(VoThuat.vn) – Một hình ảnh cực thú vị trong hậu trường chương trình “Người bí ẩn” vừa được tiết lộ. Trấn Thành có dịp đứng cạnh chàng trai “khổng lồ” cao tới 2m20 khiến nhiều người thật sự choáng ngợp vì độ chênh lệch cách biệt. Chàng trai ấy chính là VĐV thuộc đội tuyển Vovinam TP. HCM, Trần Ngọc Tú.
- Ngắm các thầy giáo Vovinam xứng danh ‘nam thần’ ở Đại học FPT
- Vovinam Quân đội tích cực chuẩn bị cho tương lai
Gia đình và tuổi thơ của “Chàng King Kong” xứ Thanh
Trần Ngọc Tú sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cha anh là ông Trần Ngọc Tư (SN 1973, cao 1,7m), làm nghề xây dựng, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Tuyết (cao 1,6m, làm thợ may, qua đời năm 2002 do tai nạn, khi đó Tú mới lên 5 tuổi). Anh trai Tú là Trần Ngọc Tuân (SN 1996, cao 1,7m) cùng làm nghề xây dựng với cha. Hai em gái cùng cha khác mẹ của Tú mới 7 và 14 tuổi. Dòng họ nội, ngoại cũng chẳng có ai cao quá 1,75m. Nói chung, Tú sinh ra trong một gia đình bình thường về chiều cao.
Từ nhỏ đến năm 12 tuổi, Tú chậm lớn so với một số bạn cùng trang lứa trong làng nên thường bị bắt nạt, phải chạy về “méc” anh trai. Nhưng từ năm 13 tuổi trở đi, dù ăn uống kham khổ, Tú vẫn lớn nhanh như thổi, cao thêm một tấc mỗi năm: 16 tuổi cao 2,08m, 18 tuổi cao 2,12m và hiện nay (22 tuổi) cao 2,2m. Tú cho biết, anh vẫn đang cao thêm, nhưng tốc độ không nhanh như trước, từ 3 – 5cm/năm. Anh cảm thấy rất lo lắng về điều này.
Con đường đến với tấm HCB Vovinam quốc gia của anh chàng phụ hồ khổng lồ
Tú kể: anh bỏ học, “đi bụi” từ năm lớp 7. Sau đó, Tú theo một nhóm xây dựng từ Thanh Hóa đến Vĩnh Phúc thi công công trình. Một hôm, Tú đang xách xô vữa hồ thì có mấy chú ở Sở Thể dục – Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đến hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi? Sao mặt còn non choẹt mà to con thế?”. Khi Tú trả lời rằng gần 16 tuổi và cao 2,08m, nặng 100kg thì các chú ấy đều giật mình. Họ hỏi: “Có thích học võ không?”, Tú gật đầu. Thế là họ đưa anh về trung tâm huấn luyện Pencak Silat.
Từ đó, cậu bé “khổng lồ” giã từ nghề phụ hồ để học võ. Cậu được nuôi ăn, ở chu đáo, mỗi tháng còn được cho 500 ngàn đồng tiêu vặt nên rất sung sướng. Nhưng hơn 2 năm miệt mài, nỗ lực với Pencak Silat, Tú chưa thành công ở bất kỳ giải đấu nào. Tú chuyển sang học vật để trở thành một đô vật chuyên nghiệp, nhưng rồi mộng cũng không thành. Đầu năm 2016, Tú giã biệt lò vật, đón xe đò vào TPHCM tìm cơ hội phát triển nghề võ.
Với vóc dáng “siêu nhân”, Tú được các huấn luyện viên môn Vovinam rất ưng ý. Anh được vào Đội tuyển Vovinam TP. HCM và được trợ cấp hơn 6 triệu đồng/ tháng để luyện tập. Tú cùng một số anh em trong đội tuyển thuê nhà trong một con hẻm ở gần Nhà thi đấu Phú Thọ để luyện tập. Trong 4 năm qua, Tú đã đoạt HCĐ, HCB toàn quốc môn Vovinam.
Ước mơ được làm một người bình thường
Vì to cao khác thường nên Tú gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Anh phải ngủ dưới đất vì từ hồi ở Trường Thể dục – Thể thao Vĩnh Phúc, trong khu nội trú không có chiếc giường nào đủ to và dài cho Tú nằm. Khi anh nằm trên nệm thì cũng phải đưa chân ra ngoài. Quần áo, giày dép đều ngoại cỡ, gang tay của Tú hơn 30cm và bàn chân dài, to gần gấp đôi người bình thường).
Mỗi lần đi máy bay hay tàu, xe, anh đều rất vất vả. Tú vẫn còn ớn lạnh khi nhớ đến 2 ngày 1 đêm trên xe giường nằm từ Hà Nội vào Sài Gòn. Cái giường chỉ chứa được một nửa chiều cao và bề ngang thân thể nên Tú phải ngồi bó gối suốt hành trình dài dằng dặc.
Theo tiết lộ, dù to cao và là một vận động viên luyện tập cường độ cao, Tú cũng chỉ ăn uống như người bình thường. Buổi sáng, anh thường nhịn ăn, chỉ uống cà phê. Trưa anh ăn theo tiêu chuẩn như mọi người.
Khi được hỏi về ước mơ, Tú cười buồn: “Em mong sao mình chỉ cao 1,7m như hồi nhỏ. Còn to lớn thế này bất tiện đủ thứ!”. Tú hay mặc cảm về cơ thể khác thường của mình. Giọng Tú trầm xuống, đôi mắt buồn mượt, nói: “Lúc mới lớn thấy mình cứ cao vùn vụt, em sợ lắm, muốn đi điều trị, nhưng vì nhà nghèo không có tiền đến bệnh viện điều trị, chỉ khám ở những cơ sở y tế địa phương nên không giải quyết được gì. Nếu lúc ấy có tiền chữa bệnh, có lẽ bây giờ em đã được làm một người bình thường”.
Ảnh: vnexpress – Bài: Huy Văn