(VoThuat.vn) – Nhắc đến võ sư Hoàng Minh Cường của môn phái Vovinam là không ai không biết. Ông là một trong những người có công rất lớn trong việc khai phá và phát triển Vovinam ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cả cuộc đời của vị võ sư 73 tuổi đã dành hết cho môn võ của dân tộc.

Võ sư Hoàng Minh Cường – tên thật là Phạm Văn Sinh là một trong những cái tên có tiếng của Vovinam khu vực miền Tây. Năm nay đã 73 tuổi, Võ sư Hoàng Minh Cương hiện đang sở hữu Hồng đai tam cấp (đai đỏ 3 vạch trắng – 7 đẳng quốc tế). Vốn là người năng động nên từ nhỏ ông đã sớm được gia đình cho làm quen với võ thuật.

Võ sư Hoàng Minh Cường

Võ sư Cường lúc đó sớm bộc lộ năng khiếu của mình. Từ lúc còn đi học, ông đã được để ý nhờ khả năng múa quyền vô cùng đẹp mắt và uyển chuyển.

Năm 1961, ông tham dự khóa học luyện thi trung học đệ nhất cấp do Giáo sư – Võ sư Trần Huy Phong huấn luyện và được giới thiệu về môn Vovinam – Việt võ đạo. Tại võ đường Saint Thomas ở đường Trương Minh Giảng, quận Phú Nhuận – nay là đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, võ sư Hoàng Minh Cường lúc đó lần đầu tiên được nhìn thấy các võ sinh Vovinam biểu diễn. Trên một sân nền xi măng, các võ sinh biểu diễn những đường quyền đẹp mắt nhưng lại đầy tính thực dụng, võ sư Hoàng Minh Cường bị hớp hồn và từ đó ông chuyển sang tập luyện Vovinam.

Thời điểm đó, Vovinam chưa có đồng phục xanh đặc trưng như bây giờ. Võ sinh vẫn phải mặc quần đùi và áo thun lúc tập luyện. Mặc những điều kiện khó khăn của thời đất nước còn khói lửa, ông vẫn miệt mài tập luyện môn võ mình đã chọn. Từ năm 1966, danh xưng Vovinam bổ sung thành Vovinam – Việt Võ Đạo để thanh, thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ, phấn đấu rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể. Cũng trong năm này, võ sư Hoàng Minh Cường được đưa lên làm phụ tá để phát triển phong trào rộng khắp.

Không lâu sau, Vovinam ở Sài Gòn phát triển rực rỡ với hệ thống rộng khắp. Bộ môn dự định phát triển ra thêm nhiều vùng trên cả nước. Nằm trong kế hoạch khai phá môn Vovinam ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, võ sư Hoàng Minh Cường cùng nhiều đồng môn đặt chân đến Châu Đốc, An Giang để phát triển Vovinam ở mảnh đất này.

Các môn sinh Tổng cục Huấn luyện ( Vovinam Sài Gòn) biểu diễn trong Lễ khai phá Miền Tây tại Long Xuyên, tháng 10-1969 – Ảnh do võ sư Giang Quân Thiêm (hàng ngồi, người thứ 2 từ trái) cung cấp.

Tháng 9-1969, được sự giúp đỡ của Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, lớp Vovinam đầu tiên khai giảng tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh An Giang (trên 40 võ sinh) do võ sư Nguyễn Văn Nhàn huấn luyện. Tiếp theo là khóa I-Long Xuyên mở cho thanh thiếu niên học sinh tại Trung tâm Huấn luyện Vovinam Long Xuyên (võ đường Long Giang). Thời gian này, Ban điều hành và huấn luyện gồm có: võ sư Nguyễn Văn Nhàn, Dương Minh Nhơn, Nguyễn Văn Sen và võ sư Hoàng Minh Cường.

Ngay từ những ngày đầu đến An Giang, Võ sư Hoàng Minh Cường cùng các cộng sự của mình đã đưa phong trào Vovinam ở Kiên Giang đã phát triển mạnh mẽ. Từ đó đến đầu năm 1975, Vovinam Kiên Giang xây dựng được 6 điểm tập, thu hút vài trăm võ sinh.

