Danh Hải – TTK WVVF và Chủ tịch Liên đoàn Voviam châu Phi tại Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi tại Algeria năm 2012.

Nhiều địa điểm tập luyện

Hiện tại, ở TP Quy Nhơn có 9 võ sư, trong đó có 3 võ sư cao đẳng và 6 võ sư chuẩn cao đẳng. Thế hệ kế cận cũng đã có khoảng 25 huấn luyện viên thực hiện tốt việc truyền dạy. Hằng ngày, thường xuyên có vài trăm võ sinh đến luyện tập ở 9 phòng tập, CLB trên địa bàn TP Quy Nhơn. Tìm đến khoảng sân của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh vào các buổi chiều tối thứ Ba, Năm, Bảy, có thể thấy không khí tập luyện hào hứng của các võ sinh. Võ sư Thái Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB Vovinam thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, cho biết: “CLB thu hút 400 – 500 lượt võ sinh đến tham gia luyện tập hằng năm. Đông nhất là vào các tháng hè, như hiện nay có 80 võ sinh thuộc nhiều lứa tuổi đang luyện tập. Ngoài tôi chịu trách nhiệm chính, còn có sự hỗ trợ thêm của các học trò có trình độ HLV để truyền dạy về kỹ thuật chiến đấu, tự vệ, đối kháng, đa luyện, đơn luyện, binh khí cho học trò”.

Ngoài truyền dạy tại các phòng tập, CLB, võ sư Trương Quang Bính mấy năm gần đây còn nhận lời đến dạy ngoại khóa cho học sinh một số trường mầm non ở Quy Nhơn. Nhiều năm qua, một số CLB Vovinam ở Quy Nhơn đã cố gắng tạo điều kiện cho các VĐV tham gia các giải đấu ở khu vực và toàn quốc để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời khẳng định được chất lượng đào tạo qua việc đoạt thành tích. Gần đây nhất tại giải Vovinam Cúp các CLB toàn quốc năm 2014, CLB Vovinam Nhà Văn hóa lao động tỉnh đã đoạt 1 HCB hội diễn, 1 HCB đối kháng.

Cần một “cú hích”

Dù có chuyển biến tích cực trong việc truyền dạy, phong trào Vovinam ở TP Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung vẫn “tụt lại” so với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung trước đây có phong trào yếu hơn. Điều này có phần nguyên nhân là do  sự hỗ trợ của Sở VH-TT &DL và Liên đoàn Võ thuật Bình Định đến nay đối với Vovinam hầu như chủ yếu là về mặt “tinh thần”, còn lại đều do các CLB tự thân vận động. Võ sư Thái Văn Hùng tâm sự: “Do thiếu thốn kinh phí, nên trước đây khi thầy Trương Quang Bính dẫn học trò chúng tôi đi tham dự các giải đấu Vovinam ở khu vực và toàn quốc, thường chỉ có thuê một phòng 4 người mà ở dồn 10 người, 2 võ sinh ăn một phần cơm, có khi  đem theo xe đạp vào TP Hồ Chí Minh để làm phương tiện di chuyển đến nơi thi đấu. Những năm qua, đến lượt tôi dẫn học trò đi thi đấu cọ xát, dù cố gắng tự xoay xở gói ghém để điều kiện ăn ở khá hơn nhưng cũng rất chật vật”.

Nhiều năm qua, các võ sư, huấn luyện viên vẫn đang trăn trở thành lập Hội Vovinam trực thuộc Liên đoàn Võ thuật Bình Định. Hiện hầu hết các tỉnh, thành có phong trào luyện tập phát triển đều đã thành lập Hội Vovinam từ lâu, đồng thời đầu tư nhiều kinh phí để phát triển bộ môn. Được biết, tỉnh Phú Yên đã dành nguồn kinh phí đến 1,2 tỉ đồng để tổ chức tốt hơn các hoạt động luyện tập, thi đấu Vovinam. Võ sư Trương Quang Bính cho biết: “Cách đây 7 năm, chúng tôi đã có đề xuất thành lập Hội Vovinam nhưng chưa được UBND tỉnh thông qua. Hiện nay, các điều kiện về nhân lực đã có thêm bước phát triển về số lượng và chất lượng chuyên môn, nên thời gian tới các võ sư, huấn luyện viên sẽ tiếp tục họp bàn đề xuất lại việc thành lập Hội Vovinam, nhằm hướng đến phát triển phong trào một cách bài bản, sâu rộng hơn”.

Trung Hiếu