Võ sư Hoàng Minh Cường nhớ về những ngày tháng bắt đầu: “Ngày đó, qua những đợt biểu diễn, nhiều thanh thiếu niên, học sinh ở các nơi thấy được nét đẹp của Vovinam, các đòn chân trên đá tự nhiên, không dùng thảm lót như những môn võ khác. Nhiều em thấy đam mê rồi đồn miệng nhau, càng ngày càng có nhiều người theo tập, giúp phong trào phát triển mạnh”. 

Thời điểm Võ sư Hoàng Minh Cường đến với mảnh đất An Giang ông mới ngoài 20 tuổi. Đất nước thời đó chưa ổn định, thêm vào đó tuổi đời trẻ khiến ông gặp không ít khó khăn. Ông nhớ lại: “Khó khăn nhất của tôi là các mối quan hệ xã hội. Tôi là người xứ lạ đến lại còn quá trẻ trong khi hệ thống võ thuật tại An Giang lúc đó thường là những người lớn tuổi, 40, 50 tuổi nên tôi chưa có tiếng nói trong cộng đồng. Hơn nữa, tôi mới đến nên hiểu hết tính nết, đời sống của địa phương. Tuy nhiên sau đó trong thời gian rất ngắn thôi tôi đã hòa nhập được. Dù gì đi nữa, tôi đã có thời gian sinh hoạt và rèn luyện tại Tổng cục Vovinam do chưởng môn Lê Sáng điều hành nên có thể nhận thức và phát triển nhanh hơn”.

Kể từ đó đến nay, Võ sư Hoàng Minh Cường đã chọn An Giang là nơi dừng chân trên hành trình của mình. Ông chọn cách gắn bó với nơi này và giúp phong trào phát triển hơn nữa. Với võ sư Hoàng Minh Cường niềm vui lớn nhất của ông là được nhìn phong trào Vovinam phát triển rộng khắp. Nhờ Vovinam, thanh thiếu niên trên địa bàn cũng có đời sống lành mạnh hơn, ổn định hơn, đời sống xã hội cũng yên bình hơn. Chính vì những điều này làm ông cảm thấy thêm yêu công việc của mình.

Ông chia sẻ: “Cuộc sống bình yên ở miền Tây làm tôi thấy dễ chịu quá. Tôi sống ở đây quen, khi về thành phố cảm thấy ngột ngạt, khó chịu nên phải trở về đây để lập nghiệp và ở đây luôn.” 

Chọn An Giang định cư, Võ sư Hoàng Minh Cường cũng lập gia đình tại đây và có 4 người con. Hai người con trai cũng theo nghiệp ông và học Vovinam. Trong đó, người con trai út làm ông hãnh diện khi vừa tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế và tiếp tục theo học Vovinam tại TP.HCM.

Võ sư Hoàng Minh Cường (5) cùng võ sư Chưởng môn Lê Sáng (4)

Mấy chục năm phát triển phong trào, số lượng học trò theo ông nhiều không kể hết. Ông rất tự hào vì là người góp phần đào tạo ra nhiều VĐV, võ sư giỏi, hiện nay đang tiếp tục kế thừa ông để phát triển phong trào. Tiêu biểu có thể kể đến những cái tên như Võ sư Lê Thành Tân – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam An Giang, Võ sư Lý Ngọc Phước – Phụ trách phong trào tại Châu Đốc và rất nhiều cái tên đạt cao đẳng khác đang ngày đêm cống hiến cho phong trào.

Võ sư Hoàng Minh Cường (thứ 4 từ trái sang) và học trò là võ sư Lê Thành Tân – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam An Giang (thứ 5 từ trái sang)

Để có được những thành công đó, vị võ sư 73 tuổi đã dành cả cuộc đời của mình để cống hiến. Không nghỉ ngơi, không lơ là, võ sư Hoàng Minh Cường luôn đau đáu làm sao để phong trào có thể phát triển hơn nữa, vươn xa hơn nữa. Mấy mươi năm phát triển phong trào, gặp không ít khó khăn trở ngại nhưng ông đều vượt qua. Chẳng điều gì làm chùn bước chân ông khi tình yêu dành cho Vovinam trong tim luôn nồng cháy.

Ông tự hào khi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình: “Ngày trước, đất nước còn khó khăn, chưa có điều kiện, chưa có phương tiện như bây giờ. Mỗi lần đi huấn luyện, đi dạy tôi đều phải đi bộ. Thậm chí nhiều ngày tôi phải đi bộ hàng chục km để lên Thốt Nốt (Cần Thơ) để dạy. Sáng đi bộ hơn 20km, chiều đi bộ về. Về đến nhà cũng hơn 11 giờ đêm”. 

Có thể thấy, quãng đường dài chẳng thể làm ông mệt mỏi, hơn nữa, với khát khao phát triển môn võ của dân tộc ông càng quyết tâm hơn, năng nổ hơn để đưa Vovinam đến với nhiều nơi. Động lực còn đến với ông khi những việc làm của ông được xã hội công nhận. Những lớp Vovinam của ông được cả những linh mục, giáo sư theo tập luyện. Họ là những người có tầm ảnh hưởng nhất định. Thấy Vovinam hay họ lại mang đi quảng bá rộng rãi hơn. Đó là điều khiến ông vô cùng phấn khởi.

Võ sư Cường nói: “Thông thường các môn võ thì các linh mục, giáo sư rất ít tập. Nhưng khi Vovinam mở ra thì họ theo tập rất đông. Vì môn võ này không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn có cả võ đạo trong đó cũng như ý nghĩa to lớn mà nó mang lại. Vì thế, họ nhận thấy đây là môn võ mà họ phải tham gia”.

Từ ngày ông Cường đến, Vovinam tỉnh An Giang không ngừng phát triển và gặt hái rất nhiều thành công. Ở An Giang bây giờ, Vovinam phát triển rộng khắp và len lỏi vào cuộc sống của từng huyện, từng thôn, xóm. Năm 2009, theo chủ trương của ngành Thể dục thể thao tỉnh An Giang, võ sư Cường cùng các võ sư khác vận động thành lập Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam An Giang và ông giữ cương vị Cố vấn kiêm Chủ tịch danh dự Liên đoàn Vovinam An Giang. Từ năm 2018, khi ở tuổi 72, ông tiếp tục được mời làm Cố vấn Vovinam – Việt võ đạo các tỉnh Tây Nam Bộ.

Các VĐV Vovinam An Giang được tạo điều kiện thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn

Người võ sư 73 tuổi đã dành cả một đời để xây dựng và phát triển Vovinam. 50 năm đã đi qua trên hành trình Vovinam đến với miền Tây, võ sư Cường lẽ ra giờ có thể được nghỉ ngơi tận hưởng cuộc sống của mình nhưng ông vẫn không ngừng trăn trở.

“Vovinam ở đâu thì đời sống xã hội ở đó tốt đẹp hơn, thanh niên được xây dựng mẫu mực hơn. Hơn nữa, Vovinam ngày nay là môn võ được cả thế giới ngưỡng mộ. Vì vậy, tôi chỉ có mong muốn là các thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục xây dựng và phát huy Vovinam ra khắp xã hội”. 

“Tôi cũng mong các thế hệ sau này có thể triệt để noi gương thế hệ đi trước, ước nguyện của sáng tổ và  chưởng môn là luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo lên hàng đầu, giữ được nề nếp của môn phái và đạo đức của người học võ, gắn bó tất cả là một. Võ thuật có thể tập được, nhưng đạo đức, lễ nghĩa mà không giữ được thì không làm được điều gì”, võ sư Hoàng Minh Cường tâm sự.

 

Sắp tới đây, An Giang sẽ là chủ nhà của Lễ kỷ niệm 50 năm Khai phá & Phát triển Vovinam ở ĐBSCL. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng của môn phái, là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua trong hành trình lịch sử của Vovinam ở Miền Tây, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ tiền nhân đã có công khai phá. Thông qua sự kiện này, Võ sư Hoàng Minh Cường cũng rất mong các Liên đoàn sẽ cùng nhau chung tay, góp sức với mong ước tất cả là một và Vovinam là chung một mái nhà.

Hoài Phương


Tin liên quan: